Hơn 2.000 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng giao thông công cộng kết nối Bình Dương với Tp.HCM
HĐND tỉnh Bình Dương vừa ban hành nghị quyết thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương, kết nối với TPHCM.
Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, phát triển giao thông công cộng kết nối Bình Dương - TPHCM. Mục tiêu chính của dự án là từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 theo Quyết định số 1710/ QĐ-UBND ngày 26-6-2012 của UBND tỉnh; Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3247/QĐ- UBND ngày 16-12-2013 và việc phát triển hệ thống giao thông công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2025, tầm nhìn sau năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 4291/ QĐ-UBND ngày 24-12-2014 của UBND tỉnh.
Dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương thuộc dự án nhóm A có tổng vốn đầu tư 2.077,6 tỷ đồng, trong đó dự kiến nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) Nhật Bản là 1.353,2 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng UBND tỉnh Bình Dương tự thu xếp là 724,4 tỷ đồng.
Dự án bao gồm một số hạng mục chính, như 6 cầu vượt tại các nút giao lớn trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn (là tuyến đường chính nối Bình Dương - TPHCM). Đồng thời, dự án sẽ triển khai tuyến buýt nhanh (BRT) kết nối giữa Thành phố mới Bình Dương và Bến xe Suối Tiên (Bến xe Miền Đông mới), dài hơn 30km. Dự án do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Dự kiến, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2019-2025.
Dự án không có yếu tố giải tỏa đền bù mặt bằng mà sẽ xây dựng ngay trên nền mặt đường tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn. Do đó, đây là điều kiện thuận lợi để khi triển khai thực hiện dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương, dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần tăng năng lực thông hành của đường Mỹ Phước - Tân Vạn nói riêng cũng như các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh nói chung. Đồng thời, dự án hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng; tăng cường giao thông kết nối, giao thông đối ngoại của tỉnh với TPHCM, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ cũng như nhu cầu đi lại, đời sống của người dân.
Bên cạnh dự án này, năm 2020 và những năm tiếp theo tỉnh đã có kế hoạch đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông quan trọng huyết mạch của tỉnh để kết nối với các tỉnh, thành lân cận, kết nối vùng như quốc lộ 13, đường ĐT743, đường Mỹ Phước - Bàu Bàng...; cùng với đó chuẩn bị khởi công dự án Thủ Biên - Đất Cuốc.
Hiện nay, ngoài đường vành đai 3, vành đai 4, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Nhơn Trạch, ĐT 746, ĐT 747B mở rộng, sắp tới các khu vực này còn đón thêm nhiều công trình giao thông "tỉ đô". Có thể kể đến như tuyến cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cao tốc TPHCM – Lộc Ninh, metro thành phố mới Bình Dương – Uyên Hưng – Tân Thành, metro Dĩ An – Tân Uyên, kéo dài metro Bến Thành – Suối Tiên đến thị xã Dĩ An…
Mới đây nhất, HĐND tỉnh Bình Dương tại kỳ họp thứ 9 (bất thường) đã thông qua tờ trình về chủ trương đầu tư dự án cải tạo, mở rộng QL13 được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) và hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Theo đó, công trình dự kiến thực hiện trước năm 2023, tổng vốn đầu tư là gần 10.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 1.300 tỷ, tiền giải phóng mặt bằng khoảng 8.100 tỷ; còn lại là các khoản chi phí tư vấn, quản lý, di dời hạ tầng kỹ thuật, dự phòng...
Được biết, QL 13 là trục giao thông xương sống của hệ thống giao thông tỉnh Bình Dương và nằm trong hệ thống đường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), có tên quốc tế là AH13 (ASEAN Highway). Đường này có ý nghĩa như chiếc đòn bẩy nâng cao vị thế của Bình Dương từ tỉnh nghèo thuần nông lên vị trí dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, đô thị, thu hút đầu tư.