Hơn 40 triệu xe mô tô, xe gắn máy đã được cấp biển số sẽ không phải dán nhãn năng lượng
Đây là giải thích của Vụ Môi trường (Bộ Giao thông vận tải) về quy định xe mô tô, xe gắn máy phải thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc từ ngày 01/01/2020.
- 26-04-2018Miễn 2 sắc thuế ô tô: Ai hưởng lợi?
- 30-09-2017Tỷ lệ tăng trưởng của ô tô tại Việt Nam đang vượt xa xe máy
- 15-07-2017Hướng đi nào cho các nhà sản xuất xe máy Việt Nam trước lệnh cấm 2030 của Hà Nội?
Ông Nguyễn Hữu Tiến, đại diện Vụ Môi trường (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy là sự tiếp nối những lợi ích mà Chương trình dán nhãn năng lượng mang lại. Đây cũng là những đối tượng đã được quy định trong Quyết định 04/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất tối thiểu và lộ trình thực hiện.
"Đối tượng dán nhãn năng lượng là các xe mô tô, xe gắn máy mới (hiểu đơn giản là xe chưa có biển số) chứ không phải hơn 40 triệu xe đang lưu hành (đã được cấp biển số). Người tiêu dùng được hưởng lợi do họ có thêm thông tin để lựa chọn dòng xe tiết kiệm nhiên liệu trước khi quyết định mua xe mới mà không phải trả bất kỳ chi phí nào. Nhãn năng lượng không phải là giấy tờ phục vụ công tác đăng ký xe cũng như các thủ tục khác" – ông Nguyễn Hữu Tiến giải thích.
Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy, lắp ráp và nhập khẩu mới. Dự kiện Thông tư sẽ được lấy ý kiến rộng rãi và ban hành trong năm 2018.
Trong thời gian từ nay đến 31/12/2019, các doanh nghiệp có thể tự nguyện dán nhãn năng lượng. Từ ngày 01/01/2020, xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới trước khi đưa ra thị trường thuộc đối tượng bắt buộc phải dán nhãn năng lượng. Việc dán nhãn này tương tự như đã từng áp dụng với ô tô từ năm 2015.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc dán nhãn năng lượng đối với ô tô đã mang đến rất nhiều lợi ích: Người tiêu dùng lựa chọn phương tiện ít tiêu hao nhiên liệu đem lại hiệu quả kinh tế trong quá trình sử dụng; Thúc đẩy các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm cải thiện mức tiêu thụ nhiên liệu và coi đó là một lợi thế cạnh tranh của sản phẩm.
Về mặt xã hội, việc dán nhãn năng lượng sẽ góp phần giảm tổng mức tiêu thụ nhiên liệu thông qua hoạt động của các phương tiện giao thông, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường.
Trong 3 năm (2015-2017) triển khai chương trình dán nhẵn năng lượng, mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của xe ô tô dưới 7 chỗ đã có cải thiện đáng kể.
Sự thay đổi mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của xe chạy xăng từ 2015 - 2017 theo các chu trình thử khác nhau. Nguồn: Cục Đăng kiểm Việt Nam
Thực tế, châu Âu (EU), Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc,... đều áp dụng dán nhãn năng lượng. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore, Thái Lan cũng đã thực hiện chương trình này.
Bên cạnh việc dán nhãn năng lượng, nhiều nước cũng triển khai sử dụng dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với xe cơ giới thông qua việc quy định mức tiêu thụ năng lượng tối thiểu, đánh thuế nhiên liệu, tổ chức chương trình lái xe sinh thái, bảo dưỡng xe…