MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 60% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động vì Covid-19

Hơn 60% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động vì Covid-19

Thời gian gần đây, FPT cùng với công ty giải pháp công nghệ Base đã đưa ra một khảo sát cho các doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến vấn đề ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh đến hoạt động kinh doanh liên tục của doanh nghiệp.

Bài khảo sát được thực hiện với nhà quản lý, lãnh đạo của hơn 400 doanh nghiệp trong nước từ những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. 

Đầu tiên, về mức độ ảnh hưởng của Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo cho thấy, có hơn 53% doanh nghiệp đang phải tạm ngưng hoặc hạn chế một phần hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, hơn 60% doanh nghiệp cho biết họ sẽ tạm ngưng hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh nếu phải làm việc từ xa.

Cụ thể, gần 10% doanh nghiệp đang trong tình trạng "ngủ đông" tạm thời; trong khi đó, khoảng 50% doanh nghiệp vận hành từ xa một phần hoặc có kế hoạch kinh doanh thay thế. Đặc biệt, có đến 64,9% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động dưới các hình thức như cắt giảm nhân sự, giảm lương hay giảm giờ làm.

Hơn 60% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động vì Covid-19 - Ảnh 1.

Ảnh hưởng của Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp. Nguồn: Base.vn

Liên quan đến những vấn đề mà doanh nghiệp phải đối mặt, những người đứng đầu doanh nghiệp có đưa ra rất nhiều yếu tố mà doanh nghiệp của mình bị ảnh hưởng. Những vấn đề chiếm đa số câu trả lời của doanh nghiệp bao gồm: đối tác gặp khó khăn gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp (61,99%); nguồn cầu giảm sút (43,17%); thiếu hụt nguồn tiền (37,98%),...

Bên cạnh đó, còn có những vấn đề liên quan đến yếu tố nhân sự như: lo lắng về tương lai công việc, xáo trộn tinh thần làm việc (60,52%); thiếu gắn kết khi làm việc từ xa (52,4%); thiếu kỷ luật khi làm việc từ xa (45,17%),...

Dựa trên những câu trả lời từ các doanh nghiệp tham gia khảo sát, báo cáo chỉ ra rằng 2 ngành F&B và giáo dục-đào tạo là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong đó, hơn 28% doanh nghiệp F&B sẽ ở trong tình trạng "ngủ đông" nếu phải vận hành từ xa. 

Ngược lại, công nghệ - viễn thông và xây dựng - kiến trúc lại là 2 ngành bị ảnh hưởng ít nhất. Cụ thể, hơn 51% doanh nghiệp Công nghệ - Viễn thông không phải cắt giảm lao động trong thời gian đại dịch.

Để ứng phó trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nhằm đảm bảo chuỗi hoạt động sản xuất được diễn ra liên tục, hơn 73% các doanh nghiệp cho biết họ đều áp dụng những quy định an toàn trong phòng chống dịch; khoảng 60% doanh nghiệp áp dụng chính sách hoạt động từ xa cho nhân viên. Bên cạnh đó còn các biện pháp khác như truyền thông nội bộ, áp dụng cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ cho làm việc từ xa,...

Ngoài một vài biện pháp kể trên, đại diện của một vài doanh nghiệp khác cũng chia sẻ những cách mà doanh nghiệp của mình áp dụng để ứng phó với đại dịch đơn cử như tạo sản phẩm mới hay chuẩn bị nhân sự dự phòng thay thế các vị trí trọng yếu trong trường hợp có người phải đi cách ly hay điều trị dài hạn,…

Mặc dù liên tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do chuỗi sản xuất liên tục bị ảnh hưởng bởi các làn sóng Covid-19, thế nhưng, khoảng 52% doanh nghiệp tham gia khảo sát lại vô cùng lạc quan, tin rằng doanh nghiệp của mình có thể quay trở lại vận hành bình thường vào đầu tháng 8. Kể cả trong trường hợp xấu nhất là doanh nghiệp không thể trở lại hoạt động bình thường trong vòng 2 tháng tới, thì có đến 45% đại diện doanh nghiệp trả lời rằng họ chắc chắn có thể duy trì doanh nghiệp trên 12 tháng.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên