Hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, da giày đáp ứng yêu cầu an toàn công trình nhà máy
Những đòi hỏi mới từ các nhãn hàng và nhà phân phối quốc tế đã và đang ít nhiều gây khó khăn, lúng túng cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khi mà một nhà máy sản xuất cho nhiều nhãn hàng và nhà phân phối khác nhau.
Sáng ngày 8/6/2019, tại Hà Nội, Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) đã tổ chức lễ khởi động “Chương trình an toàn công trình nhà máy dệt may và da giày (LABS) tại Việt Nam“ để hỗ trợ các nhà máy đạt được yêu cầu về an toàn về kết cấu xây dựng, hệ thống điện và phòng cháy chữa cháy tại các nhà máy dệt may và da giày theo các tiêu chuẩn quốc tế cũng như các quy định liên quan của Việt Nam.
Ông Huỳnh Tiến Dũng - Giám đốc quốc gia IDH Việt Nam cho biết, ngành dệt may và da giày đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 36,26 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 40 tỷ USD vào năm 2019. Với tốc độ tăng trưởng liên tục và ổn định từ 12%-16%/năm trong giai đoạn 2010-2018, ngành dệt may và da giày luôn đứng thứ 2 hoặc thứ 3 trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và tạo công ăn việc làm cho hơn 3 triệu lao động, trong đó hơn 80% lao động nữ.
Hiện Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại song phương với các nước phát triển như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA)... Việc này đã mở rộng cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp dệt may và da giày nói riêng trong việc tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài về sản xuất và xuất khẩu.
Tuy nhiên bên cạnh các cơ hội thì các doanh nghiệp dệt may và da giày cũng phải đối mặt với các thách thức như đáp ứng được các cam kết quốc tế cũng như các yêu cầu từ các đối tác thương mại trong việc tuân thủ các điều kiện về lao động, bảo vệ môi trường và an toàn sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững.
Đặc biệt trong thời gian gần đây các nhãn hàng và nhà phân phối lớn trong lĩnh vực dệt may và da giày đã bắt đầu đặt ra nhiều yêu cầu với các nhà máy về điều kiện an toàn về kết cấu công trình, an toàn hệ thống điện và an toàn phòng cháy chữa cháy như là điều kiện thương mại trong tương lai. Những đòi hỏi mới này từ các nhãn hàng và nhà phân phối quốc tế đã ít nhiều gây khó khăn, lúng túng cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khi mà một nhà máy sản xuất cho nhiều nhãn hàng và nhà phân phối khác nhau.
Ông Huỳnh Tiến Dũng cũng cho biết, những sự cố như sụp đổ nhà máy, hỏa hoạn… gần đây gây tổn thất lớn về sinh mạng con người ở một số các nhà máy dệt may và da giày tại một số nước trên thế giới đã cho thấy sự cần thiết phải nâng cao công tác đảm bảo an toàn công trình nhà máy. Do đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp ở Việt Nam đạt được các yêu cầu từ các nhãn hàng và nhà phân phối quốc tế về an toàn công trình nhà máy, IDH đã hợp tác với một số các nhãn hàng và nhà phân phối quốc tế lớn để xây dựng nên bộ tiêu chuẩn chung, thống nhất áp dụng bởi các nhãn hàng này về yêu cầu an toàn công trình nhà máy dệt may và da giày và chương trình LABS để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu này.
Bộ tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá của chương trình LABS được xây dựng dựa trên các thông lệ, thực hành, tiêu chuẩn quốc tế (theo yêu cầu của các nhãn hàng) và các quy định liên quan của Việt Nam.
Còn theo bà Hoàng Ngọc Ánh – Phó tổng thư ký hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), là một đơn vị đại diện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, Hiệp hội rất ủng hộ việc xây dựng được một bộ tiêu chuẩn thống nhất về an toàn công trình nhà máy mà được các nhãn hàng áp dụng. Hiệp hội hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều nhãn hàng tham gia vào chương trình LABS và điều này sẽ giúp giảm thời gian và công sức cho các nhà máy trong việc đầu tư vào các giải pháp an toàn cũng như hệ thống báo cáo cho các nhãn hàng và nhà phân phối.