Hồng Quyên - nữ MC bỏ việc đạp xe xuyên Việt và Đông Nam Á kể chuyện mỗi ngày xin cơm ăn, tìm chỗ ngủ và cách vượt qua trăm ngàn nỗi sợ kiểu phụ nữ
Sau khi nhận ra được chân lý đơn giản của cuộc sống, mọi thứ đến với Hồng Quyên giờ đây chẳng còn chút khó khăn nào nữa, vì chỉ cần thở thôi là đời đã rất đẹp rồi.
- 29-04-2021MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên góp mặt tại sự kiện tri ân khách hàng của Hoa Viên Bình An
- 05-04-2021MC "Cà phê sáng" VTV khoe nhà sang chảnh, mê nhất là phòng tắm chill như resort
- 04-04-2021Học vấn khủng của dàn BTV kỳ cựu VTV3: Học trái ngành từ ngôn ngữ đến âm nhạc nhưng bất ngờ rẽ hướng làm MC quốc dân
"Tại sao mọi người lại quan trọng chuyện đạp xe đạp đường dài một mình, ngủ nhờ, xin ăn hay bỏ việc MC ạ? Mệt quá thì nghỉ thôi, lẽ dĩ nhiên mà.
Hồng Quyên luôn xem tất cả mọi việc giản đơn như một sự trải nghiệm".
Nguyễn Hồng Quyên – cô gái miệt vườn sông nước Cần Thơ vì trót mến Hà Nội, yêu nghề truyền hình mà một mình lóc cóc ra thủ đô năm 18 tuổi. Cô là một trong những MC nói giọng miền Nam ấn tượng trong nhiều chương trình trải nghiệm, văn hóa của VTV, VTC. Nhưng, cũng chính từ nơi này, cô đã có một quyết định táo bạo nhất cuộc đời: Xin nghỉ việc để xuyên Việt một mình với chiếc xe đạp và rong ruổi Đông Nam Á, Ấn Độ.
Hành trình của Hồng Quyên đã truyền cảm hứng tích cực đến nhiều người qua những câu chuyện ngộ ngộ kiểu: Từ một cô MC long lanh trên TV đến một cô gái trông "bần bần" trên xe đạp, có lúc ăn xin, ngủ nhờ, gặp người lạ sẽ luôn sẵn lòng giúp đỡ... Nhiều người nghe xong cứ tưởng "gout cổ là vậy", "thích mạo hiểm" chứ thật ra "cực chẳng đã" Quyên mới trở nên như thế. Bởi cách đây 6 năm, khi đang có thu nhập ổn định, công việc mơ ước, gia đình và người thương bên cạnh thì cũng là lúc Quyên cảm thấy mình chẳng có gì...
Nguyễn Hồng Quyên - cô gái nổi tiếng với hành trình đạp xe xuyên Việt suốt nhiều năm.
Những hình ảnh trong các chuyến đi của cô.
Nỗi buồn của nụ cười
Quyên bén duyên với truyền hình từ cuối năm nhất đại học, được đánh giá là MC duyên dáng chân chất và có một nụ cười tỏa nắng. Quyên cần cù học hỏi và được đảm nhận thêm vài trò biên tập. Khi công việc càng thuận lợi cũng tỉ lệ thuận với áp lực tăng lên.
Công việc truyền hình luôn bị rượt đuổi deadline, thiếu ngủ, áp lực là lẽ dĩ nhiên. Nhưng Quyên thay vì tìm cách giải quyết thì lại mang vác cả khối tâm tư đó mọi lúc mọi nơi, vào cả giấc ngủ. Trải qua khoảng thời gian dài, những stress từ cuộc sống cá nhân đến công việc khiến thân tâm Quyên suy kiệt. Đỉnh điểm căng thẳng Quyên bị loét 2 lỗ dạ dày, tè dầm, kinh nguyệt không đều, căng thẳng đến mất thở...
Quyên tin ai cũng có những khó khăn và áp lực riêng nhưng cô lại luôn suy nghĩ tiêu cực hơn so với người khác. Làm trầm trọng hóa vấn đề, đặc tính này Quyên đã có từ tấm bé mà theo lời cô là một phần do ảnh hưởng từ bố mẹ.
“Mỗi sự việc đều có 2 mặt cảm xúc nhưng không hiểu sao mình luôn chỉ nhìn thấy mặt buồn và có xu hướng drama hóa mọi việc. Cũng do đó mà cái gì mình cũng luôn muốn phải tối ưu hóa nó lên, tin là người với người chỉ sống để yêu nhau nên dù chỉ một lời nặng nề cũng không được. Thậm chí, khi quen anh người yêu, đã vài năm trôi qua nhưng mình luôn yêu cầu anh phải dùng ngôn ngữ trang trọng khi nói chuyện với mình. Thử hỏi, trong cuộc sống đời thường làm gì có chuyện đó xảy ra?
Ngày còn bé mình chưa bị áp lực nhiều nên chỉ có thể bị coi là cô bé khó tính nhưng sau này lớn lên thì mình bị quá tải, vừa lo chống đỡ công việc vừa phải tìm cách làm hài lòng chính cái tôi của bản thân. Mà cái đầu con người cũng chỉ có hạn, như quả bóng bay bơm quá thì nó phải nổ thôi. Sự thật là, không ai làm cho mình bị như thế, là tự mình tạo áp lực cho mình.
Mình nhớ, Anh Tú người nghiệm thu chương trình VTC đã từng nói: "Dạo này mày cười như thói quen rồi". Câu nói đó như lời thức tỉnh mình, rằng đến nụ cười còn phải gắng gượng thì sống thực sự chỉ để trả bài, như thế thì có ý nghĩa chi nữa”.
Phía sau một nụ cười không hẳn là niềm vui, đó có thể là nỗi buồn sâu thẳm.
Quá mệt mỏi, Quyên quyết định nộp đơn xin nghỉ việc để đạp xe xuyên Việt một chuyến. Quyên không hề có chút định hướng về ngày mai. Quyên buộc phải lựa chọn một là sống tiếp tục như "lục bình trôi sông", hai là sống như ngày mai sẽ chết.
Bắt đầu ở Hà Nội trên chiếc xe đạp cuộc vào cuối năm 2015, Quyên đi một mạch vào tận Cần Thơ hết 2 tháng rưỡi. Sau chuyến đó, Quyên nghỉ ngơi một chút rồi thực hiện hành trình xuyên Đông Nam Á (trừ Lào và Đông Timor) và Ấn Độ. Sau 6 tháng rong ruổi, Quyên trở về Việt Nam và bắt đầu cuộc sống mới.
Từ năm 2017 đến giữa 2019, Quyên tiếp tục dẫn chương trình cho Đài VTC, VTV và các đơn vị truyền thông bên ngoài. Nhưng “cố nhân” - tức là con người cũ vẫn chưa tha cho Quyên dẫn đến Quyên bị trầm cảm nặng. Nhưng may mắn, nhờ những gì học được sau 2 chuyến đi trên, Quyên tự chữa lành vào cuối năm 2020 và tiếp tục thực hiện chuyến xuyên Việt lần 2 cách đây không lâu.
Từng rơi vào hố sâu tuyệt vọng, vực lên khỏi và sau đó lại rớt xuống, Quyên đã thấm thía rất nhiều điều trong cuộc sống.
Sợ - chỉ đáng sợ khi sống chỉ để sợ
Ngay từ khi bắt đầu chia sẻ về hành trình đạp xe của mình, Quyên đã nhận được rất nhiều câu hỏi và sự tò mò về việc sẽ làm thế nào để sống sót và vượt qua muôn vàn khó khăn trên đường đi, thậm chí là nguy hiểm cho thân gái dặm trường. Nhưng hành trình của Quyên đã chứng minh SỰ SỐNG vốn dĩ luôn rất AN TOÀN, chỉ là chúng ta đang lo lắng thái quá mà thôi.
“Chuyến đầu tiên mình đi thấy dễ quá, cứ sáng mở mắt là đi, tối thì ngủ, đói thì ăn, mệt thì nghỉ. Mình nhận ra, đời người chỉ cần đến thế, trước nay đã quá phức tạp rồi.
Mình là con gái, khi đạp xe đạp được yêu thương nhiều lắm. Mới đến Nghệ An thôi đã được tin là có chỗ ngủ đến tận Cần Thơ rồi. Cứ người này chỉ người kia vậy đó. Chỉ như thế thôi là mình ấm lòng lắm rồi, trên đường đi còn được người bơm xe miễn phí, người cho đồ ăn thậm chí ngủ ké nhà mà họ chẳng biết mình là ai, có mang nguy hiểm gì cho họ không nhưng vẫn giúp đỡ nhiệt tình. Có những người còn moi hết ruột gan kể cho mình nghe về chuyện cuộc đời họ, về tình yêu thương mà họ dành cho những người thân yêu. Mỗi ngày tâm trí được tưới tẩm bởi bao điều tươi đẹp từ con người đến cảnh vật, mình chợt nhận thấy cuộc đời đáng sống biết mấy.
SỰ SỐNG vốn dĩ luôn rất AN TOÀN, những chuyến đi đã cho Quyên trải nghiệm quý giá đó.
Tâm lý thoải mái, dạ dày tự hết, kinh nguyệt đều đặn, tè dầm thuyên giảm. Bao nhiêu phép màu diễn ra chỉ cần "quẳng gánh lo đi mà sống" khiến mình nảy sinh ý tưởng đi luôn các nước khác.
Chuyến đi Đông Nam Á và Ấn Độ là một trong những bước ngoặt lớn của cuộc đời mình. Tuy đã mạnh mẽ hơn nhưng lần đầu ra khỏi Việt Nam mình vẫn sợ lắm nên không đi một mình nữa và cũng không hoàn toàn di chuyển bằng xe đạp nhưng "bạn xe đạp" luôn đồng hành cùng mình lên xe bus, máy bay, tàu hoả. Vì tiết giảm chi phí mình học cách xin nước, xin ăn, xin ngủ ở các công trình tôn giáo, nhà ga xe lửa, cây xăng… giống bụi đời nhưng sướng lắm”.
Quyên từng sống như kẻ bụi đời nhưng đó lại là khoảng thời gian Quyên học được nhiều nhất.
Nhưng có một câu hỏi đặt ra đó là Quyên là con gái mà lại đi một mình thì sẽ tiềm ẩn những nguy cơ như nạn cướp bóc, hiếp dâm chẳng hạn, Quyên có sợ không? Tất nhiên là có chứ, nhưng mà:
“Mình cũng là con người, có trái tim, bằng da bằng thịt. Nhưng sợ để không làm trái đạo đức, pháp luật thì được. Còn sợ giùm cho việc chưa tới thì có lo cũng không tới được việc của ngày mai đâu. Mình cũng từng sợ bị cướp, giết, hiếp lắm chứ nhưng khi đi và luôn gặp những người vô hại thì sự lo lắng giảm bớt nhiều. Lòng tốt, niềm tin vào cuộc sống cứ tăng trưởng theo thời gian. Tất nhiên, có thể là do mình may mắn nữa.
Mình nhớ một lần ở Mumbai, Ấn Độ cả đoàn xin ngủ ở nhà thờ đạo Sikh. Nhưng chờ mãi không được sự đồng ý thì có một người theo đạo Thuận Thành chứng kiến cảnh đó đã ngỏ lời mời đoàn mình về nhà ngủ. Về đến nơi mới biết nhà cô chỉ có hai mẹ con mà dám mời toàn người lạ hoắc thì đúng là cũng "to gan lớn mật” lắm.
Hay có lần mình bay từ Thái Lan sang Ấn Độ và ngủ nhờ ở nhà thờ Hindu - nơi coi bò là thần linh mà mới vài ngày trước mình còn ăn lấy ăn để loại thịt này. Lúc ấy, mình chỉ biết nhìn quanh và cười khì khì.
Mỗi câu chuyện nhỏ như vậy cứ tiếp diễn ngày qua ngày, hơn 6 tháng trôi qua, trái tim mình được lớn lên trong yêu thương và không biết tự lúc nào sự phân biệt màu da, văn hoá, sắc tộc cũng biến mất. Mình nhận ra chưa từng khát sống đến thế và muốn được hòa nhập, thấm đẫm vào từng giây của sự sống.
Từ đó mình tự thấm nhuần, cuộc sống không bày biện ra sự nguy hiểm thì cũng không việc gì phải tạo điều kiện để nỗi sợ thành hình. Khi mình không đặt ra tiêu chí nào, điều gì cũng đón nhận thì sẽ nhẹ nhàng. Trước kia một việc mình có thể coi là khó khăn nhưng bây giờ nghiễm nhiên coi là trải nghiệm. Không tốt cũng chẳng xấu. Như việc thủng ruột xe đạp nè, khi chưa bụi đời thì sẽ cho rằng đó là điềm xui và chuyện vá xe thật phi thường. Nhưng đi đường mà gặp nhiều quá, như cơm bữa thì cũng hỏng còn thời gian mà nghĩ nữa, nhào vô cầm dụng cụ vá liền, kiểu phản ứng vô điều kiện á”.(cười)
Đi xe đạp như thế này, Quyên cũng học được cách chăm sóc bản thân tốt hơn như hạ sốt và giảm ho chỉ bằng tỏi và dứa. Biết cách lắng nghe cơ thể một cách chính xác. Nhiều khi đang đạp xe mắt liếc ngang dọc ngó đồ ăn là bụng đói rồi, ngó ngó đến chiếc võng, ghế rộng rãi là cơ thể thấm mệt, chớm nghĩ đến chuyện yêu đương là biểu hiện ngày rụng trứng…
Những điều này, chỉ khi Quyên cho mình một khoảng lặng, chậm rãi như lúc đạp xe cô mới có cơ hội nhận ra. Trong khi đó trước kia, vì sống bộn bề lo toan nên chỉ biết đói khi lả đi, biết khát khi cái cổ quá khô hay nhờ cáu gắt mới biết đã gần đến kỳ kinh nguyệt. Những người khác có lẽ cũng như vậy, bởi cơ thể con người luôn phát đi tín hiệu nếu có sự bất thường nhưng có lẽ vì quá bận rộn nên chẳng ai kịp nhận ra, thậm chí biết nhưng cố tình không để ý.
Có những điều cơ thể rất muốn nói nhưng đã bị tâm trí bỏ quên, thực sự rất nguy hiểm.
Tâm trí cũng cần được rèn luyện, nếu không sẽ dễ đi vào lối mòn cũ
Sự “thức tỉnh” của Quyên không hoàn toàn dễ dàng, cô nàng bị trầm cảm lại sau khi đã thông thoáng tư tưởng, đã từng có lúc Quyên muốn tự tử vì nghe thấy tiếng thúc giục từng trong tâm trí vọng lại. Hóa ra, đó là do thói quen hơn 20 năm chưa được thay đổi hoàn toàn. Qua trải nghiệm, Quyên thấy trầm cảm thực ra là trạng thái trái ngược với vui, nó thậm chí còn ở đáy sâu hơn của nỗi buồn. Trong khi đó, não bộ vốn không phân biệt được cảm xúc vui hay buồn, nó chỉ làm theo vật chủ, vật chủ muốn gì thì nó sẽ làm theo như thế.
“Mọi người có thể tưởng tượng khi mình nghe một câu chuyện cười, mình rất vui mà quên hết mọi thứ xung quanh thì nỗi buồn cũng giống như vậy, nó sâu đến mức mình sống cùng với nó luôn. Mình cũng không hiểu vì sao mình vẫn đủ tỉnh táo để nghe được nỗi buồn đó thúc giục mình làm những gì, nó xui mình đi tự tử hoặc khi đọc tin cướp, giết hiếp là sẽ tự trầm hẳn xuống, thất vọng về cuộc sống tràn trề. Nhưng mình không thấy nó sai, vì nó đang làm theo lệnh của mình.
Nỗi buồn cũng như niềm vui, khi mình sống với nó quá lâu thì sẽ như hai người bạn vậy, chỉ có điều, nó mang năng lượng tiêu cực nên mình rồi cũng sẽ chìm dần đi.
Khi hiểu ra đó chỉ là một cách vận hành của trí não. Mình không còn kháng cự việc buồn mà chấp nhận tất cả mọi xúc cảm như lẽ tự nhiên. Những cảm xúc được tuôn trào như một nồi áp suất đầy hơi, buộc xả van để cân bằng. Lúc đó, mình không cần phải khoác bất kì chiếc áo nào nữa. MC long lanh cứ long lanh. Ra ngoài đơn giản, đã đen, mặt tàn nhang cứ tàn nhang. Muốn khóc cứ khóc, muốn vui cứ vui. Khi được là chính mình, mình tin đó là sống.
Vì tự nhiên tạo ra con người là một phần của sự sống. Và với mẹ tự nhiên sự sống vốn dĩ đã đẹp theo cách của riêng nó rồi.
Nhưng điều quan trọng hơn cả đó là mình phải duy trì được phản ứng đó liên tục thì mới được. Nếu chỉ cần ngủ quên một chút thì sẽ ngay lập tức trở về trạng thái giống như trước kia. Đó cũng là lý do cứ mỗi 1 tháng, 2 tháng mình cần phải off tất cả công việc để F5 bản thân. Vì giống hệt như thể chất, tâm trí cũng cần phải rèn luyện”.
Với Quyên, nỗi buồn bây giờ luôn được nhìn qua lăng kính lạc quan, rằng đi qua nó thì trái tim sẽ có thêm nhiều trải nghiệm hơn. Kết thúc câu chuyện, Quyên có nhắc đến một câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy sự tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”.
Pháp luật và bạn đọc