Hoạt động đại lý ngân hàng – tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính
Theo TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, trên thế giới hoạt động đại lý ngân hàng đã triển khai rộng khắp, ở Việt Nam cũng đã được thí điểm như Viettel làm với MB, PG Bank với Petrolimex...và có kết quả tích cực.
- 07-04-2021Mobile Money có đủ lực thay đổi cục diện ngành tài chính?
- 25-01-2020Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu, triển khai mô hình đại lý ngân hàng
-
Ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam năm nay sẽ tăng 5,5-6%. Ở kịch bản tích cực hơn, tăng trưởng cả năm có khả năng đạt 6-6,5%.
Chuyển đổi số giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) phát triển nhanh các kênh phân phối hiện đại cũng như cho phép các TCTD mở các điểm tiếp xúc với khách hàng bên ngoài chi nhánh, phòng giao dịch thông qua hoạt động đại lý ngân hàng. Hoạt động này là một trong những kênh phân phối mang tính đổi mới giúp tăng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, cũng như sáng kiến nổi bật, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu phát triển tài chính toàn diện ở các quốc gia. Tại Việt Nam, mô hình đại lý ngân hàng đã được thực hiện giữa các TCTD với nhau, giữa TCTD và một đơn vị không phải là ngân hàng cũng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thí điểm triển khai, song cơ sở pháp lý cho hoạt động này vẫn còn là khoảng trống cần được bổ sung, hoàn thiện.
1. Đại lý ngân hàng
Đại lý ngân hàng (Banking Agent hoặc Business Correspondent tùy từng quốc gia), nói một cách khái quát, là việc cung ứng dịch vụ tài chính cho khách hàng bởi bên thứ ba thay mặt cho TCTD và/hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ tiền di động (mobile money) được cấp phép. Nói ngắn gọn, hoạt động đại lý ngân hàng là việc TCTD cộng tác với các đại lý để cung cấp dịch vụ tài chính tại những nơi mà các TCTD không có chi nhánh hay điểm giao dịch.
Trên thế giới, tồn tại hai mô hình đại lý ngân hàng chính là: (i) Mô hình ngân hàng làm chủ: theo đó, tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ tài chính thông qua một đại lý (thường là hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, trạm xăng, hiệu thuốc…). TCTD vẫn là người cung cấp dịch vụ tài chính, đồng thời là người quản lý, duy trì tài khoản của khách hàng; (ii) Mô hình phi ngân hàng làm chủ: tương tự như mô hình ngân hàng làm chủ song mô hình này khác biệt ở chỗ đại lý là một tổ chức vận hành mạng viễn thông hoặc điện thoại di động (nhà mạng) và thực hiện giao dịch thông qua tài khoản tiền điện tử của khách hàng thay vì tài khoản ngân hàng. Để đảm bảo quy tắc an toàn, các nhà mạng này phải mở tài khoản tại TCTD và duy trì số dư bằng tổng quy mô các giao dịch đại lý được thực hiện.
Hoạt động đại lý ngân hàng có thể mang lại bốn lợi ích chính đối với các chủ thể tham gia mô hình này, từ TCTD, khách hàng và bản thân đại lý.
Thứ nhất, với các TCTD, kênh đại lý ngân hàng giúp mở rộng điểm tiếp xúc khách hàng với chi phí thấp. Để có 1 điểm đại lý, TCTD chỉ tốn chi phí thành lập bằng khoảng 2-4% và chi phí vận hành bằng khoảng 35% của một chi nhánh ngân hàng truyền thống. Đồng thời, với các đại lý ngân hàng, các TCTD có được mạng lưới phục vụ khách hàng rộng hơn rất nhiều, đặc biệt là các khách hàng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa…v.v. Những khâu đơn giản như tiếp nhận hồ sơ, trả thẻ… được xử lý trước từ bên ngoài TCTD, từ đó, giúp hoạt động của các TCTD được nhanh gọn và hiệu quả hơn.
Thứ hai, với khách hàng, cơ hội tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính tăng lên. Theo đó, khách hàng có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch đơn giản tại các điểm mua sắm, bán lẻ thường ngày trong khung thời gian thoải mái hơn nhiều. Đơn cử như đại lý thanh toán ở dạng các cửa hàng tạp hóa, cửa hiệu thuốc, bưu điện hoặc trạm xăng dầu… có thể phục vụ khách hàng liên tục 24/7. Đồng thời, mạng lưới rộng hơn cũng đồng nghĩa với giảm thiểu chi phí về thời gian chờ đợi, đi lại của khách hàng, đặc biệt là gần gũi hơn với tầng lớp khách hàng có thu nhập trung bình và thấp.
Thứ ba, với các đại lý, lợi ích là tăng thu nhập và tăng lưu lượng khách hàng. Thu nhập cải thiện từ nhiều nguồn khác nhau như thu phí hoa hồng khi thực hiện những giao dịch tài chính thay ngân hàng, tăng doanh số do thu hút tốt hơn lượt khách hàng ghé thăm, thậm chí là mở rộng mặt hàng, đáp ứng nhu cầu khách hàng… Từ đó, các đại lý ngân hàng có thể thắt chặt quan hệ hơn với khách hàng, thâm canh khách hàng hiệu quả hơn.
Thứ tư, với xã hội, nhìn một cách tổng thể, mô hình đại lý ngân hàng có thể giúp tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản cho một bộ phận dân chúng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, là một phương thức hữu hiệu thúc đẩy tài chính toàn diện.
Song, mô hình đại lý ngân hàng cũng có ba rủi ro, thách thức chính.
Một là, rủi ro hoạt động có thể xảy ra khi cán bộ giao dịch chưa được đào tạo kỹ, thiếu hệ thống an ninh, bảo mật… Khi đó, các giao dịch của khách hàng có thể bị chậm trễ hoặc sai sót với xác suất cao hơn so với thực hiện tại ngân hàng. Bên đại lý cũng có thể gặp rủi ro về thanh khoản trong một số trường hợp khi luồng tiền rút ra lớn hơn so với dòng tiền nộp vào…; từ đó, ảnh hưởng đến rủi ro danh tiếng của bên giao đại lý (TCTD).
Hai là, rủi ro đạo đức khi bên đại lý vi phạm các cam kết trong hoạt động. Với hoạt động đại lý ngân hàng, bên đại lý có thể tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền nộp của khách hàng và trong trường hợp không kiểm soát thận trọng có thể dẫn đến thất thoát hoặc cố tình sử dụng sai mục đích, giả mạo giấy tờ… gây hậu quả cho bên giao đại lý.
Ba là, kênh đại lý ngân hàng có thể tạo mối lo ngại về vấn đề luật bảo vệ người tiêu dùng cũng như những quy định về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, mức độ và xác suất của rủi ro này có thể hạn chế thông qua các quy định về pháp lý chặt chẽ (về hạn mức, số lượng giao dịch được thực hiện…), hoặc ràng buộc trong hợp đồng đại lý rõ ràng (về quyền và trách nhiệm của các bên…) cũng như ứng dụng công nghệ hiện đại trong thực hiện các giao dịch và quản lý, giam sát.
Mặc dù có nhiều lợi điểm hơn so với bất lợi, nhưng triển khai hoạt động đại lý ngân hàng còn phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, quan điểm của cơ quan quản lý trong công tác điều hành cũng như văn hóa, thói quen của người tiêu dùng. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã đạt được thành công trong việc thay đổi thói quen của người dân, góp phần vào thúc đẩy chương trình tài chính toàn diện của quốc gia thông qua mô hình đại lý ngân hàng.
2. Kinh nghiệm quốc tế trong triển khai đại lý ngân hàng
Hoạt động đại lý ngân hàng đã được thực hiện rộng khắp ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo Báo cáo Tài chính toàn diện năm 2017 của WB, có 105/124 quốc gia (85%) cho phép thực hiện đại lý ngân hàng. Trong đó, 81% cho phép ngân hàng thương mại hợp đồng với đại lý bán lẻ làm kênh phân phối, 91% cho phép tổ chức phi ngân hàng hợp đồng với đại lý bán lẻ làm kênh phân phối. Hơn 60% cơ quan quản lý còn cho phép các hợp tác xã tài chính (tương đương như Quỹ tín dụng nhân dân ở Việt Nam), các tổ chức nhận tiền gửi khác như tổ chức tài chính vi mô được phép triển khai hoạt động này.
Trong đó, hoạt động đại lý phổ biến nhất là các hoạt động đại lý thanh toán như thực hiện các giao dịch rút tiền mặt. Hơn 50% quốc gia cho phép các NHTM thuê đại lý thực hiện qui trình nhận biết khách hàng, nhận tiền gửi, nhận đơn xin mở tài khoản tiền gửi và tiền vay. 42% quốc gia cho phép NHTM thuê đại lý thực hiện mở tài khoản cho khách hàng và một số nơi cũng cho phép đại lý phê duyệt khoản vay. Một số quốc gia đã đạt được thành tựu nổi bật trong việc phát triển các hoạt động đại lý thanh toán như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia…v.v.
Tại Trung Quốc, mô hình đại lý ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tài chính toàn diện song song với việc phát triển các dịch vụ ngân hàng số. Trung Quốc trở thành điển hình thành công khi mô hình đại lý ngân hàng được hưởng ứng tích cực từ các NHTM và công ty tài chính cũng như các công ty công nghệ lớn, cung cấp các dịch vụ thanh toán, thương mại điện tử cho người dân tại vùng sâu, vùng xa. Với sự phát triển của đại lý ngân hàng, những chương trình của Chính phủ như trợ cấp nông nghiệp và bảo hiểm y tế đã tiếp cận được hơn 900 triệu người.
Tại Malaysia, hoạt động này đã góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ ngân hàng. Theo quy định, các đại lý ngân hàng chỉ là điểm tiếp xúc với khách hàng, các thông tin đều được xử lý và thực hiện yêu cầu tại các ngân hàng để đảm bảo an toàn, bảo mật. Kết quả là hầu hết người dân ở các địa bàn trên toàn quốc đều đã được tiếp cận các dịch vụ tài chính chỉ sau 4 năm triển khai. Năm 2011, chỉ có 46% lãnh thổ được tiếp cận các dịch vụ tài chính thì đến năm 2015, số lượng người lớn có tài khoản ngân hàng đã đạt 92%, cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2016, số thôn, bản đã tiếp cận tới các dịch vụ tài chính cơ bản tăng lên 97,4% từ mức từ 46% năm 2011, mạng lưới đại lý ngân hàng gấp 17 lần cuối năm 2011.
Tại Indonesia, mô hình đại lý ngân hàng bắt đầu được áp dụng từ năm 2009 thông qua cơ chế đại lý dịch vụ tài chính kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đưa ra. Tháng 11 năm 2014, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (FSA) đã ban hành quy định khuyến khích sử dụng các dịch vụ đại lý ngân hàng dưới dạng kỹ thuật số để phát triển tài chính toàn diện. Theo đó, các sản phẩm tài chính được cung cấp là tài khoản tiết kiệm cơ bản, tín dụng cho khách hàng vi mô và bảo hiểm vi mô (FSA, 2015). Đồng thời, mô hình đại lý ngân hàng cũng được chấp nhận là kênh phân phối của các chương trình trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt từ năm 2017. Nhờ đó, mô hình đại lý ngân hàng đã phát triển mạnh mẽ về cả số lượng ngân hàng triển khai, số đại lý ngân hàng và tổng số khách hàng. Chỉ trong vòng 5 năm từ 2015 đến 2019, số lượng đại lý ngân hàng đã tăng 60 lần, lên hơn 1 triệu đại lý ngân hàng, cùng với đó, số lượng khách hàng được phục vụ tăng lên 25 lần, đạt gần 26 triệu người.
Như vậy, hoạt động đại lý ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả khả quan trên thế giới, trong đó, việc cấp phép đại lý là các tổ chức phi ngân hàng như cửa hàng bán lẻ, trung tâm mua sắm, bưu điện, trạm xăng dầu… làm đại lý ngân hàng đã thực sự giúp cho hoạt động đại lý ngân hàng mang lại các lợi ích cho ngân hàng, khách hàng và bên nhận đại lý cũng như mang lại lợi ích quốc gia như nêu trên.
3. Thực tế tại Việt Nam và một số gợi ý
Tại Việt Nam, mô hình đại lý ngân hàng cũng đã được đưa vào thí điểm và bước đầu mang lại kết quả tích cực. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) làm đại lý cho NHTMCP Quân Đội (MB) với các dịch vụ nộp tiền vào tài khoản mở tại MB hoặc tại các ngân hàng khác; rút tiền, chuyển khoản cho tài khoản mở tại MB hoặc tại ngân hàng khác; chuyển tiền cho người nhận bằng Giấy CMND/thẻ căn cước. Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với dịch vụ chuyển tiền cho người nhận chưa có tài khoản tại PG Bank (thông qua Giấy CMND hoặc Hộ chiếu) và chuyển tiền cho người nhận có tài khoản tại PG Bank (nộp tiền vào tài khoản của người nhận mở tại PG Bank). Một số ngân hàng cũng đã hợp tác với Công ty M_Service cung cấp dịch vụ chuyển tiền C2C (Cash to Cash) cho khách hàng chưa có ví điện tử và không có tài khoản ngân hàng…v.v.
Tuy nhiên, để nhân rộng hiệu quả mô hình này qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện; một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ; đó là: (i) Luật các TCTD 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) mới chỉ quy định việc ngân hàng làm đại lý mà chưa quy định việc ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giao đại lý cho các tổ chức khác; (ii) dù đã có chiến lược phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nhưng chưa có nghị định hướng dẫn thực hiện chi tiết nên còn hạn chế về quy mô, yêu cầu với người dùng cũng như mạng lưới…v.v. Vì vậy, trong thời gian tới, cần nhanh chóng xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đại lý ngân hàng nói chung và đại lý thanh toán nói riêng với một số điểm cần được lưu tâm.
Thứ nhất, cần quy định rõ trách nhiệm, nguyên tắc thực hiện hoạt động đại lý ngân hàng hoặc đại lý thanh toán, bao gồm: (i) thực hiện theo hợp đồng bằng văn bản giữa bên giao đại lý và bên đại lý phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; (ii) chỉ nên được thực hiện một lần, tức là các đơn vị nhận làm đại lý sẽ không được thực hiện giao đại lý lại cho bên thứ ba để tránh rủi ro lan truyền. Các đại lý cần có bảo đảm bằng tiền gửi tại các TCTD giao đại lý để hạn chế rủi ro thanh toán. Theo đó, bên đại lý chỉ được thực hiện giao dịch cho khách hàng trong phạm vi hạn mức thanh toán tối đa bằng với số dư trên tài khoản này. Các TCTD giao đại lý phải là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng đối với hoạt động đại lý ngân hàng của mình. Cùng với đó, NHNN có thể quy định thêm về số lượng đại lý tối đa của mỗi TCTD giao đại lý...v.v.
Thứ hai, cần quy định cụ thể về các nghiệp vụ được giao đại lý. Với khuôn khổ pháp luật Việt Nam hiện nay, các nghiệp vụ của đại lý ngân hàng nên bao gồm: (i) Tiếp nhận yêu cầu của khách hàng; kiểm soát, xử lý, sau đó chuyển thông tin giao dịch của khách hàng cho TCTD; (ii) Nhận hồ sơ, kiểm tra, xác minh thông tin khách hàng để gửi cho bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng giao dịch; (iii) Nhận yêu cầu thanh toán từ TCTD cũng như từ khách hàng và xử lý giao dịch, đồng thời chuyển thông tin cho TCTD... Trong đó, đối với trường hợp bên đại lý không phải là tổ chức tín dụng, bên giao đại lý cần có biện pháp quản lý số dư, hạn mức giao dịch.
Thứ ba, cho phép giao đại lý thanh toán cho các tổ chức phi tài chính như cửa hàng bán lẻ, trung tâm mua sắm, bưu điện...v.v Đây là điểm cốt lõi nhất để có thể mở rộng hoạt động đại lý ngân hàng tại Việt Nam hiện nay. Các quy định pháp lý nên quy định điều kiện dành cho bên đại lý như: (i) có trụ sở kinh doanh và các địa điểm giao dịch đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết; (ii) không có dư nợ xấu tại các TCTD; (iii) được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp 2020...v.v.
Thứ tư, các TCTD cần có chiến lược rõ ràng và hiệu quả cho hoạt động đại lý ngân hàng để đảm bảo mạng lưới hoạt động hiệu quả. Theo đó, để giảm thiểu rủi ro hoạt động cũng như rủi ro đạo đức, việc lựa chọn đại lý ngân hàng là rất quan trọng đối với các TCTD. Với hệ thống đại lý ngân hàng rộng và bao gồm nhiều nhân lực chưa có kiến thức sâu về tài chính – ngân hàng, các TCTD giao đại lý phải thiết lập cơ chế, chính sách kiểm soát, giám sát thận trọng để đảm bảo an toàn hoạt động, tránh xảy ra rủi ro ảnh hưởng đến danh tiếng của ngân hàng.
Cuối cùng, tăng cường tập huấn, đào tạo, hướng dẫn về hoạt động đại lý ngân hàng cho các đại lý cũng như giới thiệu với khách hàng về tiện ích của dịch vụ này. Các TCTD giao đại lý cần phải có chính sách tập huấn, hướng dẫn đầy đủ đối với các đại lý ngân hàng cũng như tích cực tuyên truyền, phổ cập các dịch vụ đến các đối tượng khó tiếp cận dịch vụ tài chính …v.v.