Hôm nay muốn là tỷ phú Việt Nam, ngày mai muốn là tỷ phú thế giới, nhưng vì sao doanh nghiệp Việt lại hay "thu mình"?
Thực ra, doanh nghiệp nào cũng muốn phát triển, ai cũng muốn hôm nay có 1 đồng, ngày mai có 2 đồng, hôm nay là tỷ phú Việt Nam, ngày mai là tỷ phú thế giới, nhưng trong nhiều trường hợp thì "thu mình" lại là lựa chọn khôn ngoan.
- 05-12-2016Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ trưởng phải trả lời được 3 câu hỏi này khi làm chính sách
- 05-12-2016Hàn Quốc đang giữ “ngôi vương” đầu tư vào Việt Nam, và đây là những kiến nghị của họ tại VBF 2016
- 05-12-2016“Chưa bao giờ Chính phủ lắng nghe doanh nghiệp như bây giờ!”
- 05-12-2016Đây là lý do khiến những doanh nghiệp như Samsung khó chuyển giao công nghệ cho người lao động Việt!
Đây là những tâm sự của ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Tỉnh Hưng Yên chia sẻ bên lề Diễn đàn kinh tế 2017 đầu tháng 12 năm nay.
Ông bảo, nhiều người cứ nghĩ sai cho doanh nghiệp, cho rằng doanh nghiệp không chịu lớn vì làm ăn chộp giật, không có tham vọng lớn. Nhưng, thực tế, doanh nghiệp nào cũng mong muốn phát triển, ai cũng mong hôm nay có 1 đồng, ngày mai có 2 đồng, hôm nay là tỷ phú Việt Nam, ngày mai là tỷ phú thế giới.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, doanh nghiệp đành phải chọn cách “thu mình”, bởi đó là cách tốt nhất, khôn ngoan nhất với họ.
Cũng tại diễn đàn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI cho biết: "Dường như doanh nghiệp càng lớn thì thủ tục hành chính càng nhiều, các điều tra gần đây đã chỉ ra các công ty lớn phải đón đoàn thanh tra, kiểm tra càng nhiều bởi xu hướng các cơ quan hành pháp cứ nghĩ những doanh nghiệp lớn sẽ có nhiều sai phạm. Điều này sẽ làm nhiều doanh nghiệp không muốn phát triển thành doanh nghiệp lớn".
Trên thực tế, báo cáo PCI 2015 được VCCI công bố trong năm nay chỉ ra hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước vẫn là gánh nặng lớn đối với nhiều doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, tỷ lệ thanh kiểm tra tại những doanh nghiệp quy mô lớn lên đến 50%, và phần trăm này giảm dần, tỷ lệ thuận với quy mô của doanh nghiệp (doanh nghiệp nhỏ: 43%; doanh nghiệp siêu nhỏ: 18%).
Báo cáo PCI 2015 cũng cho biết tình trạng trùng lặp nội dung thanh tra, chi phí thời gian các cuộc thanh tra, kiểm tra đều tỷ lệ thuận với quy mô doanh nghiệp, lên đến 32% bị trùng lặp kiểm tra, 40 giờ thanh kiểm tra đối với doanh nghiệp có quy mô lớn.
“Người ta đến thanh kiểm tra, là tìm ông nào làm ăn hiệu quả thì mới đến, ông nào lỗ vốn thì đến cũng chả được gì, vì lẽ đó mà anh phải né dần đi, phải núp đi, đó là cách khôn ngoan nhất của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Xuân Dương bộc bạch.
Ông Dương cũng tâm sự thẳng thắn, doanh nghiệp chấp nhận việc “bôi trơn” cũng bởi lẽ “chờ được vạ thì má đã sưng”. Dẫn ví dụ một lô hàng xuất khẩu, bị “phanh” lại, nếu “lót tay” 50 triệu đồng thì được thông qua, còn đấu tranh trực diện, hay chờ đợi, khi chậm giao hàng sẽ bị đối tác phạt tiền lên đến 100.000 USD, như vậy doanh nghiệp lẽ thường sẽ chọn cách nào, ông Dương đặt ngược câu hỏi.
Đem câu chuyện doanh nghiệp vì "sợ mà không muốn lớn" trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI tại họp báo bên lề diễn đàn VBF, ông khẳng định doanh nghiệp chắc chắn muốn lớn lên, nhưng họ vẫn đang ngần ngại do gánh nặng về hành chính, thuế má.
Ông cũng cho biết Chính phủ đang có đề án để chuyển hộ gia đình thành doanh nghiệp, làm sao có chính sách thuế má thuận lợi hơn, việc thanh tra, kiểm tra phải được khắc phục, môi trường kinh doanh an toàn, không để doanh nghiệp bất an, nghĩ rằng giữ quy mô nhỏ thì dễ luồn lách.
“Những vấn đề này sẽ liên quan đến một loạt chương trình hành động cụ thể”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Trên thực tế, trong gần 1 năm qua, Chính phủ mới đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Hàng loạt hàng loạt các giải pháp đã được Chính phủ thực hiện như trình Quốc hội nhiều luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Trong đó, hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, đồng thời, nhiều điều kiện cũng được rà soát lại nghiêm túc, có sửa đổi, thay thế.
Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 cũng được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng bởi đã đưa ra được mục tiêu rõ ràng, cụ thể về các lĩnh vực cần thay đổi, so sánh được với các quốc gia trong khu vực và có lộ trình thực hiện chi tiết.
Hiệu ứng của nỗ lực này đã được cụ thể hoá bằng số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt mốc kỷ lục vượt con số 100.000 trong năm, nghĩa là “bình quân cứ hơn 1 tiếng đồng hồ có 12 doanh nghiệp được lập mới”. Ngân hàng Thế giới cũng đã ghi nhận Việt Nam tăng 9 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh, được xếp vào nhóm 5 quốc gia đứng đầu ASEAN.
“Ít có thời điểm nào Chính phủ lại dành nhiều thời gian lắng nghe và đối thoại với doanh nghiệp như những tháng vừa qua”, Chủ tịch VCCI cho biết.