Hôm nay báo cáo Bộ TN&MT về vụ cá chết ở Thanh Hóa
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Tổng cục Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa xác định nguyên nhân cá chết bất thường ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa và báo cáo trước ngày 20/9.
- 13-09-2016Lấy mẫu nước tìm nguyên nhân cá chết ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa
- 11-09-2016Báo cáo Thủ tướng vụ cá chết bất thường ở biển Thanh Hóa
- 11-09-2016Cá chết hàng loạt ở Thanh Hóa do thủy triều đỏ
Trao đổi với chúng tôi sáng 19/9, ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường cho biết, sau vụ việc cá chết ở vùng biển quanh Khu công nghiệp Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), Cục đã lập đoàn vào Thanh Hóa để kiểm tra, giám sát và báo cáo Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
Hiện nay, đã bàn giao toàn bộ kết luật vụ việc cho tỉnh Thanh Hóa xử lý. "Tỉnh Thanh Hóa đề nghị chuyển vụ việc cho tỉnh xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cục đã có kết luận gửi cho tỉnh. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đang thụ lý, có vấn đề báo liên lạc với sở trao đổi thông tin", ông Hanh nói.
Liên lạc với bà Nguyễn Thị Thủy, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, bà Thủy cho biết: "Tôi đã gọi điện ra Bộ Tài nguyên và Môi trường trao đổi về vụ việc cá chết. Phía Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời đến thứ 4 (ngày 21/9 - PV) mới có kết quả gửi về tỉnh Thanh Hóa. Sau khi có kết quả này, sở sẽ thông báo".
Như chúng tôi đã phản ánh, ngày 4 - 7/9, ngư dân xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia khi đánh bắt hải sản tại vùng biển cách bờ 300 - 500m đã phát hiện một số loài hải sản tầng đáy như: cá bơn, cá then, ghẹ, cua… chết bất thường và trôi dạt vào bờ. Ngày 8/9, tại khu vực nuôi cá lồng của ngư dân xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia cũng xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng chết rất nhanh với số lượng gần 50 tấn.
Cùng ngày, tại khu vực bờ biển Bắc Yến của xã Hải Yến, người dân cũng phát hiện tình trạng cá tự nhiên chết trôi dạt vào bờ với số lượng lớn. Theo nhiều ngư dân ở thôn Liên Vinh (xã Tĩnh Hải), mấy năm nay. Khi nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn được xây dựng, nguồn cá tầng đáy, ghẹ, cua tập trung ở vùng xung quanh đường ống xả thải rất nhiều.
Việc đào đất ở vùng biển đặt ống xả thải sâu với nguyên vật liệu, đá, bê tông nên cua ghẹ tập trung về nhiều. Nhưng từ đầu tháng 9, ở khu vực ống xả thải phát hiện một dải nước đen bất thường, có mùi hắc khó chịu và váng. Sau đó, các ngư dân đánh bắt được rất nhiều cá, cua, ghẹ ở đây nhưng đều yếu hoặc đã chết. Hiện nay, hải sản quanh vùng ống xả thải hầu như không còn.
Tiền phong