MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huawei: Từ gã tý hon thành ông lớn với văn hóa "bầy sói"

26-03-2019 - 09:19 AM | Tài chính quốc tế

Trong cuốn sách "Huawei: Leadership, Culture and Connectivity" của tác giả Tian Tao, những cuộc phỏng vấn với các cựu nhân viên của hãng đã cho thấy một văn hóa làm việc khắc khổ, độc đoán và đặt nhu cầu của khách hàng lên trên hết.

Trước năm 2004, không có nhiều hãng di động tại Châu Âu biết đến Huawei Technologies và cũng không coi trọng doanh nghiệp này.

Tuy nhiên mọi chuyện đã thay đổi khi Richard Yu Chengdong, nay là Giám đốc mảng tiêu thụ của Huawei, thực hiện một cuộc hợp tác chiến lược với công ty viễn thông nhỏ của Hà Lan.

Vào thời điểm đó, Telfort là công ty nhỏ nhất trong 4 tập đoàn viễn thông ở Hà Lan và do muốn thâm nhập mảng 3G nên đã đàm phán với Huawei vì muốn có giá rẻ. Cuộc hợp tác này bắt đầu với một số lượng nhân viên rất có hạn ở Châu Âu. Thậm chí Telfort còn không có đủ chỗ để chứa các thiết bị cần thiết cho việc triển khai 3G ở trung tâm dữ liệu của công ty.

Trong khi đó, Huawei với khát khao thâm nhập thị trường Châu Âu đã tích cực thúc đẩy cuộc hợp tác này. Ông Yu khi đó là phó chủ tịch phụ trách mảng viễn thông không dây đã hủy mọi cuộc hẹn để họp với đội nhân viên ở Châu Âu khi đó về Telfort, sau đó quay trở lại Trung Quốc để tìm kiếm giải pháp.

Chưa đầy 1 tuần sau, Huawei đưa ra giải pháp tách đôi trung tâm dữ liệu của Telfort nhằm thu gọn không gian lắp ráp thiết bị cũng như có giá thành rẻ hơn cho vận hành.

Huawei: Từ gã tý hon thành ông lớn với văn hóa bầy sói - Ảnh 1.

Huawei và Telfort ký kết thỏa thuận năm 2004

Telfort đã bị ấn tượng và bản hợp đồng 10 năm trị giá 230 triệu Euro đã được ký trong chưa đầy 1 tháng. Huawei bắt đầu xuất hiện trên bản đồ cung ứng thiết bị công nghệ của Châu Âu.

Năm sau đó, Huawei thắng được hợp đồng cung ứng cho tập đoàn BT Group, tiền thân của British Telecom cũng như ký được thỏa thuận với Vodafone Group, một trong những hãng viễn thông lớn nhất thế giới.

Theo ông Stefan Scheuerle, cựu giám đốc bán hàng của Huawei từng tham gia thương vụ Telfort nhận định Huawei khi đó chưa thực sự là ông lớn ngay cả ở Trung Quốc. Họ chỉ là công ty cung cấp công nghệ được nhiều người biết đến do cung ứng cho China Mobile.

Dẫu vậy, thương vụ Telfort như một cánh cửa mở và kể từ khi ký hợp đồng với cả Vodafone, Huawei được chấp nhận rộng rãi trên toàn Châu Âu.

Ngày nay, Huawei là công ty cung ứng thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và 1 nửa trong số 100 tỷ USD doanh thu của hãng đến từ thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên thị trường Châu Âu, nới Huawei chiếm tới 30% thị phần, đang gặp nhiều thách thức kể từ khi Mỹ hối thúc các quốc gia tại đây cấm hợp tác với Huawei. Lý do là những mối hiểm họa tiềm tàng từ sản phẩm cung ứng, đe dọa đến an ninh quốc gia.

Hiện Mỹ đang cố gắng đảm bảo công nghệ 5G, kỹ thuật cho phép truyền tải dữ liệu nhanh gấp 100 lần công nghệ 4G hiện nay, được cung ứng bởi các đồng minh thay vì những nước lạ với lý do rằng quân đội cũng dùng công nghệ này.

Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ Trung Quốc đang khiến giới diều hâu tại Mỹ lo lắng sẽ trở thành mối nguy hại cho an ninh quốc gia. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc khi cho rằng Mỹ đang sử dụng sức mạnh quốc gia để gây tổn hại cho Huawei, nhiều khách hàng và đối tác của công ty này đã phải đầu hàng.

Huawei: Từ gã tý hon thành ông lớn với văn hóa bầy sói - Ảnh 2.

Doanh số hợp đồng của Huawei (màu vàng là tính riêng tại thị trường nước ngoài) (tỷ USD)

Vodafone mới đây đã tuyên bố ngừng sử dụng thiết bị của Huawei khi triển khai hệ thống viễn thông trên toàn Châu Âu cho đến khi các vấn đề về địa chính trị được giải quyết rõ ràng. Hãng BT cũng đã dỡ bỏ các thiết bị của Huawei khỏi hệ thống. Nhiều tập đoàn khác cũng đang xem xét có nên mua hàng của Huawei không khi rủi ro bị chính phủ cấm sử dụng sản phẩm từ hãng này là khá lớn.

Giờ đây, Huawei không còn trông mong nhiều vào Châu Âu mà hướng đến những thị trường tiềm năng hơn như Trung Đông hay Châu Á. Cũng chẳng thể trách ban lãnh đạo công ty khi Huawei kẹt giữa làn đạn chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Bắt đầu từ 1 công ty nhỏ

Ngày nay Huawei có 170.000 nhân viên tại hơn 170 thị trường nhưng quay trở lại vào năm 1987, tập đoàn này được thành lập chỉ với 21.000 Nhân dân tệ. Nhà sáng lập Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi) là một cựu binh luống tuổi và từng thất bại vài lần trong việc kêu gọi vốn thành lập doanh nghiệp.

Theo Giám đốc điều hành Bengt Nordstrom của Northstream và là cựu CEO của Ericsson, Huawei trông giống như một startup thành công nhờ tuyển dụng những kỹ sư giỏi. Trước năm 2010, hầu như các đối thủ của Huawei đã coi thường tập đoàn này cho đến khi họ nhận ra đang phải đối mặt với một con quái vật khổng lồ từ Trung Quốc.

Trong cuốn sách "Huawei: Leadership, Culture and Connectivity" của tác giả Tian Tao, những cuộc phỏng vấn với các cựu nhân viên của hãng đã cho thấy một văn hóa làm việc khắc khổ, độc đoán và đặt nhu cầu của khách hàng lên trên hết.

Sinh năm 1944 tại một vùng quê nghèo ở Tây Nam tỉnh Guizhou. Từ một giáo viên, ông Nhậm Chính Phi gia nhập quân đội Trung Quốc trong vai trò kỹ sư năm 1974 và được gửi đi xây dựng một nhà máy hóa chất tại Đông Bắc, nơi nhiệt độ có thể xuống -20 độ C về đêm vào mùa đông.

Chính sự khắc khổ này đã định hình bản thân ông Nhậm Chính Phi cũng như Huawei sau này. Tất cả mọi người khi đó phải ngủ trên đất, ăn uống kham khổ trong nhiều tháng để làm việc.

"Chúng tôi học cách chịu đựng khó khăn. Chúng tôi đã học được những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới dù phải sống trong một hoàn cảnh nguyên thủy", ông Nhậm nhớ lại.

Huawei: Từ gã tý hon thành ông lớn với văn hóa bầy sói - Ảnh 3.

Nhà sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi

Tại Trung Quốc, Huawei nổi tiếng với văn hóa "bầy sói" khi không hề sợ hãi và cực kỳ hung hãn trước bất cứ nhiệm vụ nào. Trên thực tế, chính nhà sáng lập Nhậm Chính Phi cũng đã từng nhiều lần công khai tự hào sự quả cảm và chăm chỉ của nhân viên trên truyền thông.

Một ví dụ điển hình là vào ngày 12/5/2008, trận động đất 8 độ Richter tại tỉnh Sichuan khiến 87.000 người chết, hàng nghìn người đã được sơ tán do các dư chấn nhưng những kỹ sư của Huawei vẫn kiên trì bám trụ bảo vệ các thiết bị viễn thông trên một trụ sở của ngọn đồi đang rung lắc.

Ban đầu, Huawei là công ty chuyên mua đi bán lại các thiết bị viễn thông cho tổng đài. Hãng nhập các mặt hàng viễn thông từ Hong Kong về để bán lại cho các văn phòng hoặc khu mỏ ở vùng nông thôn. Thời điểm đó mặt hàng này bán khá chạy khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu bùng nổ và nhu cầu liên lạc tăng cao.

Năm 1991, ông Nhậm đầu tư hết tiền vào phát triển công nghệ viễn thông cho tổng đài của riêng Huawei chứ không muốn nhập từ Hong Kong nữa. Tổng số người của phòng nghiên cứu phát triển Huawei chỉ vào khoảng 50 người.

Vào thập niên 1990, sản phẩm của Huawei thường mang tiếng kém chất lượng nhưng giá lại rẻ và dịch vụ chăm sóc rất tốt. Những thiết bị viễn thông mà Huawei cung cấp thời nay thường hay hỏng nhưng hãng luôn có người túc trực để sửa cho khách hàng và khiến chúng hoạt động lại ngay lập tức. Các nhân viên của Huawei thời kỳ này không bao giờ phàn nàn hay tranh cãi với khách hàng.

Huawei: Từ gã tý hon thành ông lớn với văn hóa bầy sói - Ảnh 4.

Doanh thu của Huawei phân loại theo đối tượng khách hàng (Tỷ Nhân dân tệ)

Huawei: Từ gã tý hon thành ông lớn với văn hóa bầy sói - Ảnh 5.

Doanh thu của Huawei tính theo vị trí địa lý (Tỷ Nhân dân tệ)

Thậm chí đến tận ngày nay, Chủ tịch Duncan Clark của hãng tư vấn BDA China vẫn phải dành lời khen cho chất lượng dịch vụ hậu mãi của Huawei. BDA đã từng nhiều lần hợp tác với Huawei.

Hiện nay, gần 50% nhân viên của Huawei có liên quan đến hoạt động nghiên cứu và số tiền hàng năm công ty chi cho hoạt động này lên tới 20 tỷ USD, cao gấp đôi tổng số ngân sách mà 3 công ty đối thủ trong nước cộng lại.

Số liệu của tập đoàn Dell’Oro Group cho thấy tính đến quý III/2018, Huawei chiếm 28% thị trường cung cấp thiết bị viễn thông toàn cầu, tăng 4 điểm phần trăm so với năm 2015.

Tất nhiên, thành công của Huawei cũng đi kèm nhiều tai tiếng. Gần đây, phía Mỹ buộc tội Huawei ăn cắp công nghệ của T Mobile cũng như vi phạm lệnh cấm vận khi làm ăn với Iran.

Trước đó vào năm 2004, Huawei cũng bị hãng Cisco System của Mỹ kiện do đánh cắp mã nguồn của họ để sử dụng trên sản phẩm của Huawei. Cuối cùng 2 công ty này đã tự giải quyết riêng với nhau.

Theo AB

Nhịp Sống Kinh Tế

Trở lên trên