Hơn 160 mã tăng trần, cổ phiếu nào là "đầu tàu" giúp VN-Index bứt phá gần 44 điểm trong phiên 2/12?
Rổ VN30 hôm nay kết phiên với toàn bộ cổ phiếu đồng thuận tăng giá, thậm chí có tới 8 mã tăng kịch trần gồm HPG, CTG, KDH, PDR, SSI, STB, VHM, VIB.
Sau phiên điều chỉnh nhẹ, sắc xanh trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 2/12, đặc biệt trong khoảng phiên chiều. Vượt qua những rung lắc trong phiên sáng, chỉ số VN-Index bứt tốc, ngày càng nới rộng đà tăng và kết phiên với mức điểm cao nhất phiên. Cụ thể, chỉ số sàn HoSE tăng 43,73 điểm (4,22%) lên mức 1.080,01 điểm. Độ rộng thị trường cũng nghiêng hoàn toàn về bên mua với 741 mã tăng điểm (trong đó 165 mã tăng kịch trần) trên cả ba sàn, áp đảo so với 281 mã giảm điểm.
Mức tăng trên 4% cũng đưa VN-Index trở thành chỉ số tăng mạnh nhất Châu Á trong phiên hôm nay. Đây cũng đà phục hồi trong phiên mạnh nhất trong vòng gần 7 tháng trở lại đây. Nhờ đó, vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam lấy lại được gần 180.000 tỷ đồng.
Xét về mức độ đóng góp, rổ VN30 hôm nay kết phiên với toàn bộ cổ phiếu đồng thuận tăng giá, thậm chí có tới 8 mã tăng kịch trần gồm HPG, CTG, KDH, PDR, SSI, STB, VHM, VIB. Sắc xanh lan toả tại hầu khắp các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép, phân bón. Dòng tiền cuồn cuộn chảy vào càng giúp chỉ số dễ dàng giành lại ngưỡng điểm quan trọng. Thanh khoản khớp lệnh trên HOSE đạt xấp xỉ 18.000 tỷ đồng.
Cụ thể, nhìn vào riêng từng cổ phiếu, cổ phiếu ngân hàng VCB tăng gần sát trần 6,3% lên mức 85.000 đồng/cổ phiếu, qua đó lập tức trở thành "công thần" lớn nhất trong phiên hôm nay với mức đóng góp gần 6 điểm tăng cho VN-Index. Một số mã ngân hàng khác là BID, CTG, TCB, MBB, ACB, VPB cũng bứt phá, qua đó đóng góp lần lượt 2,8 điểm, 2,2 điểm, 1,2 điểm, 1,1 điểm, 0,9 điểm và 0,8 điểm tăng cho thị trường.
Ngoài ra, hai bluechips nhà Vingroup là VHM và VIC đồng loạt tăng trên 4% đã tổng cộng đóng góp gần 7 điểm tăng cho chỉ số chính của thị trường.
Những ông lớn khác như GAS, HPG, MSN, MWG cũng có phiên tăng điểm tích cực, càng đưa VN-Index bứt phá lên, mức độ đóng góp đều trên 1 điểm tăng cho thị trường.
Ở chiều ngược lại, những cổ phiếu phần nào kìm hãm đà tăng của VN-Index gồm LGC, VCF, VPI hay HPX, tuy nhiên mức tác động không lớn.
Có thể thấy đà phục hồi của thị trường từ giữa tháng 11 tới hiện tại vẫn đang tiếp diễn tích cực, cộng thêm dòng tiền gia nhập thị trường ngày một hưng phấn kéo tăng chỉ số và giá cổ phiếu. Nhìn theo khía cạnh tích cực, quá khứ cũng đang có vẻ ủng hộ một kịch bản tháng 12 tăng điểm khi chỉ số đã tăng trong 2 năm gần nhất, cộng thêm quán tính phục hồi sẵn có ghi nhận trong tháng 11 vừa qua.
Đặc biệt, định giá thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫn, P/E trailing của VN-Index ngang với vùng đáy lịch sử ở mức 10,9 lần. Giá nhiều cổ phiếu cũng đã giảm rất xuống mức rất thấp, thậm chí nhiều Bluechips hiện đang giao dịch quanh giá trị sổ sách, một số cái tên còn có P/B dưới 1 lần. Điều này kỳ vọng sẽ kích hoạt lực cầu bắt đáy và nhiều nhà đầu tư thêm tin tưởng vào sức tăng của thị trường để “xuống tiền”.
Ngoài ra, động lực kéo tăng chỉ số còn tới từ lực mua ròng không có dấu hiệu chấm dứt của khối ngoại. Phiên hôm nay nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng thêm gần 2.200 tỷ đồng trên HoSE với tâm điểm gom các mã như HPG, VHM, STB - những cổ phiếu này đều tăng hết biên độ khi kết phiên. Đóng góp không nhỏ là dòng vốn từ Đài Loan (Trung Quốc) “ồ ạt” chảy vào với "đầu tàu" là Fubon FTSE Vietnam ETF, giá trị dòng vốn vào lũy kế 11 tháng lên đến 463 triệu USD (~11.600 tỷ đồng).
Trong chia sẻ gần đây, ông Yang Yining – nhà quản lý Fubon FTSE Vietnam ETF cho rằng sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam từ cuối tháng 9/2022 chủ yếu tới từ áp lực "call-margin" tại nhóm cổ phiếu bất động sản, cộng thêm bối cảnh lãi suất điều hành tăng mạnh. Dù vậy, sau những động thái quyết liệt của cơ quan có thẩm quyền nhằm thanh lọc và minh bạch thị trường, quỹ Fubon tự tin thị trường chứng khoán sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng hợp lý.
Fubon ETF đánh giá VN-Index đã điều chỉnh về sát với đường trung bình 10 năm, độ lệch chuẩn trong ngắn hạn là lớn và các khía cạnh kỹ thuật đều cho thấy những tín hiệu tích cực. Định giá P/E cũng đã giảm xuống mức thấp lịch sử và tạo cơ hội tốt cho một sự phục hồi mạnh từ vùng đáy ngắn hạn. Đặc biệt, Fubon ETF nhấn mạnh thời điểm hiện tại cho tới tháng 2/2023 sẽ là giai đoạn vô cùng tốt để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Quỹ ngoại này bày tỏ quan điểm lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam với yếu tố vĩ mô duy trì ổn định. CPI tháng 10 của Việt Nam công bố đạt 4,5%, cao hơn mục tiêu chính sách 4% của Chính phủ. Do đó, vẫn có khả năng lãi suất điều hành sẽ tiếp tục tăng trong tháng 12, tuy nhiên trong bối cảnh đồng USD bắt đầu hạ nhiệt và FED phát đi những tín hiệu về việc giảm cường độ tăng lãi suất của Mỹ, quỹ Fubon kỳ vọng chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ không tác động quá tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Ở khía cạnh khác, với lợi thế chi phí lao động, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với nhiều nước, và được hưởng lợi từ chuyển giao thương mại Trung Quốc - Mỹ. Chính những điều này mở ra triển vọng tốt cho nền kinh tế nói chung trong đó gồm thị trường chứng khoán, từ đó giúp thu hút thêm các nhà đầu tư trong tương lai. Fubon đánh giá dòng vốn ngoại sẽ còn tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam nếu thị trường được nâng hạng vào danh sách thị trường mới nổi trong thời gian tới.
Nhịp Sống Thị Trường