MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hùng Vương đang đầu tư vào những dự án nào?

24-05-2016 - 08:32 AM | Doanh nghiệp

Từ 2015 tới nay, Hùng Vương (HVG) đã đầu tư tới 2.000 tỷ đồng.

Ngay sau khi ra báo cáo tài chính hợp nhất bán niên độ 2016, dư luận đã đặt nhiều nghi ngại đến tình hình tài chính của công ty cổ phần Hùng Vương (HVG). Trao đổi với chúng tôi về vấn đế này, ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc HVG cho biết:

Trước hết, nếu phân tích trên số liệu báo cáo hợp nhất đến ngày 31.3.2016 sẽ thấy, doanh thu cả năm 2015 của HVG chỉ có 12.400 tỷ đồng (tính tròn số), trong khi doanh thu sáu tháng đầu năm 2016 đã là 11.069 tỷ đồng. Một con số tăng trưởng khá ấn tượng. Nếu so sánh hai con số trên thì Hùng Vương đã tăng sản xuất và xuất khẩu tốt hơn cùng kỳ năm ngoái.

Tôi cho rằng, không có một doanh nghiệp nào có thể vừa tăng được doanh số mà vừa giảm được công nợ nếu không có đầu tư. Hùng Vương đã làm được điều này trong 6 tháng qua. Nợ vay ngắn hạn tính đến 31.9.2015 là 7.500 tỷ, thì nợ ngắn hạn đến tháng 3.2016 chỉ còn 7.386 tỷ, giảm 300 tỷ đồng. Trong khi vay dài hạn tính đến 31.9.2015 là 761 tỷ, đến 31.3.2016 là 1.08 ngàn tỷ.

Trong khi đó, đầu tư mới của các công ty con Hùng Vương về lĩnh vực thức ăn tới thời điểm 31.3.2016, như nhà máy Việt Thắng đưa công suất từ 500.000 tấn/năm lên 900.000 tấn/năm và 100.000 tấn kho. Với quy mô đầu tư hoàn toàn bằng công nghệ mới nhập từ châu Âu và Mỹ. Cơ sở vật chất được mở rộng thêm 10 ha, với tổng giá trị đầu tư hơn 700 tỷ đồng tại Lai Vung và Sa Đéc.

Năm 2016, Việt Thắng tiếp tục triển khai đầu tư trại heo giống trên 200 tỷ đồng có quy mô 1.800 con cụ kỵ lớn nhất ở Việt Nam. Dự kiến tháng 7 năm nay sẽ đưa heo giống về từ Đan Mạch. Bên cạnh đó, Việt Thắng cũng đồng thời xây dựng trại heo bố mẹ quy mô 10.000 con ở Bình Định, tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng. Và triển khai thực hiện xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Long An với công suất 500.000 tấn năm theo công nghệ mới nhất, (Trong chế biến thức ăn không sử dụng kháng sinh bằng hệ thống công nghệ nấu chín)

Ngoài ra, các công ty con của Hùng Vương như FMC cũng đang mở rộng diện tích nuôi tôm và chế biến. AGF tăng diện tích nuôi cá tra từ 200 ha lên 300 ha; HVG mở rộng thêm 100 ha. Tính đến thời điểm này, diện tích nuôi cá của tập đoàn Hùng Vương đã lên đến 800 ha với sản lượng 300.000 tấn nguyên liệu/năm… Song song đó, công ty đã đầu tư và mở rộng hai nhà máy chế biến cá tra ở Sa Đéc và Bến Tre với tổng vốn trên 650 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu năm 2016 khi Việt Nam thực hiện các hiệp định TPP, FTA với châu Âu, liên minh thuế quan và thị trường Asean mở rộng...Đây là kế hoạch đón đầu để hiện thực chiến lược doanh số đến 2018 là 35.000 tỷ đồng.

Do đó, tôi khẳng định tình hình công nợ của Hùng Vương tăng thêm 1.000 tỷ đồng so với tổng số tiền các công ty con bỏ ra trên 2.000 tỷ đồng để đầu tư mới trong năm 2015 và 2016 cho thấy hoạt động của công ty mỗi ngày một tốt hơn. Điều này thể hiện rất rõ qua doanh số đang có bước tăng trưởng vượt bậc. Năm nay, tiêu chí doanh số 25.000 tỷ nhiều khả năng sẽ đạt được và như vậy đã tăng gấp đôi so với 2015. Tổng giá trị đầu tư mới của Hùng Vương tăng hơn 2.000 tỷ đồng là chiến lược đầu tư đúng mục đích theo quy trình khép kín phục vụ sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Với khoản đầu tư 2.000 tỷ từ 2015 đến nay, công ty đã tiết kiệm được 30-40% giá trị do chênh lệch giá vật tư thiết bị và phần lớn chi phí đất đai.

Thưa ông, nhà đầu cũng cho rằng lợi nhuận của Hùng Vương chưa tương xứng với doanh số tăng trưởng?

Rõ ràng, tỷ lệ lợi nhuận trên doanh số thấp do quá trình đầu tư chưa hoàn tất và có nhiều dự án chưa đi vào hoạt động. Theo kế hoạch, từ tháng 6.2016, nhà máy thức ăn Việt Thắng mở rộng sẽ đưa vào sản xuất để tăng sản lượng. Trại heo dự kiến cũng sẽ hoạt động từ tháng 7.2016 tại An Giang và tháng 11 tại Bình Định. Riêng nhà máy thức ăn chăn nuôi Long An dự kiến hoạt động quý 1.2017.

Tại thời điểm này, chúng tôi đang có lợi thế nguyên liệu giá rẻ để phục vụ sản xuất, xuất khẩu như giá thành nuôi cá chỉ nằm ở biên độ 19.000 đồng/kg. Năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ có trong tay 300.000 tấn cá nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, Hùng Vương đã chốt mua 493.000 tấn bánh dầu đậu nành. Hàng về từ tháng 5.2016 đến tháng 2.2017. Chênh lệch giữa giá mua vào và giá giao dịch tại thị trường hiện nay bình quân là 80 USD/tấn, tương đương trên 40 triệu USD. Điều này cho thấy nhà máy thức ăn Việt Thắng sẽ có sức cạnh tranh giá nguyên liệu đầu vào như bánh dầu đậu nành thấp hơn thị trường 2.000 đồng/kg; cám gạo đã mua trước 70.000 tấn, giá bình quân 5.000 đồng/kg, thấp hơn 700 đồng/kg.

Ngoài con cá tra, dự kiến năm 2016 công ty sẽ có 2.000 tấn tôm nuôi liên kết với thủy sản Bến Tre. Đến đầu tháng 6 tới đây, với 128 ao nuôi đợt 1 sẽ có 97% diện tích thu hoạch. Với giá tôm hiện ở mức 110.000 đồng/kg loại 100 con thì năm nay Hùng Vương sẽ thu về lợi nhuận khoảng 50 tỷ đồng.

Nhìn chung các lĩnh vực như thức ăn, nuôi và chế biến cá tra cũng như con tôm đều mang lại hiệu quả cao trong năm 2016. Bên cạnh đó, công ty sẽ hạch toán 50% lợi nhuận từ kinh doanh bánh dầu đậu nành (20 triệu USD) vào kết quả kinh doanh 2016. Như vậy, dù chưa kết thúc năm, nhưng tôi khẳng định năm nay Hùng Vương sẽ hoàn thành cả ba tiêu chí: nợ vay giảm, lợi nhuận và doanh số tăng.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 18.5, Hùng Vương ký biên bản ghi nhớ trong việc hợp tác đầu tư với Russian Fish Joint Stock Company của Nga. Trong thương vụ này, Hùng Vương chi 15 triệu USD để sở hữu 51% vốn tại Russian Fish. Dự kiến giao dịch sẽ hoàn thành vào cuối tháng 7 tới đây khi giấy phép của nhà nước Nga đồng ý.

Phương Thảo

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên