MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội điện ảnh đề nghị thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Văn bản đề nghị được gửi lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam cho biết ông đã ký gửi văn bản đề nghị thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Văn bản đã được Hội điện ảnh Việt Nam gửi lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương,... vào ngày 19/9. Sau đó 1 ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến Hãng phim truyện Việt Nam để khảo sát tình hình.

Sáng 21/9, tại cuộc họp với sự tham gia của đông đảo nghệ sỹ, ông Đặng Xuân Hải đã nhắc lại những vấn đề cần xem xét đã nêu trong văn bản gửi đến Thủ tướng. Theo đó, Hội điện ảnh Việt Nam mong muốn các cơ quan chức năng xem xét lại 3 vấn đề:

Một là, ứng xử của nhà đầu tư với các nghệ sỹ của Hãng phim truyện Việt Nam, Nghị định 59 quy định nhà đầu tư phải bảo đảm quyền lợi người lao động và duy trì lĩnh vực kinh doanh trước đó.

Hai là, thương hiệu đang bị định giá 0 đồng của Hãng phim truyện Việt Nam. Ông Đặng Xuân Hải cho rằng Hãng phim không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được nhiều nước khác biết đến. Nhờ sự đóng góp của nhiều thế hệ nghệ sỹ điện ảnh mới có được thương hiệu hãng phim truyện Việt Nam.

Ba là, định giá bất động sản, tài sản, thiết bị máy móc,... Ông Đặng Xuân Hải cho biết Hãng phim đang có “sổ đỏ” nhà thủy phi cơ rộng 92,5m2 trên Hồ Tây. Theo ông Hải, chỉ tính riêng giá trị thị trường của căn nhà này cũng hơn nhiều số tiền nhà đầu tư đã bỏ ra để mua lại hãng phim.

Quá trình Vivaso mua lại Hãng phim truyện Việt Nam

Cũng tại buổi họp báo, NSND Nguyễn Thanh Vân đã kể lại vắn tắt quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS).

Từ năm 2015, ông Vương Tuấn Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc hãng phim đã thành lập tổ giúp việc cho Ban Cổ phần hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Tổ giúp việc này do ông Vương Tuấn Đức làm Tổ trưởng cùng đại diện phòng tổ chức, phòng tài vụ, công ty tư vấn về giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần và công ty tư vấn cổ phần hóa.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Thái Dũng (Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật, Ủy viên hội đồng thành viên VFS) và ông Nguyễn Thanh Vân (Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật, Ủy viên hội đồng thành viên VFS) không có tên trong 7 thành viên của tổ giúp việc này.


NSND Nguyễn Thanh Vân và trang báo đăng thông tin tìm nhà đầu tư chiến lược vào Hãng phim truyện Việt Nam.

NSND Nguyễn Thanh Vân và trang báo đăng thông tin tìm nhà đầu tư chiến lược vào Hãng phim truyện Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thanh Vân, tổ giúp việc đã xác định giá trị thương hiệu và giá trị đất đai, ưu thế sử dụng vị trí đất đai của VFS bằng 0 với sự đồng ý của Ban Cổ phần hóa (Bộ VHTTDL). Điều này dẫn đến hệ lụy là Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso) chỉ với 32,5 tỷ đồng đã chiếm 65% giá trị doanh nghiệp, trở thành cổ đông chiến lược sau khi VFS trở thành công ty cổ phần.

Ngày 13/1/16, Bộ VHTTDL công bố quyết định tìm nhà đầu tư chiến lược trên phương tiện thông tin đại chúng. Ngày 18/1/16, Ban Cổ phần hóa và tổ giúp việc đã cho đăng 3 kỳ trên báo về thông tin này.

Ngày 26/1/16 Ban cổ phần hóa (Bộ VHTTDL) tuyên bố hết thời hạn, chỉ sau 10 ngày đăng tin tìm nhà đầu tư chiến lược đấu thầu làm nhà cổ đông chiến lược.

Ngày 28/12/16, sau khi có nhiều kiến nghị của tập thể nghệ sỹ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra kết luận rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, đưa giá trị thương hiệu tương xứng với giá trị lịch sử truyền thống của VFS vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Ngày 16/3/17, Bộ Tài chính ra văn bản dự thảo Nghị định mới và tuyên bố sẽ thay thế nghị định 59 do Nghị định 59 có nhiều thiếu sót, đặc biệt cho phép đặt giá trị đất và ưu thế sử dụng vị trí đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp.

Sau đó, Ban Cổ phần hóa đã cho phép ông Vương Tuấn Đức, Tổ trưởng tổ giúp việc làm Đại hội cổ đông lần 1 vào ngày 20/5/17. Ngày 23/6/17, Bộ VHTTDL có văn bản thành lập công ty cổ phần. Nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty vận tải thủy đã đưa ra rất nhiều cam kết, trong đó có việc bảo đảm việc làm, tôn trọng nghề nghiệp và bảo đảm mức lương theo quy định nhà nước với 85 thành viên còn lại của VFS. Vivaso cam kết mức lương bình quân mỗi tháng là 4.800.000 đồng/tháng.

Ngày 23/6/17, Bộ VHTTDL ra quyết định thành lập Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam thay thế công ty TNHH một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam mà hoàn toàn không có giá trị thương hiệu như sự chỉ đạo của Thủ tướng.

Trong tháng đầu tiên thành lập (7/2017), chưa có sự thay đổi nào đối với nhân sự VFS. Sang tháng thứ ba (9/17), sau khi có sự đấu tranh của nghệ sỹ, Công ty cổ phần đầu tư phát triển phim truyện Việt Nam đã tạm ứng lương. Tuy nhiên, mức lương có sự chênh lệch rất cao, thậm chí có người nhận lương 0 đồng.

NSND Nguyễn Thanh Vân cho rằng suy nghĩ của các lãnh đạo mới về lao động là điều rất nguy hiểm. Chỉ 20 người được coi là đang làm việc và được trả lương, bao gồm 10 người ở phòng tài vụ, 4 bảo vệ, 1 người ở phòng tổ chức, 3 người ở phòng hành chính, 3 người trong hội đồng quản trị. 60 người còn lại là các biên kịch, đạo diễn, quay phim bị yêu cầu có mặt đủ 8 tiếng ở cơ quan mới được trả lương.

Được biết, ông Nguyễn Thanh Vân là Phó Giám đốc hãng phim truyện Việt Nam trước khi hãng được cổ phần hóa. Ông Vân cũng xác nhận rằng đã từng nhìn thấy bộ hồ sơ của Tổng công ty vận tải thủy tại hãng phim. “Khoảng 1 năm trước đã có sự hiện diện của Tổng công ty vận tải thủy với hồ sơ đăng ký làm nhà đầu tư, cổ đông chiến lược. Chúng tôi ở hãng và tiếp cận được nguồn tin này” – ông Vân nói.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên