MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hỗ trợ 55.000 tỉ đồng xây cao tốc Bắc - Nam: Còn không ít “nút thắt”!

10-04-2017 - 08:21 AM | Bất động sản

Ngày 4.4, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý phương án Nhà nước hỗ trợ 55.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện các dự án trong đề án cao tốc Bắc - Nam. Quyết định này đã đẩy nhanh đáng kể tốc độ cho siêu dự án này. Tuy nhiên, cả Bộ GTVT lẫn các chuyên gia đều nhận định để dự án chính thức thành hình vẫn còn nhiều “nút thắt” phải giải quyết.

Sẽ ưu tiên triển khai các dự án nào?

Theo tờ trình của Bộ GTVT ngày 31.3, đề án cao tốc Bắc - Nam có tổng mức đầu tư (TMĐT) sơ bộ khoảng 312.435 tỉ đồng, trong đó có 3 phương án và Thủ tướng Chính phủ đã duyệt phương án 2 với vốn Nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 55.000 tỉ đồng.

Với phương án này, bộ sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn tuyến, đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam với chiều dài giai đoạn 1 (từ 2017 đến 2022) khoảng 684km gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Tuý Loan (Đà Nẵng) theo hình thức BT, đoạn Cam Lâm (Khánh Hoà), ĐT655B - Dầu Giây (Đồng Nai).

Trong đó, bộ dự kiến xây dựng mới đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lâm (Khánh Hoà, ĐT655B) - Phan Thiết (Bình Thuận) và Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) theo hình thức BT với quy mô 4 làn xe (chiều rộng đường 17m), đoạn Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai) với quy mô 4 làn xe (chiều rộng 25m) với tổng chiều dài 603km, mở rộng đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn La Sơn (Thừa Thiên - Huế) - Tuý Loan (Đà Nẵng) từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe với chiều dài 81km. Với tiền hỗ trợ từ trái phiếu chính phủ, Bộ GTVT sẽ thực hiện GPMB, hỗ trợ tái định cư toàn bộ dự án theo quy mô quy hoạch tổng chiều dài khoảng 1.204km (trừ đoạn Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Tuý Loan).

Trong giai đoạn 2 (dự kiến từ 2023 đến 2028), sẽ tiến hành đầu tư các đoạn còn lại để thông tuyến cao tốc Bắc - Nam gồm đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Cam Lâm với quy mô 4 làn xe cùng tổng chiều dài 688 km. Dự kiến TMĐT 103.196 tỉ đồng trong đó vốn Nhà nước hỗ trợ 44.456 tỉ đồng vốn nhà đầu tư 58.740 tỉ đồng.

Giai đoạn 3 (dự kiến sau 2028) hoàn chỉnh toàn tuyến theo quy mô quy hoạch với TMĐT khoảng 69.123 tỉ đồng.

Trao đổi với báo Lao Động, ông Phạm Hữu Sơn - Tổng Giám đốc TCty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI - đơn vị tư vấn lập dự án) cho biết dự án sẽ ưu tiên một số đoạn cụ thể, ngoài Bắc là từ Ninh Bình tới Bãi Vọt (Hà Tĩnh) nối QL8 còn trong Nam từ Dầu Giây đến Cam Ranh. Theo ông Sơn, nếu kỳ này Quốc hội thông qua các cơ chế rút gọn một số thủ tục chọn nhà đầu tư thì sang năm 2018 có thể khởi công cùng lúc các dự án ở hai đầu đất nước. Ông Sơn cho hay Tedi đã bắt đầu triển khai thiết kế kỹ thuật cho các dự án và tổng mức đầu tư phải được kiểm soát, tính chuẩn ngay từ đầu để cung cấp cho các nhà đầu tư những con số tương đối hoàn chỉnh để đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Vướng nhất vẫn là cơ chế

Bộ GTVT và các chuyên gia nhận định việc Chính phủ duyệt chi 55.000 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu và thống nhất GPMB toàn tuyến là một bước ngoặt quan trọng, nếu không muốn nói là chưa có tiền lệ nhưng cơ chế cũng như việc thu hút vốn đầu tư đặc biệt là từ các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn là bài toán khó giải.

Trong phương án trình Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất chia thành các dự án độc lập để tổ chức triển khai và cho phép chỉ định thầu các gói thầu tư vấn tham gia lập dự án đầu tư, chỉ thành lập một hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định từ chủ trương đầu tư và tất cả các dự án đầu tư để các thành viên hội đồng theo dõi từ đầu.

Bộ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép cung cấp các bảo lãnh về doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ… cho một dự án thí điểm để kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài...

Về lợi nhuận của chủ đầu tư, bộ kiến nghị cho phép xác định mức lợi nhuận trên phần vốn sở hữu của nhà đầu tư để tính toán phương án tài chính ban đầu là 14%/năm và mức lợi nhuận chính thức được xác định thông qua đấu thầu.

Trao đổi với báo Lao Động, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết dù Chính phủ đã gật đầu với phương án hỗ trợ 55.000 tỉ đồng nhưng bộ vẫn phải hoàn thiện cả 3 phương án để trình Quốc hội và chỉ khi Quốc hội quyết thì mới chính thức triển khai.

“Vướng nhất bây giờ vẫn là cơ chế, cơ chế không thông qua thì cũng không giải quyết được vấn đề gì vì không huy động được vốn của nhà đầu tư thì cũng khó và vốn nước ngoài rất quan trọng vì các nhà đầu tư trong nước đã bắt đầu nản” ông Trường nhận định.

Còn theo ông Phạm Hữu Sơn, các nhà đầu tư hiện đang chờ sự phê duyệt của Quốc hội, ngoài chuyện tiền còn là cơ chế và chưa chắc Chính phủ đã đồng ý. Theo ông này, đây là một trong những nút thắt lớn nhất.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng vấn đề lớn nhất của các dự án BOT nói chung và đề án cao tốc Bắc - Nam nói riêng là tắc vốn. “Ngân hàng không cho vay nữa vì với cơ chế như thế này ngân hàng cảm thấy làm không hiệu quả nên thiếu vốn vô cùng mà có vốn đâu mà đầu tư” - chuyên gia này nhận định.

Các chuyên gia nhận định khi lực của các nhà đầu tư trong nước đã tới hạn, rất cần huy động vốn từ nước ngoài nhưng kèm theo đó sẽ là nhiều điều kiện và Bộ GTVT cũng như Chính phủ cần cân nhắc trước khi quyết định cuối cùng.

Theo Khánh Hòa

Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên