MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hỗ trợ vay trả lương ngừng việc do đại dịch COVID-19 mới đạt 0,26%

15-06-2021 - 16:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Gói hỗ trợ mới giải ngân được cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động, số tiền 41,8 tỷ đồng, tương ứng với 0,26%.

Sáng 15/6, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự báo 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực…

Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP đạt khoảng 5,8%. Tuy nhiên, con số này thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm Quý I năm 2021 (tăng 5,92%).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, tốc độ tăng trưởng GDP quý I và dự báo 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra. Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI còn cao (74,8%). Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán, vàng còn tiềm ẩn rủi ro.

Hạn chế khác được chỉ ra là việc giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương 5 tháng đầu năm 2021 còn chậm, chỉ đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,97%. Thu hút FDI đạt 14 tỷ USD, nhưng số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm trên 50%, cho thấy tín hiệu còn nhiều khó khăn, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 23%. Đáng lưu ý, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức; dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khả năng lạm phát gia tăng…

Đó là nhận xét của Thường trực Uỷ ban Kinh tế khi thẩm tra sơ bộ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm.

Hỗ trợ vay trả lương ngừng việc do đại dịch COVID-19 mới đạt 0,26%  - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh Như Ý

Chỉ có 11.276 người lao động được hỗ trợ trả lương

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trước tác động bởi dịch bệnh COVID-19, các gói hỗ trợ đã góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của Nhân dân, người lao động và của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Tính đến ngày 27/5, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 13.100 tỷ đồng/35.880 tỷ đồng, tương ứng với 36,5% quy mô gói hỗ trợ. Gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc với quy mô 16.000 tỷ đồng, đã giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động, với số tiền 41,8 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ.

Còn gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng đã nhận và giải quyết cho cho 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền trên 786 tỷ đồng, tương ứng với 12,1% quy mô gói hỗ trợ.

Theo ông Thanh, các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Trong khi đó, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện một số chính sách chi ngân sách cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 chưa đạt kết quả như dự kiến. Uỷ ban này đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi sát sao để kịp thời điều chỉnh hoặc ban hành chính sách mới, nhằm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân ứng phó với đại dịch COVID-19.

Đồng thời cần có các giải pháp đủ mạnh để tấn công, kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới. Trong đó, có giải pháp với lộ trình cụ thể về kế hoạch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội.


Theo Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên