MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hỗn loạn trên thị trường năng lượng - người mua, người bán nháo nhào tìm đối tác mới, một thế lực 'mới mà cũ' đang trỗi dậy

04-06-2022 - 20:07 PM | Thị trường

Chào mừng đến với kỷ nguyên mới của dầu, khí đốt – nơi các áp lực của yếu tố địa chính trị đang lấn át quy luật cung cầu của thị trường.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang vẽ lại bản đồ năng lượng thế giới, mở ra một kỷ nguyên mới mà ở đó, dòng chảy của nhiên liệu hoá thạch bị ảnh hưởng lớn bởi yếu tố địa chính trị, bên cạnh quy luật cung cầu.

Trong nửa thế kỷ qua, dầu và khí đốt tự nhiên đã "chảy" tương đối tự do sang các thị trường mà chúng có giá cao nhất trên thế giới. Điều này đột ngột kết thúc khi Nga tiến vào biên giới Ukraine hôm 24/2, kích hoạt một lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ và châu Âu - khiến thương mại toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Bản đồ mua-bán năng lượng đang được vẽ lại

Trong tuần này, EU đã thông qua các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Nga, cấm nhập khẩu dầu của nước này và chặn các công ty bảo hiểm vận chuyển dầu thô của họ.

Chưa có một trật tự mới hoàn toàn rõ ràng nào được hình thành. Nhưng các thương nhân, nhà ngoại giao và các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng đều đồng ý rằng dòng chảy của dầu, khí đốt sẽ không còn tự do.

Hỗn loạn trên thị trường năng lượng - người mua, người bán nháo nhào tìm đối tác mới, một thế lực mới mà cũ đang trỗi dậy - Ảnh 1.

Ba trục ảnh hưởng đến thị trường năng lượng đang xuất hiện: Mỹ và các nước phương Tây - những người sử dụng sức mạnh kinh tế và sức mua khổng lồ như một vũ khí chính trị; Trung Quốc và các quốc gia mới nổi như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ - từ chối áp lực của phương Tây để tiếp tục làm ăn với Nga; Ả rập Xê út và các quốc gia sản xuất dầu khác ở Trung Đông – duy trì sự trung lập và có thể giành thị phần trong những năm tới.

Một lệnh cấm vận của châu Âu đồng nghĩa dầu thô của Nga thay vì đến cảng Hamburg (Đức) trong vòng 2 tuần sẽ mất vài tháng để đến Trung Quốc. Ngược lại dầu Trung Đông cũng mất nhiều thời gian để đến châu Âu, thay vì các thị trường châu Á như thường lệ. Sự thiếu hiệu quả này sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, bảo hiểm và tài chính – vốn là nền tảng cho thương mại năng lượng.

Nhiều người dự đoán ngành công nghiệp năng lượng của Nga – trụ cột của nền kinh tế, sẽ thu hẹp do mất thị trường lớn nhất. Họ cho rằng các biện pháp trừng phạt tài chính và cong nghệ của phương Tây sẽ làm suy yếu khả năng duy trì doanh thu và mức sản xuất hiện tại của Nga.

Tuy nhiên, bản đồ mới không phải là không ảnh hưởng đến Mỹ. Kể từ khi Thế chiến thứ II kết thúc, đồng USD đã là tiền tệ mặc định cho các giao dịch dầu mỏ. Giờ đây, Ả Rập Xê Út, Ấn Độ và các nước đang phát triển đang tiến hành giao dịch năng lượng bằng các loại tiền tệ khác. Nga cũng bắt đầu yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble cho nhiên liệu hoá thạch của mình.

Xuất khẩu dầu của Nga sang EU, Mỹ, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc đã giảm 563.000 thùng/ngày, tương đương 32% trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4. Theo ngân hàng đầu tư Piper Sandler, một lệnh cấm hoàn toàn của EU đối với dầu Nga đồng nghĩa khoảng 2,8 triệu thùng dầu/ngày đối với sản phẩm thô và 1,1 triệu thùng/ngày của sản phẩm từ dầu sẽ phải tìm một thị trường mới.

Khí đốt tự nhiên của Nga sẽ khó bị loại bỏ hơn. JPMorgan Chase ước tính đến cuối năm nay, châu Âu vẫn sẽ nhận 80-94% lượng khí đốt của Nga so với mức của năm 2021. EU cho biết sẽ ngừng sử dụng dầu và khí đốt của Nga vào năm 2027.

Sự trở lại của khối Ả Rập

Các nhà sản xuất dầu từ Trung Đông có vẻ đã sẵn sàng trở thành người chiến thắng trong bản đồ năng lượng đang được vẽ lại.

Ả Rập Xê Út và các quốc gia vùng Vịnh đang phải chịu áp lực thoát dần khỏi năng lượng hoá thạch nhưng sau xung đột Nga - Ukranie, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải kêu gọi nước này bơm thêm dầu ra thị trường.

Hỗn loạn trên thị trường năng lượng - người mua, người bán nháo nhào tìm đối tác mới, một thế lực mới mà cũ đang trỗi dậy - Ảnh 2.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Saudi Aramco mới đây đã vượt qua Apple để trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. Họ nhận nhiều yêu cầu mua dầu thô từ châu Âu. Ả Rập Xê Út đang muốn chứng minh cho thế giới thấy việc cắt giảm nhanh chóng nhiên liệu hoá thạch là không thực tế.

"Chúng tôi cảm thấy nực cười khi năm ngoái, một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ đã gây sức ép buộc chúng tôi phải tuân theo kế hoạch giảm lượng khí thải carbon vào năm 2050 nhưng giờ đây, họ đang yêu cầu chúng tôi bơm thêm dầu", một quan chức Ả Rập Xê Út cho biết.

Sau khi từ chối yêu cầu tăng sản lượng trong nhiều tháng, OPEC và các đồng minh hôm 3/6 đã đồng ý về mức tăng sản lượng lớn hơn dự kiến. "Cuộc xung đột của Nga – Ukraine đã dạy cho thế giới một điều to tát rằng: Chúng ta cần thêm dầu của Ả Rập Xê Út", một quan chức Ả Rập Xê Út khác nói.

Thách thức cho Nga

Nhiệm vụ mới của Nga sẽ là thắt chặt hơn nữa quan hệ với châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Một trục xoay như vậy là đặc biệt cần thiết với hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga. Trước đây, Nga xuất khẩu 200 tỷ m3 khí đốt mỗi năm sang châu Âu – thị trường lớn nhất của nước này. Trong khi đó, họ chỉ bán khoảng 33 tỷ m3 khí cho châu Á.

Nga cũng đã lên kế hoạch xây dựng đường ống cũng như chuyển khí đốt thành chất lỏng, phục vụ cho giao thương bằng đường biển. Tuy nhiên, các dự án này đều cực kỳ thách thức về mặt kỹ thuật cũng như chi phí.

Dự án quan trọng nhất là một đường ống dài khoảng 1.600 dặm nối bán đảo Yamal của Nga với Trung Quốc, được gọi là Power of Siberia 2. Dự án Power of Siberia đầu tiên tiêu tốn hơn 50 tỷ USD và mất hơn 5 năm để xây dựng. Nó cho phép chuyển 50 tỷ m3 khí đốt tới Trung Quốc.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Nga có thể bán nhiều nhất là 120 tỷ m3 khí đốt cho châu Á vào năm 2030 với giá thấp hơn so với bán ở châu Âu.

Với dầu mỏ, các chuyến hàng chở dầu của Nga đến Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia "thân thiện" khác đã tăng hơn 1,2 triệu thùng mỗi ngày trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4, tăng 146% - theo JPMorgan Chase.

Hỗn loạn trên thị trường năng lượng - người mua, người bán nháo nhào tìm đối tác mới, một thế lực mới mà cũ đang trỗi dậy - Ảnh 3.

Tuy nhiên, các thương nhân và nhà phân tích cho rằng người mua ở châu Á không đủ khả năng thay thế hoàn toàn thị trường châu Âu trong dài hạn.

Mặc dù Ấn Độ đã bác bỏ lời kêu gọi cấm vận dầu mỏ của Nga nhưng nước này đang mua dầu Nga với mức chiết khấu rất cao, giống như cách Trung Quốc đang tìm kiếm chiết khấu cho khí đốt tự nhiên.

Mất đi thị trường lớn nhất và gần nhất sẽ khiến Nga mất hàng tỷ USD doanh thu từ năng lượng mỗi năm. Cùng với các biện pháp trừng phạt về công nghệ, điều này sẽ làm suy giảm nghiên trọng khả năng duy trì mức sản xuất hiện tại của Nga.

IEA ước tính, Nga có thể sản xuất khoảng 3 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2022, giảm gần 27% so với mức trước khi xung đột nổ ra.

"Nga đã bị sốc về cách phương Tây đoàn kết với các lệnh trừng phạt", một quan chức của tập đoàn khí đốt tự nhiên khổng lồ Gazprom cho biết.

Tham khảo: WSJ

https://cafef.vn/hon-loan-tren-thi-truong-nang-luong-nguoi-mua-nguoi-ban-nhao-nhao-tim-doi-tac-moi-mot-the-luc-moi-ma-cu-dang-troi-day-20220604104613273.chn

Đức Nam

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên