MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hoa Tết điêu tàn sau bão lũ

23-12-2017 - 09:16 AM | Thị trường

Người dân trồng hoa Tết ở Tây Nguyên, Trung Bộ đang đứng ngồi không yên vì cây èo uột.

Sau nhiều tháng đầu tư tiền của, công sức, hàng ngàn hộ trồng hoa đang đối mặt với khó khăn, nợ nần.

"Hoa cúc Ninh Giang" thiệt hại nặng

Ông Trần Ngọc Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa - cho biết hằng năm, làng hoa ở đây trồng khoảng 150.000 chậu cúc các loại với trên 20 ha. Sau 5 tháng, làng hoa này có thể sinh lãi khoảng 6,5 tỉ đồng, hơn hẳn các cây trồng khác. Hoa cúc ở đây nổi tiếng và đã đăng ký bảo hộ thương hiệu "Hoa cúc Ninh Giang". Tuy nhiên, sau đợt mưa bão vừa qua, làng hoa cúc ở đây xơ xác, cây bị gãy đổ, rũ lá. "Để khắc phục, người trồng phải đầu tư thêm phân bón, hoa dược để kích cây nhưng cũng chưa biết Tết này có hoa bán không" - ông Hiếu lo lắng.

Người trồng hoa cúc ở Quảng Ngãi phải nhổ bỏ do cây không phát triển Ảnh: TỬ TRỰC

Theo ông Đỗ Đình Đông (thôn Phong Phú 2, phường Ninh Giang), so với thời điểm này các năm trước, cây hoa cúc phải lên đến ngực, đến Tết thì hoa ra đúng tầm mắt. Tuy nhiên, năm nay hoa chỉ mới đến bụng do bị "đẹt". Người trồng như đang ngồi trên lửa vì lo không có hoa bán Tết.

Cây hoa cúc ở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa phát triển kém hơn bình thường Ảnh: KỲ NAM

Chi phí đầu tư cho mỗi chậu cúc đại đóa cỡ lớn từ 100.000-150.000 đồng, chưa tính nhân công. Riêng năm nay, người trồng đầu tư nhiều hơn nhưng cây lại phát triển kém.

Ngoài Ninh Giang, làng hoa ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cũng có khoảng 80.000 chậu cúc nhưng đã thiệt hại gần 10.000 chậu.

Ông Phan Văn Kính, Chủ tịch Hội Sinh vật Nha Trang, cho biết sau bão số 12, làng hoa cảnh Nha Trang lâm vào khốn đốn vì hàng chục ngàn giò lan của các vườn hoa bị hư hại. Tại nhiều vườn sinh vật cảnh, hàng loạt chậu bonsai trị giá cả chục triệu đồng giờ cũng phải nhổ bỏ. Riêng gia đình ông Kính thiệt hại trên 100 triệu đồng vì cây lan hư, cháy lá. "Tết này nguy cơ TP Nha Trang kém sắc vì các làng hoa trong tỉnh hư hại đồng loạt. Bà con trồng hoa điêu đứng vì dồn sức cả năm vào vụ Tết, bây giờ có nguy cơ lỗ nặng" - ông Kính nhận định.

Không thể khắc phục

Hơn 200 hộ chuyên trồng hoa Tết tại làng hoa Cẩm Châu, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đang phải đối diện với một mùa vụ thất thu bởi hầu hết bị thiệt hại gần như hoàn toàn sau lũ và nhiều trận mưa lớn kéo dài vừa qua.

Hộ trồng hoa Tết tập trung nhiều nhất tại các khối Sơn Phô 1, Sơn Phô 2 và An Mỹ, phường Cẩm Châu. Làng hoa Cẩm Châu mỗi năm cho ra thị trường gần 100.000 chậu hoa kiểng các loại. Cách đây hơn 1 tháng, do bị ngập trong nước, chịu nhiều trận mưa lớn kéo dài khiến hàng chục ngàn chậu hoa Tết ở đây thối rễ và chết hàng loạt. Công sức bỏ ra mấy tháng trời của người trồng hoa nơi đây coi như mất trắng. Số diện tích còn lại tuy được người trồng khắc phục nhưng không thể nở hoa kịp dịp Tết nguyên đán do đang suy kiệt.

Sau đợt lũ rút vào đầu tháng 11 vừa qua, buồn rầu đứng bên vườn cúc trên 1.000 m2 với hơn 1.200 chậu đang bị thối rễ, ông Nguyễn Phú Quang (khối Sơn Phô 1) bộc bạch: "Hơn 100 triệu đồng của gia đình bỏ vào vụ hoa Tết năm nay coi như mất trắng".

Theo ông Quang, sau khi nước lũ gây ngập, hoa cúc trong vườn rũ lá, héo và sau đó chết dần do bị thối rễ. "Mặc dù tôi đã mua các loại thuốc kích thích về phun để vớt vát các chậu hoa còn lại nhưng cây vẫn không thể sinh trưởng tiếp. Công sức, vốn liếng hàng trăm triệu đồng bỏ ra hơn 5 tháng nay coi như mất sạch" - ông Quang buồn rầu.

Hộ ông Nguyễn Cư (khối Sơn Phô 2) có hơn 700 chậu cúc, 250 chậu dạ yến thảo và hơn 200 chậu mãn đình hồng cũng không phát triển và chết dần. Ông Cư cho rằng hoa thối rễ thì chịu, dù gia đình chi nhiều tiền mua thuốc kích rễ.

"Mỗi chậu hoa, người trồng phải bỏ ra hơn 30.000 đồng, chưa tính công chăm sóc và tiền phân bón, thuốc trừ sâu. Như vậy, gia đình tôi thiệt hại mấy chục triệu đồng. Do bà con không có vốn mua giống mới trồng thay thế nên sắp đến, diện tích hoa trong làng sẽ sụt giảm đáng kể, gây thiệt hại nặng cho người trồng dù còn khoảng 1 tháng rưỡi nữa là đến Tết nguyên đán" - ông Cư ngán ngẩm.

Ông Phan Văn Liêu, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hội An, xác nhận: "Việc nước lũ kèm mưa lớn đã khiến hơn 40% diện tích hoa Tết trong làng hoa Cẩm Châu bị thiệt hại với hơn 28.000 chậu, trong tổng số 18 ha. Số hoa bị thiệt hại chủ yếu là cúc, vạn thọ, mãn đình hồng, dạ yến thảo.

Theo ông Liêu, Hội Nông dân đã kết hợp với nhiều trung tâm khuyến nông lân cận giúp người trồng khắc phục hoa Tết bị hư hại nhưng vẫn không cải thiện được. "Chúng tôi chỉ còn cách yêu cầu người dân trồng lại các loại hoa ngắn ngày như mai dạ thảo, xác pháo, chùm thọ… để kịp bán vào dịp Tết nguyên đán sắp tới, mong lấy lại vốn. Người trồng ở đây đang phải đối diện với một mùa vụ thất thu chưa từng thấy" - ông Liêu cho hay.

Sẽ hết sức khó khăn

Sau 3 đợt lũ liên tiếp vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm nay, nhiều làng hoa ở tỉnh Bình Định trở nên xơ xác, tiêu điều, người trồng lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Lũ quét khiến 20.000 chậu cúc của 50 hộ trồng hoa ở làng cúc Vĩnh Liêm, phường Bình Định, thị xã An Nhơn héo rũ, chết dần. Nhìn 500 chậu hoa cúc trong vườn héo vàng, tuột lá, ông Nguyễn Văn Phúc (ngụ phường Bình Định) xót xa cho biết gia đình ông đầu tư hơn 50 triệu đồng vào vườn cúc với hy vọng cuối năm bán kiếm chút tiền ăn Tết. Thế nhưng, 3 cơn lũ đã nhấn chìm toàn bộ vườn cúc trong nhiều ngày, khiến cây sắp ra búp xơ xác, chết dần.

"Hoa cúc không chịu được nước, trong khi lũ ngâm cả ngày lẫn đêm. Giờ chậu cúc nào cũng đóng một lớp bùn non nên gặp nắng là chết, không còn cách nào cứu chữa. Ngoài số tiền đầu tư cho vườn cúc, bao nhiêu công sức trong 3 tháng qua coi như mất trắng, Tết này sẽ hết sức khó khăn" - ông Phúc than thở.

Cách nhà ông Phúc vài trăm mét, vườn cúc hơn 1.000 chậu của ông Nguyễn Minh Công cũng trong tình cảnh tương tự. "Lũ lên nhanh quá, chưa kịp kê dọn thì nước đã dâng đến cổ. Hôm đầu tiên nước rút, thấy cảnh vườn cúc, tôi buồn đến nghẹn người, không nuốt nổi cơm. Tiền bạn hàng đặt cọc mua cúc trước đó, tôi phải gửi trả lại. Giờ không còn cúc, không biết lấy gì trả nợ" - ông Công than.

Không rơi vào cảnh mất trắng như nhiều hộ dân ở làng cúc Vĩnh Liêm, song hàng chục hộ ở làng hoa Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) cũng điêu đứng khi hoa bị ngâm trong nước lũ dài ngày. "Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay gia đình tôi đưa các chậu cúc lên vùng đất cao hơn. Vậy mà trong vài đợt lũ vừa qua, hơn một nửa trong 500 chậu vẫn bị ngập nước. Giờ nhìn vườn cúc, tôi thấy ngán ngẩm. Lỗ, nợ nần là chuyện không thể tránh khỏi" - anh Trần Văn Hưng (ngụ thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa) nói.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, sau hai đợt lũ trong đêm 5 và ngày 6-11 khiến hàng ngàn chậu cúc, vạn thọ… bị ngập nước, dập nát, gây thiệt hại nặng cho nông dân.

Tại 2 xã Nghĩa Mỹ và Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa hàng loạt chậu hoa Tết bị nước lũ nhấn chìm gây hư hỏng nặng. Ông Nguyễn Văn Bảy, một hộ trồng hoa ở xã Nghĩa Hiệp, cho biết nước lớn đổ về làm hàng chục ngàn chậu hoa cảnh ngập chìm trong bùn đất, héo úa.

Theo thống kê của huyện Tư Nghĩa, sau đợt lũ đầu tháng 11-2017, hàng trăm hộ trồng hoa Tết bị thiệt hại nặng với trên 200.000 chậu các loại, nhiều hộ trắng tay.

Thủ phủ hoa thiệt hại do dịch bệnh

Hiện diện tích canh tác hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 3.871 ha, tập trung chủ yếu tại các phường 8, 9, 11, 12 và xã Xuân Thọ của TP Đà Lạt cùng các huyện phụ cận như Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng... Trong đó, diện tích hoa Tết gần 3.500 ha.

Vườn làng hoa Thái Phiên, phường 12, TP Đà Lạt được xem là thủ phủ hoa Tết ở Đà Lạt, nhưng năm nay nhiều người trồng bị thiệt hại nặng do dịch bệnh. Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, nhìn nhận: "Hiện các vùng trồng hoa trên địa bàn TP Đà Lạt đều xuất hiện bệnh, riêng phường 12 có gần 100 ha hoa phục vụ Tết nhưng có tới hơn 40% bị thiệt hại, hầu hết nhà vườn nhổ bỏ chứ không thể khắc phục".

Theo Nhóm PV

Người lao động

Trở lên trên