MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội nghị ASEAN-OECD: Gỡ bỏ quy định không cần thiết, cắt giảm gánh nặng giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng

Trong hội nghị ASEAN-OECD GRPN lần thứ 6 với chủ đề: "Cắt giảm gánh nặng để tạo quy định tốt hơn" vào chiều 11/8, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết việc triển khai thực hiện các thủ tục hải quan điện tử đã có những kết quả đáng mừng, điển hình như thời gian thông qua hàng luồng xanh chỉ còn 1 đến 3 giây.

Chiều 11/8, trong hội nghị ASEAN-OECD: "Cắt giảm gánh nặng để tạo quy định tốt hơn", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò, đặc biệt trong việc tổ chức các cuộc họp trực tuyến kịp thời trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát.

Bộ trưởng cũng khẳng định, Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, phòng chống dịch và khôi phục tăng trưởng kinh tế. 

Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong ít nước có các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả với chi phí thấp. Việt Nam chú trọng các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu tăng trưởng dương, lạm phát dưới 4%. 

Đồng thời, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan nhà nước cũng đang chuyển đổi phương thức cung cấp dịch vụ công sang điện tử. Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thủ tục hải quan điện tử, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và cải cách, kiểm tra chuyên ngành. 

Thêm vào đó, Bộ trưởng Dũng cho biết việc triển khai cơ chế "một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN" đã tạo thuận lợi cho các hợp đồng thương mại qua biên giới.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho một lô hàng giảm 19 USD, ước tính với 12 triệu tờ khai của năm 2018, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD thủ tục thông quan.

Hiện nay, riêng đối với hàng luồng xanh, thời gian thông quan chỉ còn từ 1 đến 3 giây.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Những kết quả trên đã góp phần cải thiện đáng kể kết quả thứ bậc trong bảng xếp hạng các chỉ số của Việt Nam so với quốc gia trên thế giới trong 5 năm qua".

Trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70 trên 190 quốc gia và xếp thứ 5 trong ASEAN. 

Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum), Việt Nam tăng nhiều bậc từ 77 lên 67 trên 141 quốc gia và xếp từ 7 trong ASEAN.

Việt Nam cũng tăng 11 bậc và đứng thứ 3 trong ASEAN trong xếp hạng chỉ số phát triển bền vững cuả Liên Hợp Quốc, đồng thời tăng 2 bậc và xếp thứ 86 trên 193 quốc gia về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh: "Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc giai đoạn 2020-2021, Việt Nam cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực để cùng nhau giải quyết những thách thức chung như là việc phối hợp khắc phục dịch bệnh COVID-19".

Hội nghị ASEAN-OECD: Gỡ bỏ quy định không cần thiết, cắt giảm gánh nặng giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng - Ảnh 1.

Phó Tổng thư ký OECD Jeffrey Schlagenhauf

Tại hội nghị, Phó Tổng thư ký OECD, ông Jeffrey Schlagenhauf cho biết, OECD sẽ cam kết phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN. 

Ông phát biểu: "Cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay đang diễn ra trên thế giới có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế xã hội và y tế của mọi quốc gia. Dự báo viễn cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho thấy rằng GDP toàn cầu sẽ giảm 6% nếu làn sóng thứ 2 bùng phát mạnh mẽ. Đến năm 2021, đại dịch Covid-19 sẽ để lại hậu quả vượt xa so với tất ca những đại dịch đã xảy ra từ trước đến nay trên thế giới".

Ông Jeffrey Schlagenhauf cho rằng trong thời điểm này, các quốc gia cần phải hợp tác chặt chẽ để đối phó với đại dịch. Số liệu khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại khu vực Đông Nam Á sẽ là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khi họ chiếm tới 40% đóng góp GDP của nền kinh tế.

Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh như vậy, các quốc gia thành viên OECD và các quốc gia thành viên ASEAN cần hợp tác để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp hộ gia đình, vượt qua đại dịch.

Cuối cùng, ông kết luận rằng cần đưa ra các chính sách về quy định để đối phó với cuộc khủng hoảng chưa từng xảy ra này, tập trung vào những cải cách, hướng tới việc phát triển chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường phát triển hạ tầng. 

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên