Hồng Kông lo ngại dân Trung Quốc đại lục đổ sang "săn" vắc-xin
Giới chức Hồng Kông cảnh báo phải nhanh chóng có chính sách bảo đảm vắc-xin cho trẻ em địa phương trước khi dân đại lục đổ xô tới.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa ra lệnh điều tra ngay lập tức vụ bê bối vắc-xin DPT - còn được biết tới với cái tên DPT "3 trong 1" dùng cho trẻ sơ sinh để tránh khỏi 3 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván - giữa lúc Bắc Kinh vật lộn xử lý cuộc khủng hoảng y tế công cộng mới nhất khiến các bậc cha mẹ tại quốc gia đông dân nhất thế giới giận dữ và hoảng loạn.
Tiếp tục hứa hẹn
Tờ South China Morning Post ngày 23-7 cho biết trong tuyên bố đưa ra trước nửa đêm 21-7, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định vụ việc đã vượt "lằn ranh đạo đức thấp nhất". Ông ra lệnh điều tra toàn bộ quy trình sản xuất và buôn bán vắc-xin nói trên và đe dọa trừng phạt nghiêm khắc những công ty và cá nhân có liên quan. Bên cạnh đó, đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) đưa tin Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) sẽ rà soát tất cả hãng sản xuất vắc-xin trong nước. Thị trường vắc-xin Trung Quốc có quy mô 4,4 tỉ USD và dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2021.
Động thái trên được đưa ra sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm tỉnh Cát Lâm phát hiện Công ty Nghiên cứu Kỹ thuật sinh học Trường Sinh, trụ sở ở địa phương, đã cung cấp cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Sơn Đông khoảng 252.600 liều vắc-xin DPT kém chất lượng. Trước đó 5 ngày, cơ quan quản lý này cũng thu hồi giấy phép sản xuất vắc-xin phòng bệnh dại đối với Công ty Nghiên cứu Kỹ thuật sinh học Trường Sinh sau khi phát hiện công ty có giá trị vốn hóa thị trường hơn 2 tỉ USD làm giả số liệu về việc sản xuất khoảng 113.00 liều vắc-xin này.
Những tuyên bố đanh thép của thủ tướng Trung Quốc được cho là ít nhiều trấn an phụ huynh. Thế nhưng, đây không phải lần đầu tiên vị lãnh đạo này cam kết dọn dẹp nền công nghiệp vắc-xin nước nhà. Ông từng hứa tương tự hơn 2 năm trước đây để đối phó một vụ bê bối khác.
Theo tuyên bố vẫn còn lưu giữ trên trang web chính phủ, ông Lý hồi tháng 3-2016 khẳng định Trung Quốc sẽ bịt những lỗ hổng trong khâu giám sát sản xuất và phân phối vắc-xin sau khi vỡ lở vụ một lượng dược phẩm lớn trị giá 84 triệu USD không được bảo quản phù hợp và hết hạn sử dụng đã được bán trên khắp cả nước suốt nhiều năm. 200 người bị bắt giữ trong vụ này.
Vụ bê bối vắc-xin khiến các bậc cha mẹ ở Trung Quốc mất niềm tin vào vắc-xin trong nước Ảnh: AP
Theo South China Morning Post, trong vụ bê bối mới nhất, hàng trăm ngàn - thậm chí là hàng triệu trẻ em Trung Quốc, trong đó có những bé mới 3 tháng tuổi, có thể đã bị tiêm vắc-xin DPT kém chất lượng từ nhà sản xuất trong nước, theo hệ thống chăm sóc y tế bắt buộc của chính phủ.
Vụ việc càng nêu bật lên những khó khăn mà Bắc Kinh phải đối mặt trong nỗ lực gột rửa hình ảnh của nền công nghiệp dược phẩm khi nước này đang nhắm mục tiêu đưa vắc-xin "cây nhà lá vườn" ra toàn cầu.
Mất niềm tin
Giới chức tỉnh Sơn Đông nói rằng họ chưa ghi nhận bất cứ trường hợp trẻ em nào đổ bệnh sau khi tiêm vắc-xin DPT. Trang tin địa phương Dazhong Daily ngày 23-7 dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Sơn Đông khẳng định số vắc-xin DPT dù kém chất lượng nhưng được cho là không gây nguy hại. Tuy nhiên, làn sóng phẫn nộ tràn ngập mạng xã hội Trung Quốc. Trước đó, vào năm 2017, Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán cũng từng bán ra thị trường 400.520 liều vắc-xin DPT kém chất lượng.
Một người cha họ Lin ở Quảng Châu, có con gái đã tiêm 4 liều DPT dính bê bối nói trên, nói rằng ông không còn niềm tin với vắc-xin sản xuất ở đại lục và có kế hoạch đưa con tới Hồng Kông để tiêm phòng. Trong khi đó, các bác sĩ và giới chức lập pháp Hồng Kông ngày 23-7 cảnh báo đặc khu hành chính này phải nhanh chóng có chính sách bảo đảm vắc-xin cần thiết cho trẻ em địa phương trước khi dân đại lục đổ xô tới.
Tối 22-7, Công ty Nghiên cứu Kỹ thuật sinh học Trường Sơn đã thông báo ngừng sản xuất vắc-xin DPT và "xin lỗi sâu sắc" tới tất cả người bị ảnh hưởng. Cổ phiếu của công ty có trụ sở ở TP Trường Xuân này giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần tại thị trường Thượng Hải trong khi bị ngừng giao dịch trên sàn Thâm Quyến hôm 23-7. Tuần trước, ngày nào cổ phiếu công ty này cũng giảm kịch sàn biên độ 10%.
Người Lao động