Học sinh đi học lại hay nghỉ: Bộ không quyết thì Thủ tướng sẽ quyết
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ,TB&XH, theo trách nhiệm, thẩm quyền, sớm có quyết định chính thức về việc điều chỉnh kế hoạch, thời gian năm học 2019-2020.
- 20-02-2020TP HCM chính thức kiến nghị Chính phủ dời kỳ thi THPT quốc gia, nghỉ học hết tháng 3
- 19-02-2020Chủ tịch Hà Nội: Sẽ quyết định cho học sinh đi học hay nghỉ tiếp phòng dịch Covid-19 vào chiều 21/2
- 18-02-2020Sở GD-ĐT TP HCM kiến nghị nghỉ học hết tháng 3, dời kỳ thi THPT quốc gia đến cuối tháng 7
Sáng 22/2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) đã họp bàn xem xét thời gian cho học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Phát biểu tại cuộc họp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định,Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, đã thực hiện đồng bộ các giải pháp từ kiểm soát những người có nguy cơ lây nhiễm đến phát hiện, cách ly, điều trị người nhiễm. Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp, "không lúc nào được chủ quan, lơi lỏng".
Đối với việc đi học của học sinh, theo Phó Thủ tướng, các cháu học sinh, nhất là trẻ mầm non, tiểu học, trung học chưa có đủ kiến thức, hiểu biết để gìn giữ đúng vệ sinh trong điều kiện có dịch.
Vì vậy, thời gian qua, các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tiễn để điều chỉnh lịch học của học sinh, nhưng vẫn đảm bảo theo khung chương trình năm học do Bộ GD-ĐT ban hành là cần thiết.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, các địa phương chỉ có trách nhiệm và thẩm quyền điều chỉnh thời gian học của học sinh trong phạm vi khung thời gian năm học mà Bộ GD-ĐT đã ban hành.
Hiện nay, thời gian nghỉ học của học sinh đã gần 1 tháng, việc quyết định nghỉ học tiếp hay đi học lại thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ GD-ĐT, đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp là thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu hai Bộ theo đúng trách nhiệm, thẩm quyền, sớm có quyết định chính thức về việc điều chỉnh kế hoạch, thời gian năm học 2019-2020.
Trường hợp hai Bộ không quyết định thì Thủ tướng sẽ quyết định để làm căn cứ cho các tỉnh thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, các địa phương phải rà soát lại việc thực hiện yêu cầu chuyên môn nhằm bảo đảm trường lớp vệ sinh, an toàn một cách rất chi tiết như bố trí chỗ rửa tay ở đâu; lau nhà, mặt bàn, ghế, nắm tay cửa, tay vịn cầu thang thế nào, ai lau; quy định cụ thể những người được ra, vào trường trong điều kiện có dịch.
Yêu cầu đặt ra đối với tất cả các địa phương là đã bước vào trong trường học thì môi trường an toàn bằng thậm chí hơn trụ sở cơ quan Nhà nước.
Bởi, riêng việc kiểm soát người ra, vào thì các trường học đã có điều kiện hơn khi biết rõ từng học sinh, từng giáo viên trong khi tại các trụ sở cơ quan Nhà nước có cả những người không rõ lai lịch đến làm việc.
Kết hợp với việc các cháu học sinh được hướng dẫn biện pháp giữ vệ sinh cá nhân để phụ huynh và xã hội yên tâm.
Trí Thức Trẻ