MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 300 triệu USD vốn FDI chảy vào bất động sản trong 2 tháng đầu năm

28-02-2018 - 08:41 AM | Bất động sản

Tính đến ngày 20/2, cả nước có 411 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,39 tỷ USD, bằng 68,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 2 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 3,34 tỷ USD, bằng 98,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Có 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 700,3 triệu USD, bằng 92,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Cũng trong 2 tháng qua, cả nước có 873 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 1,25 tỷ USD, tăng 102,5% so với cùng kỳ 2017. Trong đó có 471 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp 858,87 triệu USD và 402 lượt góp vốn, mua cổ phần không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 394,5 triệu USD.

Theo lĩnh vực, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 1,83 tỷ USD, chiếm 54,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. 

Lĩnh vực xây dựng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 345,4 triệu USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 312,1 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong số 47 tỉnh thành được nhà đầu tư nước ngoài rót vốn, TP.HCM là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 1,05 tỷ USD, chiếm 31,27 tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 434 triệu USD, chiếm 12,98% tổng vốn đầu tư. Ninh Thuận đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 253,9 triệu USD chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 1,7 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Đánh giá về điều này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A), chuyển nhượng dự án sẽ phát triển mạnh hơn trong năm 2018, góp phần đẩy nhanh việc thực hiện các dự án và sàng lọc thị trường. Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và nguồn kiều hối vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào nền kinh tế và thị trường BĐS trong năm 2018.

Cụ thể, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đem lại một nguồn lực phát triển bổ sung, giúp đẩy nhanh hơn nữa quá trình tăng trưởng của Việt Nam so với nếu chỉ có riêng dòng vốn nội địa tham gia. Nền kinh tế sẽ được hưởng lợi thuần túy từ sự hiện diện của một dòng vốn lớn.

Bên cạnh đó, việc thị trường trở nên đa dạng về thành phần tham gia sẽ hỗ trợ cho sự phát triển để trở thành một thị trường bền vững; sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoại cũng sẽ làm tăng tính cạnh tranh, cả lĩnh vực phân phối và phát triển, sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng, người mua nhà khi các công ty luôn trong áp lực phát triển từ một thị trường lớn. 

Từ xu hướng này, buộc nhiều doanh nghiệp địa ốc nội địa phải tích cực tìm kiếm các giải pháp mới, không ngừng cải tiến hoạt động kinh doanh và sản phẩm. Việc hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm áp lực lệ thuộc ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản.

Gia Khang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên