Hối hận vì đã sống quá tiết kiệm: Biến cố dạy tôi đừng ép mình chịu khổ để dành dụm cho tương lai
Nỗ lực tằn tiện để 15-20 năm nữa có thể rũ bỏ áp lực tiền bạc, nghe cũng hợp lý đấy. Nhưng nếu bản thân không còn nổi chừng đó thời gian, thì sao?
- 21-05-2024Có lương hưu cao, 3 tỷ tiền tiết kiệm và 1 căn nhà nhưng tôi sống không vui: Nhìn sang nhà hàng xóm ít tiền mà chỉ biết ước
- 20-05-2024Thu nhập 10 triệu, mẹ đơn thân Nam Định tiết kiệm gần 200 triệu trong 3 năm và bí quyết chi tiêu gây tranh cãi
- 20-05-2024Về hưu với sổ tiết kiệm 1 tỷ, tôi rơi vào cảnh “làm mẹ” ở tuổi U60 vì lý do không thể tin nổi dù chồng không phản bội
*Dưới đây là những lời tâm sự của Allison Nichol Longtin về những bài học mà cô đã nhận ra sau biến cố lớn nhất cuộc đời. Cách đây 6 năm, chồng của Allison đột ngột qua đời. Việc phải trở thành góa phụ ở độ tuổi 31 khiến Allison thấm thía một sự thật: Nỗ lực dành dụm cho tương lai mà quên đi hiện tại là điều vô cùng đáng tiếc.
Sau khi kết hôn, tôi và anh ấy đã đặt mục tiêu nghỉ hưu sớm ở độ tuổi 45 hoặc 50. Vì có chung chí hướng, chúng tôi gần như chẳng bao giờ bất đồng trong việc chi tiêu hay quản lý tài chính. Phương châm mà chúng tôi luôn tuân thủ trong suốt gần 2 thập kỷ chung sống chính là: Chi tiêu tối thiểu, tiết kiệm tối đa.
Những ngày tháng ấy, chúng tôi đều nghĩ về tương lai sẽ được đi du lịch ở Ireland - Vùng đất mà cả hai đều mơ ước được đặt chân tới. Và mỗi khi rảnh rang, chúng tôi hay cùng nhau mường tượng rằng sớm thôi, cả hai sẽ mua được một căn hộ khang trang, rộng rãi với không gian sống tuyệt vời hơn hẳn căn hộ đang thuê lúc bấy giờ.
Thành thật mà nói, chúng tôi hoàn toàn có thể đi du lịch ở Ireland và chuyển tới một căn hộ tốt hơn ngay lập tức (dù chỉ là đi thuê). Nhưng vì muốn tiết kiệm và nhanh chóng đạt được mục tiêu nghỉ hưu sớm, chúng tôi đành tạm gác lại việc thực hiện những mong muốn ấy.
Cuộc sống của chúng tôi cứ tiếp diễn như vậy và có lẽ sẽ chẳng có gì thay đổi nếu như chồng tôi không đột ngột qua đời vào năm 2017.
Chuẩn bị cho tương lai là tốt, nhưng đừng vì thế mà quên đi hiện tại!
Tôi đã phải trải qua nỗi đau mất người thân mà không hề có bất kỳ sự chuẩn bị nào. Anh ấy đột ngột qua đời vì tai nạn. Quãng thời gian sau đó, ngoài nỗi đau giằng xé tâm can, thành thật mà nói, tôi còn cảm thấy hối hận vô cùng.
Tôi hối hận vì lẽ ra, chúng tôi đã có thể cùng nhau tạo ra nhiều kỷ niệm đáng nhớ hơn trong suốt khoảng thời gian chung sống, nhưng chỉ vì quá tập trung cho mục tiêu tiết kiệm để nghỉ hưu sớm, mà chúng tôi đã cùng nhau chịu khổ - thực sự là như vậy.
Khi nỗi đau mất người thân đã phần nào nguôi ngoai, tôi nhận ra mình vẫn cần phải sống tiếp và hơn hết là không được phép sống khổ ở thì hiện tại để mong chờ một tương lai hạnh phúc, sung túc. Tôi thấm thía điều này hơn bao giờ hết sau khi trở thành góa phụ ở độ tuổi 31.
Tôi bắt đầu học cách sống tập trung hơn vào hiện tại. Thói quen chi tiêu, quản lý tài chính của tôi cũng vì thế mà có phần thay đổi.
Năm 2020, tôi quyết định dùng toàn bộ tiền tiết kiệm để mua một ngôi nhà. Đến giờ này, tôi vẫn chưa trả hết khoản vay mua nhà nhưng điều đó cũng chẳng thành vấn đề. Chí ít, tôi đã dám làm điều mà trước đây chúng tôi chỉ dám nghĩ, chẳng dám thực hiện.
Cách đây 1 năm, ở độ tuổi 36, tôi đã quyết định sẽ đi học để thi lấy bằng lái xe ô tô. Bạn không nghe nhầm đâu, tôi chưa từng tự lái xe ô tô và cũng không biết lái, cho tới năm 36. Trước đó, chỉ có chồng tôi là người lái xe và nếu tôi cần đi đâu đó mà anh không thể đưa tôi đi, tôi sẽ chọn di chuyển bằng phương tiện công cộng cho tiết kiệm. Nhưng bây giờ, tôi hoàn toàn không muốn sống khổ và sống thiếu chủ động như vậy nữa.
Hãy ưu tiên hiện tại hơn là một tương lai chưa chắc đã xảy ra!
Tôi đang kinh doanh tự do. Công việc may mắn thuận lợi, tôi vẫn có nguồn thu nhập ổn định. Hàng tháng, tôi sẽ chia số tiền mình kiếm được thành 4 phần:
- - Chi phí sinh hoạt (ăn uống, mua sắm đồ dụng cơ bản, tiền điện và gas, xăng xe, điện thoại).
- - Trả nợ vay mua nhà.
- - Quỹ dự phòng.
- - Tiết kiệm mua ô tô.
Nếu sau khi lo xong 4 chi phí trên mà vẫn còn dư, tôi sẽ gửi số tiền ấy vào tài khoản tiết kiệm dài hạn của mình.
Hai năm gần đây, tôi đã không còn dồn tiền vào quỹ hưu trí hay quỹ nghỉ hưu sớm nữa. Tôi thấm thía rằng cuộc sống thực sự không dài rộng như mình vẫn nghĩ. Bởi thế, tôi muốn tiêu tiền cho những trải nghiệm đáng giá, những thứ thực sự giúp cuộc sống của tôi tiện nghi, thoải mái và chủ động hơn ở thì hiện tại này. Tôi mua nhà khi chưa có đủ tiền và đặt mục tiêu tiết kiệm để mua xe khi còn chưa trả xong khoản nợ mua nhà, vì lẽ đó.
Tôi tin rằng mình đang đưa ra những quyết định tài chính đúng đắn cho cuộc đời, cuộc sống hiện tại của mình; chứ không phải là đang chi tiêu phung phí, ném tiền qua cửa sổ.
Nghĩ lại khoảng thời gian vật lộn vượt qua nỗi đau mất mát, rồi tự soi ngắm cuộc sống hiện tại của bản thân, tôi có thể tự tin khẳng định rằng dù nỗi đau vẫn còn đó, nhưng hiện tại, tôi đang sống mà không có gì phải hối hận.
Nhịp sống kinh tế