Hơn 3 triệu người Việt bị căn bệnh không thể chữa khỏi chỉ vì thói quen cực kỳ phổ biến
Theo khuyến cáo của chuyên gia có tới 4-5% dân số Việt Nam mắc phải căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Căn bệnh này đang tăng và trẻ hóa, có liên quan đến thói quen thuốc lá.
Bệnh đến do thói quen hút thuốc
Theo Ths.BS Vũ Văn Thành, Trưởng Khoa Phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, 80-90% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do thói quen hút thuốc. Còn lại là do yếu tố cảm nhiễm với môi trường ô nhiễm.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường gặp ở nhóm tuổi ngoài 40 tuổi, là một trong số bệnh lý nguy hiểm, hiện đang trẻ hóa và tăng.
Bác sĩ Thành đã từng điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chỉ mới 30 tuổi. Bệnh nhân chỉ thỉnh thoảng có ho nhưng không có đờm. Ban đầu, bệnh nhân chỉ nghĩ do hút thuốc nhiều nên bị ho.
Tuy nhiên, trong khi lao động bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đi lại không thoải mái, đôi khi tức ngực.
Bệnh nhân cho rằng đang có vấn đề về tim mạch nên đã đi kiểm tra, sau đó đã được chuyển tuyến lên bệnh viên phổi Trung ương vì nghi ngờ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
80-90% bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính liên quan tới khói thuốc lá.
Kết quả thăm khám cho thấy bệnh nhân bị thiếu một loại men, chống lại men tiêu hủy protein, làm cho mất cân bằng chuyển hóa trong cơ thể khiến cho phổi bị phá hủy sớm. Cộng thêm thói quen hút thuốc khiến cho bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính khi tuổi còn rất trẻ.
Còn trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn Quân (50 tuổi, Phú Thọ - tên bệnh nhân đã được thay đổi) mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã hơn 5 năm nay. Bệnh nhân Quân đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn cuối, bệnh tiến triển nặng nên hiện bệnh nhân phải mang theo chiếc máy thở hỗ trợ bên mình.
Theo ông Quân, nếu không có chiếc máy thở bênh cạnh ông có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Theo ước tính căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tỷ lệ mắc tại Việt Nam khoảng trên 4 -5%. Trên thế giới, bệnh hàng năm lấy đi sinh mệnh của hơn 3 triệu người. Căn bệnh ngày càng tăng do thói quen hút thuốc sớm, thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc và một phần nhỏ do ô nhiễm môi trường.
Căn bệnh bệnh phổi nhưng khó phát hiện
Bác sĩ Thành cho hay triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không đặc hiệu, giống với các bệnh hô hấp khác. Bệnh nhân ho hàng ngày kéo dài, triền miên, trong lúc ho có thể có đờm hoặc không. Khi bệnh nhân khó thở, bệnh đã nặng ở giai đoạn cuối.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh toàn thân, phổi kém sẽ ảnh hưởng tới gan, tiêu hóa, xương loãng. Ảnh hưởng tới tụy gan gây ra đái tháo đường, tim mạch gây ra bệnh mạch vành. Oxy vào phổi kém thì tất cả các cơ quan đều bị ảnh hưởng, phổi yếu có thể gây ra suy đa tạng và tử vong.
Từ bỏ thói quen hút thuốc sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh phổi.
Bác sĩ Thành cho biết: "Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tăng và trẻ hóa tại Việt Nam do hai nguyên nhân. Thứ nhất, Việt Nam là một trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Hai là do y học hiện đại con người biết đi tầm soát sớm nên phát hiện ra bệnh".
Bệnh trẻ hóa có liên quan tới tuổi hút thuốc tại Việt Nam ngày một trẻ, ngay ở tuổi vị thành niên. Một phần nhỏ nguyên nhân mắc bệnh sớm là do yếu tố bẩm sinh. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không thể chữa khỏi được và phải điều trị suốt đời.
"Người hút thuốc lá, làm ở môi trường độc hại có biểu hiện ho dai dẳng, người trên 40 tuổi đã từng hút và đang hút thuốc lá hoặc tiếp xúc khói bụi trong thời gian dài, khi có biểu hiện ho kéo dài,có đờm nên đi khám để phát hiện sớm", bác sĩ Thành nói.
Để phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bệnh nhân được đo chức năng ho hấp có thể chẩn đoán được bệnh ngay. Với nhóm nguy cơ cao hút thuốc đi khám còn giúp sàng lọc những bệnh khác. Ví dụ, những người cùng yếu tố nguy cơ hút thuốc lá rất dễ bị ung thư phổi sẽ loại trừ ung thư.
Bác sĩ Thành khuyến cáo: "Phòng bệnh lý phổi nói chung và, phổi tắc nghẽn mạn tính nói riêng cần phải từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Có chế độ ăn lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực".
Trí thức trẻ