"Hồi sinh" cây cầu bạc tỷ xứ Huế sau cơn lũ lịch sử
Trong không khí khắc phục hậu quả sau lũ, Đội Bảo vệ khu vực tuyến đi bộ bờ Nam sông Hương tất bật “hồi sinh” cây Cầu gỗ lim bạc tỷ xứ Huế.
Đầu năm 2019, cây cầu trị giá hơn 60 tỷ đồng chính thức đi vào hoạt động ở bờ Nam dòng Hương Giang, thành phố Huế. Được xây dựng bằng chất liệu chính là gỗ lim, cầu nối dài từ Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đến Công viên Lý Tự Trọng. Nơi đây trở thành một địa điểm du lịch khó bỏ qua của du khách khi ghé Huế. Bởi đây là cây cầu độc nhất vô nhị và tọa lạc tại một vị trí đắc địa bậc nhất Cố đô. Đứng ở Cầu gỗ lim, du khách có thể ngắm trọn vẹn cảnh đẹp trên sông Hương, cầu Tràng Tiền, cầu Phú Xuân.
Một đoạn Cầu gỗ lim phía gần cầu Phú Xuân sau lũ
Đến năm 2023, cây cầu này đã trải qua nhiều mùa lũ ở Huế nhưng có lẽ, lần nó bị “chìm sâu” nhất là trận lũ lịch sử đầu tháng 11 vừa qua. Không phải lần đầu tiên chịu lũ lớn, nhưng người dân khá lo lắng về khả năng chịu lũ của cây cầu khi mực nước sông Hương báo động 3, nước chảy xiết.
Sau hơn hai ngày ngâm mình dưới dòng nước lũ, chống chọi những đợt nước xiết từ đầu nguồn về, cầu gỗ lim dần thoát ngập. Nhưng những tàn dư vẫn còn lại trên cầu. Ngâm mình trong dòng lũ, đất đá, phù sa bủa vây khắp cây cầu, từ đường đi đến lan can bảo vệ. Cây cối, ghế ngồi dọc cây cầu bị ảnh hưởng khá nhiều. Rác từ sông trôi dạt về nên khi nước rút, nhiều rác bám lại trên cầu.
Nước lũ dâng cao vượt qua bề mặt Cầu gỗ lim
Khi Huế nắng lên, trận lũ lịch sử 2023 đi qua, cầu gỗ lim dần được “thay áo mới” bởi những con người vốn âm thầm bảo vệ nó. Ngay từ sáng sớm, Đội Bảo vệ khu vực tuyến đi bộ bờ Nam sông Hương đã tập trung đông đủ, bắt đầu công tác khắc phục sau lũ. Mỗi người mỗi việc, lao động hăng say và đầy trách nhiệm để hồi sinh cho cây cầu bạc tỷ này.
Đội Bảo vệ khu vực đi bộ bờ Nam sông Hương phục hồi Cầu gỗ lim sau lũ
Ở những chỗ nước sông còn xâm xấp lối đi trên cầu, anh em đội vệ sinh vẫn giữ nguyên vẹn chờ khi nước rút hẳn. Đối với những đoạn nước đã hạ hoàn toàn, họ nhặt cỏ, rác, quét dọn bùn đất và xịt nước, lau chùi cẩn thận từ mặt cầu đến hệ thống lan can.
Anh Nguyễn Thanh Hiệp, sinh năm 1995, hiện đang công tác tại Đội Bảo vệ khu vực đi bộ phía Nam sông Hương chia sẻ: “Đây là lần thứ ba trong năm nay tôi cùng anh em tham gia dọn cầu gỗ lim này sau lũ. Năm trước cũng làm, chúng tôi khá quen rồi. Cứ nghe lũ về là anh em tôi lại trêu nhau: Chuẩn bị tinh thần thôi!”.
Anh Hiệp cùng anh em lao động hăng say khắc phục hậu quả sau lũ
Bên cạnh công việc thường ngày là túc trực, bảo vệ an ninh khu vực công viên, phố đi bộ ở bờ Nam sông Hương, mọi công việc để bảo vệ mỹ quan khu vực này cũng là nhiệm vụ của đội anh Hiệp. Anh chia sẻ rằng anh em đoàn kết lắm. Như mọi lần, hôm nay tập hợp đông đủ, tất bật dọn dẹp trong tầm một ngày để có thể hoàn thành. Đây là cây cầu độc đáo, thu hút du khách và mọi người khi đến Huế nên anh em rất chú ý.
Năm nay, lũ lớn, mực nước dâng cao lịch sử ở Huế. Lũ lên nhanh, nặng nề hơn so với các đợt trước. Mặc dù cây cầu bị ngâm sâu trên sông Hương Giang, nhưng khi nước hạ thì bùn phù sa ít hơn so với các đợt trước, chỉ còn lại đất cát, cỏ rác là phần nhiều. Có một điều khá đặc biệt, cây cầu gỗ lim cực kì bền bỉ sau những mùa lũ. Hầu như các thanh gỗ lát bề mặt không xuất hiện dấu hiệu mục hỏng, nứt nẻ, cong vênh hay hư hại gì. Đây có lẽ là thành công lớn của dự án cây cầu bạc tỷ này. Bên cạnh đó phải kể đến đội ngũ nhân sự từng ngày bảo vệ, gìn giữ và hồi sinh cây cầu sau mỗi mùa lũ ở Huế.
Những người âm thầm hồi sinh Cầu gỗ lim xứ Huế
Sau mỗi mùa lũ về, những người dân Huế lại bước vào hành trình lao động để phục hồi. Mỗi người có một nhiệm vụ và cách thức riêng để hành động. Tất cả họ đều muốn thấy một Huế bình yên, một Huế vượt lũ an toàn và lấy lại vẻ đẹp vốn có của một Cố đô thơ mộng.
Những đoạn Cầu gỗ lim đã được dọn sạch sẽ
VTV