MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hưng Đạo Container âm vốn chủ sở hữu, cổ phiếu HDO bị hạn chế giao dịch

Kiểm toán cũng từ chối đưa ra kết luận và nêu vấn đề nhấn mạnh đối với BCTC soát xét bán niên 2019 của Hưng Đạo Container.

Sở GDCK Hà Nội vừa thông báo về việc hạn chế giao dịch trên hệ thống Upcom.

Âm vốn chủ sở hữu

Theo đó, từ ngày 10/9/2019 toàn bộ gần 17 triệu cổ phiếu HDO của CTCP Hưng Đạo Container bị hạn chế giao dịch trên Upcom, chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần. Nguyên nhân, do công ty bị âm vốn chủ sở hữu căn cứ theo BCTC bán niên năm 2019 đã được soát xét, thuộc trường hợp chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo quy định.

Theo số liệu trên BCTC soát xét bán niên 2019 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán phía Nam (AASCS), doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 7,34 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Trong khi đó chi phí giá vốn lên đến trên 74 tỷ đồng nên Hưng Đạo Container đã ghi nhận lỗ gộp 66,8 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, gấp 10 lần số lỗ hơn 6 tỷ đồng cùng kỳ.

Thêm các chi phí hoạt động khác, nửa đầu năm Hưng Đạo Container ghi nhận lỗ gần 95 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với số lỗ 12,3 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái – đồng thời tăng lỗ lũy kế lên trên 246 tỷ đồng.

Kết thúc quý 2, Hưng Đạo Container ghi nhận âm vốn chủ sở hữu hơn 66 tỷ đồng.

Kiểm toán từ chối đưa ra kết luận

Kiểm toán từ chối đưa ra kết luận. Cơ sở của việc từ chối đưa ra kết luận – do công ty đang bị cơ quan Thuế phong tỏa tài khoản và thu hồi hóa đơn, dẫn đến việc ghi nhận các khoản doanh thu bán hàng trong kỳ kế toán không chính xác. Dù áp dụng các thủ tục kiểm toán bổ sung nhưng kiểm toán viên cũng không thể xác định được đầy đủ và chính xác các khoản doanh thu bán hàng.

-Bên cạnh đó trong kỳ kế toán của công ty có phát sinh các khoản chi phí với số tiền hơn 77,7 tỷ đồng – là các khoản chi phí không được khấu trừ theo quy định do không có đầy đủ hóa đơn chứng từ và không phù hợp với doanh thu bán hàng.

-Tại BCTC soát xét bán niên 2018, kiểm toán viên đã đưa ra kết luận ngoại trừ là do công ty đang bị cơ quan thuế phong tỏa tài khoản và thu hồi hóa đơn nên có sự chênh lệch thiếu giữa kê khai thuê so với số liệu hạch toán trên sổ sách, trong đó khoản mục doanh tu và thu nhập từ thanh lý tài sản chênh lệch gần 14,4 tỷ đồng, thuế GTGT chênh lệch gần 1,44 tỷ đồng. Cho đến thời điểm kết thúc kỳ kế toán giữa niên độ ngày 30/6/2019 các vấn đề nêu trên vẫn chưa được xử lý và tiếp tục ảnh hưởng đến BCTC giữa niên độ của công ty.

-Trên BCTC kiểm toán năm 2018 (kết thúc ngày 31/12/2018), kiểm toán viên cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ - do tại thời điểm kết thúc niên độ kế toán 31/12/2018, kiểm toán không được tham gia chứng kiến kiểm kê quỹ tiền mặt tại công ty. Bằng các thủ tục kiểm toán thay thế khác, kiểm toán vẫn không đủ cơ sở để xác nhận tính hiện hữu của khoản mục tiền mặt tồn quỹ và vấn đề trên vẫn chưa được xử lý đến 30/6/2019 – làm ảnh hưởng đến BCTC giữa niên độ của công ty.

Vì những nguyên nhân trên, kiểm toán cho rằng "cơ sở của việc từ chối đưa ra kết luận": Kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở đưa ra kết luận về BCTC giữa niên độ, do vậy kiểm toán không thể đưa ta kết luận nào cho BCTC của công ty.

Vấn đề nhấn mạnh: Tổng nợ phải trả lớn hơn tổng tài sản

Trên BCTC giữa niên độ của công ty, kiểm toán cũng nêu vấn đề cần nhấn mạnh – là khoản nợ ngắn hạn của công ty đang lớn hơn tài sản ngắn hạn tại ngày 30/6/2019; Tổng nợ phải trả lớn hơn tổng tài sản. Như vậy công ty sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn. Điều này cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Mạnh Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên