MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

HSBC: Giá nhân công tăng vọt, Trung Quốc đang để mất cơ hội cho Việt Nam!

Với khả năng cạnh tranh ngày càng giảm của Trung Quốc, chủ yếu là do chi phí lương tăng vọt ở đại lục, Việt Nam tiếp tục giành được thị phần toàn cầu, đặc biệt trong ngành điện tử may mặc.

Nhận định trên được đưa ra bởi HSBC mới đây. Theo đó, HSBC cho biết dù trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chậm chạp thì Việt Nam là một trong số ít các quốc gia vẫn duy trì được hoạt động xuất khẩu sôi động.

“Thương mại là động cơ tăng trưởng của Việt Nam”, HSBC cho biết. Hiện, HSBC đánh giá cao hoạt động xuất khẩu của Việt Nam khi cho rằng Việt Nam đang có rất nhiều triển vọng.

Bởi lẽ, chi phí gia tăng khiến Trung Quốc đã không còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp. Nhờ đó, Việt Nam đã và đang trở thành một đối thủ đáng gờm. Trên thực tế, vị trí địa lý Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược cho các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn Đông Nam Á. Có nghĩa là Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu lý tưởng để tiếp cận thị trường trong khối ASEAN – HSBC cho biết.

Một thuận lợi khác nữa là Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động trẻ, với mức lương thấp và kỹ năng tay nghề ngày càng cao.

Cũng theo ngân hàng này, sự hiện diện của các hiệp định thương mại tự do với các thành viên chiến lược đã làm tăng lợi ích cho ngành xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù Hiệp định TPP có khả năng bị huỷ bỏ, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội với các hiệp định thương mại khác, tạo điều kiện cho Việt Nam có cơ hội tiếp cận tốt thị trường quốc tế.

Các hiệp định này bao gồm Hiệp định thương mại tự do EU vừa đàm phán gần đây và những hiệp định thương mại khác thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

“Sự thất bại của Hiệp định TPP chắc chắn là một trở ngại cho Việt Nam, nhưng vẫn dành cho Việt Nam nhiều tiềm năng tăng trưởng. Việt Nam vẫn còn năng lực cạnh tranh cao và tiếp tục được hưởng lợi từ việc Trung Quốc tăng chuỗi giá trị nhanh, dành nhiều cơ hội xuất khẩu có giá trị ở những ngành hàng thấp hơn cho các quốc gia khác mà trước đây hiếm cơ hội đạt được”, báo cáo của HSBC chỉ rõ.

Do vậy, vị trí thương mại của Việt Nam tạm thời vẫn còn tương đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, HSBC nhấn mạnh vào việc Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực cải cách. Ví dụ như Hiệp định TPP đặt ra những đòi hỏi phải thay đổi sâu rộng hành vi của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, lao động, môi trường cũng như quy định sở hữu trí tuệ. Kiên định thực hiện những điều đó ngay cả khi Hiệp định TPP không được thực hiện cũng sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có lợi rất lớn về mặt dài hạn.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên