Hơn 3.000 tỷ "giải cứu" NVL bất thành, thanh khoản thị trường lên cao nhất 2 tháng
Thanh khoản trở thành điểm sáng với giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt 15.297 tỷ đồng, gấp đôi so với phiên trước đó và là mức cao nhất trong vòng gần 2 tháng trở lại đây.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên giao dịch không mấy tích cực khi VN-Index tiếp tục giảm hơn 8 điểm. Hàng loạt nhóm ngành "đầu tàu" như Bất động sản, Ngân hàng, Chứng khoán đồng loạt giảm điểm trước áp lực chốt lời.
Đáng chú ý, thanh khoản lại trở thành điểm sáng khi ghi nhận giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt hơn 15.297 tỷ đồng, gấp đôi so với phiên trước đó và là mức cao nhất trong vòng gần 2 tháng trở lại đây. Trước đó, vào phiên 26/9, giá trị khớp lệnh trên HoSE ở mức 15.980 tỷ đồng.
Giá trị khớp lệnh tăng trên 15.000 tỷ đồng phiên 22/11
Thanh khoản được cải thiện mạnh là một tín hiệu tích cực mang đến hy vọng tạo đáy ngắn hạn cho thị trường sau giai đoạn giảm triền miên với lực cầu "mất hút".
Đi kèm với giá trị khớp lệnh tăng cao, khối lượng cổ phiếu được khớp lệnh trên HoSE trong phiên 22/11 lên tới 980 triệu đơn vị, mức cao nhất trong vòng 9 tháng kể từ tháng 2/2022 với hơn 1 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Thanh khoản cải thiện có đóng góp đáng kể từ giao dịch đột biến gần 129 triệu cổ phiếu NVL của Novaland được “giải cứu”, với giá trị giao dịch 3,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% thanh khoản khớp kệnh trên HoSE. Tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn giảm sàn phiên thứ 14 liên tiếp.
Tuy nhiên, một phiên thanh khoản tăng mạnh vẫn chưa đóng góp đủ nhiều để cho rằng dòng tiền đã trở lại vào chứng khoán Việt Nam. Giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE vẫn duy trì mức thấp, trên 10.000 tỷ đồng từ đầu tháng 11 đến nay. Dù vậy, thanh khoản đã có sự khả quan hơn so với mức 9.300 tỷ đồng bình quân trong tháng 10.
Bên cạnh đó, làn sóng nhà đầu tư mới cũng đã hạ nhiệt sau giai đoạn bùng nổ kéo dài hơn 2 năm khiến thanh khoản phần nào giảm đi đáng kể. Số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước đã liên tục sụt giảm mạnh những tháng gần đây. Một phần dòng tiền đã rời bỏ thị trường để trở lại sản xuất kinh doanh và chuyển sang các kênh đầu tư khác. Lãi suất liên tục tăng cao khiến nhiều nhà đầu tư có xu hướng rút vốn, tìm kênh an toàn hơn như gửi tiết kiệm. Trong tháng 10, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 96.427 tài khoản chứng khoán, thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Sau những nhịp chỉnh mạnh, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang xuống vùng thấp lịch sử. P/E của VN-Index (theo dữ liệu của Algo Platform) rơi xuống mức 10,01 lần, tương đương với đáy Covid cuối tháng 3/2020 và giai đoạn năm 2012 (lãi suất tăng vọt, thị trường bất động sản đóng băng và nợ xấu ngân hàng tăng cao).
Rất nhiều cổ phiếu Bluechips đầu ngành, đặc biệt trong nhóm ngân hàng, thép, chứng khoán đã rơi xuống mức định giá rẻ hiếm thấy, dưới giá trị sổ sách. Điều này đã mở ra cơ hội đầu tư với kỳ vọng mức sinh lời hấp dẫn trong dài hạn bất chấp những hoạt động thanh lọc thị trường có thể tạo ra những khó khăn trong ngắn hạn.
Trong một chia sẻ mới đây của ông Huỳnh Minh Tuấn-Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT , vị chuyên gia chia sẻ rằng tất cả chỉ số định giá P/E , P/B không có giá trị trong ngắn hạn, yếu tố giúp thị trường chứng khoán cân bằng trong ngắn hạn là phải gỡ được nút thắt dòng tiền. Nếu đã xác định “bám trụ” lại thị trường lúc này thì cần tầm nhìn dài hạn. Trong tầm nhìn 2-3 năm tới, khi nền kinh tế đã “dọn dẹp” xong một số rủi ro như bong bóng BĐS, trái phiếu thì bức tranh của TTCK sẽ tươi sáng trở lại. Nhìn lại quá khứ giai đoạn 2010 – 2013 chúng ta cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và bắt đầu kể từ năm 2014 TTCK đã tạo đáy và bật tăng gấp 3 lần.
" Tôi cho rằng đây sẽ là một cơ hội có thể lớn nhất của TTCK Việt Nam trong 10 năm tiếp theo. Khi bài toán về thanh khoản đã đã được giải quyết triệt để, những người đã ở lại sẽ có được thành quả lớn. Đây là thời gian nhà đầu tư tìm kiếm dòng tiền mới để tiếp tục “cuộc đua” dài hạn này ", ông Tuấn nhận định.
Nhịp sống thị trường