MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hồng Kông bị Thâm Quyến vượt mặt: Cuộc đua giữa hai thành phố láng giềng và tầm nhìn về tương lai của Trung Quốc

06-10-2019 - 16:46 PM | Tài chính quốc tế

Trong khi Thâm Quyến tăng trưởng như vũ bão thì Hồng Kông bắt đầu trông kém hấp dẫn hơn. Nền kinh tế thành phố từng đồng nghĩa với cơ hội giờ lại trở thành biểu tượng cho sự thao túng của các nhà tài phiệt.

Khi Hong Kong là "nơi ước đến, chốn mong về"

Lớn lên ở miền Trung Trung Quốc trong thời kỳ những năm 1990, Mia Gu từng luôn mơ ước được đến cuộc sống ở Hồng Kông. Cô thần tượng những ngôi sao điện ảnh của thành phố này, mê đắm những bộ phim truyền hình và khao khát được 1 lần tới thăm Hồng Kông.

Hiện giờ Gu đang làm việc cho 1 tập đoàn đa quốc gia của Trung Quốc tại Thâm Quyến – nơi đã chuyển mình mạnh mẽ từ làng chài thành 1 siêu thành phố và nằm ngay gần Hồng Kông. Tuy nhiên, cô lại cảm thấy có rất ít động lực để sang bờ bên kia.

Hồng Kông bị Thâm Quyến vượt mặt: Cuộc đua giữa hai thành phố láng giềng và tầm nhìn về tương lai của Trung Quốc - Ảnh 1.

MCDonald's lần đầu xuất hiện ở Thâm Quyến vào năm 1990. Ảnh: Bloomberg.

"Hồng Kông từng rất thịnh vượng so với đại lục", Gu nhớ lại những ký ức tuổi thơ. Ngày nay, cô không cần phải sang tận Hồng Kông khi đi công tác vì sân bay Thâm Quyến có đầy đủ các chuyến bay thẳng tới mọi nơi trên thế giới. Cả những ngôi sao xa xưa cũng không còn hấp dẫn nữa.

Những trường hợp như Gu không hề hiếm, và đó chính là ví dụ mang tính biểu tượng cho sự chuyến dịch cán cân quyền lực và cơ hội giữa hai thành phố sát vách nhau này. Là thuộc địa cũ của Anh, vai trò lịch sử như 1 trung tâm giao thương và là cánh cửa để bước vào đại lục của Hồng Kông đang dần mờ nhạt; trong khi sự trẻ trung và tràn đầy lạc quan của Thâm Quyến đem đến hi vọng thành phố này có thể giúp Trung Quốc thống trị thế giới trong thế kỷ tiếp theo nhờ 1 nền kinh tế sáng tạo nhưng vẫn phù hợp với các chuẩn mực về chính trị.

Tuy nhiên, dù triển vọng đối lập, tiềm năng tăng trưởng và vị trí địa lý quá gần nhau khiến hai thành phố này ngày càng gắn bó chặt chẽ. Thậm chí cả hệ thống chính trị của hai thành phố cũng vậy.

Hàng xóm thân thiết hay kỳ phùng địch thủ?

Rõ ràng là Bắc Kinh tha thiết muốn Hồng Kông chấp nhận vị trí của mình trong kế hoạch đầy tham vọng mang tên "Greater Bay Area" nhằm mục đích gắn chặt thành phố này với đại lục hơn nữa. Tuy nhiên, đối với nhiều người Hồng Kông, kế hoạch đó khiến họ cảm thấy không còn tự do như trước. Trong khi đó, người dân Thâm Quyến tự hào họ vẫn có thể phát triển kinh tế vượt bậc dưới những quy tắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhờ những công ty địa phương nổi tiếng như Huawei hay Tencent, kinh tế Thâm Quyến đã tăng trưởng 7,5% trong năm ngoái, gnang bằng hoặc thậm chí lần đầu tiên vượt GDP của Hồng Kông.

Theo nhiều cách, hai thành phố này đại diện cho 2 tầm nhìn đối lập nhau về vận mệnh của Trung Quốc. Thâm Quyến đi theo mô hình kế hoạch tập trung, lấy công nghệ làm bàn đạp – xương sống trong tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình về sự thịnh vượng của Trung Quốc trong tương lai. Trong khi đó, mô hình nghiêng về chủ nghĩa tư bản kiểu phương Tây nhiều hơn, với khu vực dịch vụ phát triển hơn và 1 nền chính trị khó đoán hơn, là điều mà các chính phủ phương Tây lâu nay vẫn muốn Bắc Kinh áp dụng.

Ở thời điểm hiện tại, có vẻ như con đường của Thâm Quyến đang chiếm ưu thế trong cuộc đua này, nhưng còn khoảng cách rất xa để chúng ta có thể đi đến một kết quả ổn định lâu dài.

Cột mốc đánh dấu cuộc chuyển mình của Thâm Quyến từ làng chài nghèo xác xơ thành trung tâm sản xuất hùng mạnh là từ năm 1979, khi cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình quyết định thúc đẩy kế hoạch tạo ra đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc. Trung Quốc bắt đầu chấp nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân, dù trước đó chỉ vài năm chỉ nhắc đến những thứ như vậy cũng có thể bị kết án.

Với vai trò là đặc khu kinh tế, Thâm Quyến được phép thử nghiệm nhiều chính sách mang tính thị trường nhiều hơn so với các địa phương khác ở Trung Quốc. Khi đó Trung Quốc vẫn đang chật vật hồi phục sau nhiều thập kỷ nạn đói hoành hành và đấu đá chính trị.

Thâm Quyến mở cửa đúng vào thời điểm tốt hơn bao giờ hết. Hồng Kông – vốn đã bùng nổ trong 2 thập kỷ trước đó – đang nâng cấp nền kinh tế từ sản xuất sang tập trung vào lĩnh vực dịch vụ tài chính và luật. Nằm ngay bên cạnh, Thâm Quyến nhanh chóng thế chân và đó cũng là thời khắc mà vận mệnh của 2 thành phố bắt đầu gắn chặt với nhau.

"Tôi là một trong những người đầu tiên sang Thâm Quyến" sau khi ông Đặng thông báo chính sách mới, Jeffrey Lam, một thành viên trong Hội đồng lập pháp của Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam và cũng đang sở hữu 1 công ty sản xuất đồ chơi ở gần Phật Sơn cho hay. "Khi đó Hồng Kông đang thiếu địa điểm, thiếu lao động, và Thâm Quyến là nơi hợp lý để mở rộng".

Hồng Kông bị Thâm Quyến vượt mặt: Cuộc đua giữa hai thành phố láng giềng và tầm nhìn về tương lai của Trung Quốc - Ảnh 2.

Đường cao tốc nói Thâm Quyến và Quảng Châu được xây dựng năm 1994. Ảnh: Bloomberg.

Nếu như Thâm Quyến là 1 cơ hội kinh doanh cho người Hồng Kông, Hồng Kông là thứ gì đó có nhiều ý nghĩa đối với những người Thâm Quyến được sang thành phố mà họ từng ao ước: cánh cửa bước vào Trung Quốc phiên bản hiện đại.

"Chúng tôi từng nghĩ rằng Trung Quốc là chủ nghĩa xã hội, còn Hồng Kông là chủ nghĩa tư bản", Shen – người đến Thâm Quyến thời kỳ giữa những năm 1990 để làm việc trong ngành y tế - nói. Chúng tôi đã rất ghen tị với Hồng Kông.

Khoảng cách khá lớn giữa hai thành phố từng tưởng chừng như không bao giờ được lấp đầy. Năm 1997, Hồng Kông được trao trả cho đại lục và chiếc đồng hồ đếm ngược 50 năm bắt đầu phủ bóng lên tương lai của thành phố. Quy tắc "một nhà nước hai chế độ" sẽ được áp dụng cho đến năm 2047. Giờ đây câu hỏi là liệu Hồng Kông có thể làm thay đổi đại lục trước khi đại lục thay đổi Hồng Kông hay không.

Francine Hadjisotiriou, người điều hành Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc, chuyển đến Thâm Quyến từ năm 2006. Khi đó bà được nghe về kế hoạch phát triển một thành phố có những trung tâm thương mại hoành tráng, rạp chiếu phim và những công ty tầm cỡ thế giới. Lúc ấy bà rất hoài nghi, nhưng đến nay thì phải thừa nhận Thâm Quyến đã gặt hái được quả ngọt.

Thành phố bắt đầu đẩy mạnh tuyển dụng nhân tài chất lượng cao nhất từ khắp Trung Quốc, cho họ những ưu đãi như hộ khẩu. "Nếu bạn đến Thâm Quyến, bạn là người Thâm Quyến", chính quyền thành phố từng tuyên bố.

Các chính sách mới mẻ bắt đầu thực sự đem lại kết quả từ đầu những năm 2010. DJI Technology tung ra drone đầu tiên năm 2012. Huawei bắt đầu tiến ra thế giới một cách nhanh chóng. Tencent ra mắt Wechat và vượt Facebook và Apple về ứng dụng nhắn tin và sau đó là thanh toán điện tử. Cho đến nay, năm 2019, các nhà đầu tư toàn cầu đang gọi Thâm Quyến là "thung lũng Silicon về phần cứng".

Hồng Kông bị Thâm Quyến vượt mặt: Cuộc đua giữa hai thành phố láng giềng và tầm nhìn về tương lai của Trung Quốc - Ảnh 3.

Giá nhà đất ở Hong Kong tăng quá cao khiến nhiều người không thể mua nổi 1 căn hộ.

Vượt mặt Hồng Kông

Katie Chen, 22 tuổi, là nhân viên của 1 công ty công nghệ lớn ở Thâm Quyến, cho rằng mọi người thường nói về "tốc độ Thâm Quyến", tức 1 tuần ở đây giống như 1 tháng ở nơi khác. Sau khi du học ở Mỹ, Chen bị thành phố này hấp dẫn một phần bởi sự cởi mở với người ngoài. "Ở đây ai cũng nghiện làm việc, bạn đến đây để theo đuổi giấc mơ hoặc để kiếm tiền".

Deng Yumian đã từ bỏ công việc tại trụ sở Microsoft để trở về nhà và làm việc ho DJI. Anh quả quyết Thâm Quyến là "nơi tốt nhất trên thế giới về phần cứng". Theo Deng, Hồng Kông vẫn quan trọng đối với vai trò giúp tiền vào và ra khỏi Trung Quốc dễ dàng, nhưng về công nghệ và thiết kế thì Hồng Kông không còn quan trọng nữa. Thậm chí Deng còn cảm thấy Hồng Kông đang trì trệ về khía cạnh này.

Trong khi Thâm Quyến tăng trưởng như vũ bão thì Hồng Kông bắt đầu trông kém hấp dẫn hơn. Nền kinh tế thành phố từng đồng nghĩa với cơ hội giờ lại trở thành biểu tượng cho sự thao túng của các nhà tài phiệt.

Các tập đoàn bất động sản (chủ yếu thuộc sở hữu của các gia tộc tỷ phú) ngày càng có nhiều quyền lực và kiểm soát cả các ngành quan trọng như dịch vụ công ích và các nhà mạng di động. Giá nhà quá đắt đỏ khiến nhiều người trẻ không thể sở hữu 1 căn hộ, một số người phải sống trong container.

Hồng Kông bị Thâm Quyến vượt mặt: Cuộc đua giữa hai thành phố láng giềng và tầm nhìn về tương lai của Trung Quốc - Ảnh 4.

GDP của Thâm Quyến đã đuổi kịp và vượt qua cả GDP của Hong Kong

Cũng trong quãng thời gian này, kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mà không cần phải thay đổi hệ thống chính trị và chính phủ cũng can thiệp sâu hơn vào Hồng Kông, gây nên những cuộc biểu tình phản đối.

Bất chấp những bất ổn gần đây, các ngân hàng, sàn chứng khoán, các công ty dịch vụ chuyên nghiệp và các bến cảng nhộn nhịp của Hồng Kông vẫn giữ vai trò là trung tâm của hệ thống tài chính châu Á, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Với tòa án độc lập, mức thuế thấp và nét đặc biệt trong hệ thống chính trị, Hồng Kông vẫn là nơi mà các tập đoàn đa quốc gia lựa chọn.

Sheung Shui, vùng ngoại ô của Hồng Kông nằm gần Thâm Quyến được coi là lời nhắc nhở về bất ổn ở đại lục. Mọi người qua đây để mua những hộp sữa công thức, vitamin, thuốc men và mỹ phẩm mà nhiều người ở Trung Quốc không tin vào các sản phẩm được bán ở đại lục. Những con phố ở Sheung Shui ngập tràn các dược sĩ chăm sóc tận tình những người từ đại lục sang. Hồi tháng 7, những con đường này lại ngập người biểu tình giận giữ về chuyện giá cả leo thang và nền kinh tế địa phương bị bóp méo.

Trong khi đó, ở Thâm Quyến, có rất ít người cảm thấy đồng cảm với những người biểu tình Hồng Kông. Vốn đã bị ảnh hưởng nặng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, người Thâm Quyến coi các cuộc biểu tình là nỗ lực "tạo thêm hỗn loạn - thứ sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh".

Không phải là Thâm Quyến không có những rắc rối của riêng mình. Giá bất động sản tăng vọt (được CBRE xếp hạng là thành phố có giá nhà cao thứ 5 thế giới), cuộc sống ở Thâm Quyến cũng không dễ dàng. Văn hóa làm việc cật lực có tên gọi 996 (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày 1 tuần) của các ông lớn công nghệ gây ra rất nhiều tranh cãi.

Một số người ở Thâm Quyến rất quan tâm và ủng hộ biểu tình ở Hồng Kông, nhưng đa phần tỏ ra không quan tâm, miễn là họ vẫn có thể giàu lên. Có lẽ Bắc Kinh đang hi vọng những người dân Hồng Kông cũng có suy nghĩ như vậy.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên