Hơn 20 triệu người trẻ Trung Quốc đi làm NÔNG DÂN: Từ bỏ cả công ty Top Fortune 500 và sự nghiệp dư dả tiền bạc, nhưng liệu ĐỜI CÓ NHƯ MƠ?
Cảm thấy chán nản với thời gian tăng ca liên tục, làm việc 24/7, chi phí sinh hoạt tăng cao và tình trạng tắc nghẽn đô thị, hàng triệu người trẻ Trung Quốc đi làm nông dân. Một số tìm được cuộc sống mới cho bản thân, nhưng không ít người nhận ra rằng: “Đời không như mơ!”
- 22-11-2021Sáng sớm đi bộ 3km lúc bụng đói, cơ thể xuất hiện ngay 4 thay đổi chóng mặt: Da dẻ hồng hào, trao đổi chất tốt hơn gấp đôi
- 20-11-2021Có 1 nhóm người cần đặc biệt lưu ý khi tập thể dục: 7 điều tuyệt đối nằm lòng trước khi sức khỏe giảm sút, thậm chí nguy hại tính mạng
- 18-11-2021Người có tuổi thọ ngắn thường thấy 3 THIẾU 2 THỪA: Nếu sở hữu đủ 5 đặc điểm, sức khỏe đáng báo động cần lập tức thay đổi
Ở Trung Quốc, nhiều người vẫn coi nghề nông là công việc tay chân, không cần đầu tư nhiều "chất xám", ít được thế hệ trẻ quan tâm. Tuy nhiên, mọi chuyện đang bắt đầu thay đổi khi chính quyền nước này đang khuyến khích phát triển các vùng nông thôn.
Một thế hệ “nông dân mới” ra đời. Họ chính là những người trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x và thậm chí là 2k.
Từ bỏ công việc ổn định và cuộc sống hiện đại của thành phố, những người trẻ này sẵn sàng về quê làm nông dân vì coi đây là một giải pháp để tìm kiếm cuộc sống mới.
"Hạnh phúc bên ngoài, nhưng trống rỗng bên trong"
Hu Siqin là người từng làm việc trong lĩnh vực tiếp thị và chuỗi cung ứng cho các công ty Pháp như gã khổng lồ chăm sóc cá nhân L'Oreal và nhà bán lẻ thể thao Decathlon.
Tuy đã có một sự nghiệp đầy hứa hẹn ở Thượng Hải với một công ty nằm trong danh sách Fortune 500 và dư dả tiền bạc, nhưng Hu Siqin luôn cảm thấy thiếu thốn gì đó.
Vì vậy, cô gái 33 tuổi đã bắt đầu thử tìm hiểu về phong trào “nông dân mới”. Khi nhìn thấy những người trẻ khác có thể tìm thấy niềm vui đơn giản từ lối sống hữu cơ, Hu Siqin nhận ra một điều: “Hẳn là sẽ có những người trẻ như tôi, luôn cảm thấy không thỏa mãn với những tiện nghi vật chất bên ngoài. Sâu trong tinh thần luôn tồn tại cảm giác trống rỗng giữa nhịp sống đô thị hiện đại.”
"Vì vậy, tôi đã bắt đầu suy nghĩ, mục đích sống của mình là gì? Tôi đang sống để làm gì?", Hu Siqin chia sẻ. “Cuộc sống hiện tại, tuy bên ngoài thì có vẻ hạnh phúc nhưng bên trong lại thấy trống rỗng.”
Hiện giờ, Hu Siqin đã từ bỏ công việc ở thành phố của mình để trở về vùng nông thôn, cố gắng làm một nông dân đích thực. Mỗi ngày, cô tự tay gieo trồng khoai lang, đậu dài và các loại cây trồng khác trên một mảnh đất đi thuê. Làm chung với cô là những người bạn cùng chí hướng ở Sùng Minh, một địa phương tập trung vào nông nghiệp ở ngoại ô Thượng Hải.
Cuộc sống ở nông thôn giờ đây mang lại niềm vui giản đơn mỗi ngày cho cô. Ảnh AFP.
Công việc thu hoạch cây trồng, nhổ từng củ khoai lang mập mạp ra khỏi đất hay hái những mẫu cao lương cao vượt đầu người khiến Hu Siqin cảm thấy vui sướng lạ thường.
"Tôi đã nhảy ra khỏi vùng an toàn của mình để đến một nơi xa lạ, bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới. Chắc chắn đây sẽ là trải nghiệm vô cùng sâu sắc," cô nói.
“Đi tìm một lối sống bền vững, không căng thẳng”
Đối với những “nông dân mới” như anh Liang Funa, 34 tuổi, hành trình bỏ phố về quê là quá trình để tận hưởng một cuộc sống khỏe mạnh, bình yên và bền vững hơn.
Cựu giám đốc điều hành của một công ty quảng cáo luôn cảm thấy kiệt sức do thời gian làm việc quá nhiều và lối sống không lành mạnh ở phố thị.
Anh chia sẻ rằng: “Thế hệ của chúng tôi đang phải chịu áp lực rất lớn. Ở độ tuổi này, hầu hết mọi người xung quanh bắt đầu nói về việc mua nhà, mua xe, sinh con đẻ cái… như một thước đo thành công chuẩn mực của toàn xã hội. Hầu như tất cả đều không có lựa chọn nào khác.”
Anh Liang đã chuyển đến Sùng Minh từ 3 năm trước. Ban đầu, anh phải mất khá nhiều thời gian để học cách làm vườn, đồng thời vẫn phải nhận một số công việc part-time online để kiếm thêm thu nhập.
Liang Funa đã chuyển sang làm nông nghiệp để có một lối sống bình lặng hơn ở Trung Quốc. Ảnh: AFP
Sau đó một thời gian, khi đã bắt đầu quen việc, anh Liang cảm thấy vô cùng thoải mái và tự do. Thậm chí, sau một thời gian tự cung tự cấp, sử dụng chính rau hữu cơ đảm bảo an toàn và vệ sinh do chính tay mình trồng ra, anh cảm thấy khỏe khoắn hơn rất nhiều.
"Tôi không chỉ giảm chi phí tiêu dùng hàng ngày mà còn giảm nhu cầu đi khám bác sĩ. Nhờ vậy, chi tiêu trong cuộc sống cũng được giảm trừ đáng kể", anh Liang chia sẻ những trải nghiệm tích cực của mình.
"Làn sóng mới" được kỳ vọng
Theo số liệu nước này thống kê, hiện nay, đã có khoảng 20 triệu người đã tham gia phong trào "nông dân mới". Cuộc sống mới của họ tại vùng nông thôn không chỉ đem tới ảnh hưởng trên mạng xã hội, mà còn là tiềm năng lớn để phát triển kinh tế vùng.
Các thế hệ "nông dân mới" tại đây không chỉ hiểu về công nghệ thông tin, mà còn có tư duy kinh doanh nhạy bén. Họ có thể mang lại những dự án, những ý tưởng mới đầy tính đột phá cho một lĩnh vực nông nghiệp vốn không nhận được nhiều quan tâm từ người trẻ.
Một số doanh nghiệp như Pinduoduo cũng nỗ lực đẩy mạnh các nền tảng giúp những nông dân sản xuất nhỏ lẻ thâm nhập vào thị trường tốt hơn. Đây chính là điều kiện rất tốt để phong trào "bỏ phố về quê" được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực hơn.
Thách thức không hề nhỏ vì "đời không như mơ"
Hầu hết các thanh niên trẻ của thế hệ "nông dân mới" đều là người từng có khoảng thời gian dài sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn. Do đó, bản thân họ đã hình thành một lối sống tôn trọng các quy tắc, quyền riêng tư và sự độc lập.
Tuy nhiên, những quan điểm này phải đối mặt với nhiều áp lực thay đổi khi chuyển về sinh sống ở vùng nông thôn. Bản chất về cuộc sống và các mối quan hệ đều đối mặt với thách thức không hề nhỏ.
Nếu ở thành phố, bạn có thể thỏa thích thức khuya, dậy muộn, làm mọi điều mình thích mà không ai can thiệp vào đời sống cá nhân thì khi ở nông thôn, chính làng xóm xung quanh sẽ là người tác động tới bạn. Khái niệm đời sống riêng tư cũng trở nên nhạt nhòa hơn vì mọi người đều có "tình làng nghĩa xóm" và mong muốn gắn kết chặt chẽ với nhau.
Bên cạnh đó, việc thiếu cơ sở hạ tầng và quản trị xã hội hiện đại cũng khiến nhiều người cảm thấy thất vọng khi quay về.
Đó chính là nguyên nhân chủ yếu khiến những người trẻ tuổi trở về quê với kinh nghiệm học tập và làm việc tại thành phố thường bị mắc kẹt ở giữa hai hệ thống giá trị.
Có những người không thể hòa nhập được với lối sống ở vùng nông thôn. Họ cũng không thể quen dần với những giá trị truyền thống từ lâu đời, thiếu vắng các tiện ích hiện đại. Sự xa cách và tự cô lập càng đem tới nhiều khó khăn hơn. Nhiều người thậm chí bị chế giễu và đánh giá là "thất bại" nên mới phải rời khỏi thành phố.
Một thanh niên tốt nghiệp đại học từng rời bỏ thành phố Thâm Quyến đông đúc, nhộn nhịp sau nhiều năm làm công ăn lương đã trở về quê làm việc được khoảng 6 tháng. Trong thời gian đó, anh ta không ngừng chịu đựng áp lực từ chính người thân và hàng xóm của mình. Cuối cùng, anh đã đổi ý và quay trở lại thành phố.
Chính vì lẽ đó, cuộc sống nông thôn không phải một "thiên đường màu hồng" dành cho những người trẻ chạy trốn khỏi các thành phố. Họ đã tưởng tượng về cuộc sống "về hưu sớm" ở đây quá tốt đẹp và tuyệt vời, đến khi phải đối mặt với thực tế không như mơ thì cảm thấy ngột ngạt, không thể chấp nhận nổi.
Phong trào "nông dân mới" đã giúp rất nhiều người tìm được một cuộc sống hoàn toàn mới, những niềm vui giản dị đến từ lối sống tự cung tự cấp, hầu hết thời gian đều làm việc ngoài trời. Nhưng vẫn có nhiều khó khăn và áp lực mà người trẻ phải đối mặt nếu muốn "bỏ phố về quê".
Do đó, khi đã chuẩn bị tâm lý và tinh thần sẵn sàng, tìm hiểu và làm quen trước với lối sống mới, hãy nghĩ đến việc bắt đầu lại từ con số 0 trong một môi trường hoàn toàn xa lạ. Đừng chỉ tìm về quê để trốn tránh hay hưởng thụ.
*Nguồn: EuroNews, SixthTone, StraitTimes