MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 12.500 tỷ đồng đã được Bảo hiểm y tế chi trả cho người bệnh trong 2 tháng đầu năm

Số tiền này vượt khoảng 18% quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) được sử dụng.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 2/2018, quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) đã chỉ trả cho 24,775 triệu lượt khám chữa bệnh, với tổng số tiền 12.577 tỉ đồng - vượt khoảng 18% quỹ KCB BHYT được sử dụng. Trước đó, Hệ thống giám định đã tiếp nhận 33,48 triệu lượt khám chữa bệnh với chi phí đề nghị thanh toán là 16.462 tỷ đồng, tăng 14,59% so với cùng kỳ 2017.

108 bệnh nhân có chi phí KCB BHYT trên 300 triệu đồng, 465 bệnh nhân có chi phí KCB BHYT từ 200 – 300 triệu đồng. Bệnh nhân chi phí cao nhất có mã thẻ BHYT: HT3460000200536, thực hiện KCB hẹp hở van 2 lá, hẹp van động mạch chủ tại Bệnh viện Trung ương Huế từ ngày 20/9/2017 – 23/01/2018 với tổng chi phí khám chữa bệnh là 1,016 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm 2017, số lượt khám, chữa bệnh gia tăng cao nhất tại tuyến huyện với 12,8 triệu lượt tăng 17,9%; tuyến tỉnh tăng 15,7%; tuyến trung ương tăng 5%. Chi phí khám, chữa bệnh gia tăng cao nhất tại tuyến tỉnh với tăng 20,12%; tuyến huyện tăng 22,7%; tuyến trung ương tăng 3,6%.

84 bệnh viện có tỷ lệ vào điều trị nội trú bất thường trên 40% (tỷ lệ toàn quốc tuyến huyện: 9,0%). 130 Bệnh viện đa khoa có sự gia tăng chi bình quân nội trú tăng cao (chỉ số chung toàn quốc: 0,1%). 107 Bệnh viện đa khoa có tỷ lệ gia tăng chi bình quân ngoại trú tăng cao (chỉ số chung toàn quốc: 5,68%); 17 Trung tâm y tế có tỷ lệ gia tăng chi bình quân ngoại trú tăng cao (chỉ số chung toàn quốc: 7,43%). 1.357 Trạm y tế xã có tỷ lệ gia tăng chi phí cao so với bình quân chung toàn quốc 17.74%...

Trong 2 tháng đầu năm 2018, 3.572 stent động mạch vành với chi phí 124 tỷ đồng đã được sử dụng. Số stent động mạch vành sử dụng trong cả năm 2017 là 23.168 với chi phí 826 tỷ đồng. Mức giá trúng thầu đối với giá stent mạch vành chênh lệch rất lớn tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, từ 35 - 73,8 triệu đồng/chiếc.

Theo thống kê của Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, nhiều cơ sở KCB chưa thực hiện liên thông dữ liệu hàng ngày, nhiều bệnh viện tại các thành phố lớn Hà Nội, Hồ Chí Minh chỉ gửi dữ liệu đề nghị thanh toán vào cuối tháng.

Trong tháng 2/2018, một số cơ sở KCB có chi phí KCB lớn tại Hà Nội, Hồ Chí Minh gửi dữ liệu thiếu so với thực tế phát sinh, có bệnh viện dữ liệu gửi chỉ đạt khoảng 40% so với thực tế phát sinh. Các tỉnh có tỷ lệ gửi hồ sơ đề nghị thanh toán gửi đúng ngày thấp hơn bình quân chung toàn quốc (49,7%): Bình Dương (13,08%); Long An (17,07%); Gia Lai (18,45%); Bà Rịa - Vũng Tàu (18,75%); Hà Nội (20,91%); Tp Hồ Chí Minh (21,46%); Bạc Liêu (25,41%); Bình Thuận (25,45%); Quảng Nam (27,87%); Ninh Bình (27,97%); Bình Định (29,71%)...

Việc chậm gửi dữ liệu lên Cổng tiếp nhận Hệ thống thông tin Giám định BHYT ảnh hưởng đến việc tra cứu thông tin trong quản lý thông tuyến, tạm ứng kinh phí, giám sát chi phí khám chữa bệnh BHYT.

DQ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên