MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hướng dẫn viên du lịch tự do mỏi mòn chờ hỗ trợ

Hướng dẫn viên du lịch tự do mỏi mòn chờ hỗ trợ

Nhiều hướng dẫn viên du lịch dù đủ điều kiện nhưng vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ các gói an sinh xã hội. Bên cạnh đó, hàng nghìn hướng dẫn viên tự do có khả năng không nhận được hỗ trợ do việc triển khai quy định còn nhiều vướng mắc.

Sống lay lắt

Anh Lưu Việt Dũng (sinh năm 1988, quê Thái Nguyên) có 10 năm kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch cho khách Việt đi nước ngoài. “Trước đây, tôi thường thức khuya dậy sớm, di chuyển đường dài, rất ít có thời gian ở nhà. Thu nhập ổn định ở mức 700.000- 800.000 đồng/ngày (đi tua ngày nào được tính lương ngày đó). Thu nhập bình quân 1 tháng được khoảng 20 triệu đồng”, anh Dũng nói. Hầu hết hướng dẫn viên đều lâm vào cảnh khốn khó. Bản thân Dũng phải bán hàng online thuê để kiếm sống.

“Vợ chồng tôi đều làm trong lĩnh vực dịch vụ nên khi dịch bùng phát, cả 2 đều thất nghiệp. Trong khi đó, hằng tháng, tôi vẫn phải trả nợ tiền vay ngân hàng mua nhà và nuôi con nhỏ. Đồ ăn phải nhờ viện trợ của bố mẹ ở quê gửi lên. Tuy nhiên, sống ở Hà Nội, nhiều khoản phải chi như tiền điện, nước… Hà Nội giãn cách khiến gia đình sống lay lắt và không biết bao giờ mới được đi làm trở lại”, anh Dũng nói.

Ông Bùi Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam cho biết, khoảng 9.700 người đủ các điều kiện để nhận hỗ trợ 1 lần mức 3,71 triệu đồng/người từ gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng. Trong khi đó, có 17.300 hướng dẫn viên tự do không làm việc cố định tại doanh nghiệp lữ hành nào và cũng không vào hiệp hội sẽ phải đợi xem xét mới được hưởng khoản hỗ trợ.

Sau khi nhận được tin hướng dẫn viên sẽ được hỗ trợ 3,71 triệu đồng, anh Dũng rất mừng nhưng khi soi vào điều kiện và thủ tục để nhận, anh chạnh lòng. “Hướng dẫn viên có hợp đồng dài hạn với Cty rất ít, chủ yếu họ làm tự do với loại hình hợp đồng theo tua hay còn gọi là làm theo vụ việc từ 1 ngày đến 15 ngày. Theo điều kiện để một lao động được nhận hỗ trợ, họ phải có hợp đồng lao động, rất ít người đáp ứng được. Còn tham gia hội hướng dẫn viên du lịch, nhiều người không muốn, vì họ đã có thẻ hướng dẫn viên do cơ quan Nhà nước cấp rồi. Hướng dẫn viên tham gia các hội được thừa nhận chắc chỉ khoảng 20% số hiện có”, anh Dũng cho hay.

Còn anh Nam Tiến (sinh năm 1985 quê Thái Bình) có thâm niên gắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch hơn 10 năm. Năm 2010, anh có thẻ hướng dẫn viên quốc tế. Để trụ lại ở Hà Nội, 2 năm nay, anh Tiến nhận việc giao hàng. Tuy nhiên, khi Hà Nội giãn cách, anh cũng không thể làm nghề này được, khiến cuộc sống bấp bênh nơi căn phòng trọ chật hẹp.

“Hiện nay, chúng tôi đều có một thẻ hướng dẫn viên do Sở Du lịch thành phố cấp và mong muốn với điều kiện đó cũng có thể nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, hầu hết hướng dẫn viên chỉ có hợp đồng thời vụ cũng mong Nhà nước xem xét hỗ trợ”, anh Tiến nói.

Số được hỗ trợ rất ít

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại, cơ quan này mới nhận được 43 hồ sơ của hướng dẫn viên du lịch. Trong đó, 22 hồ sơ được phê duyệt, 17 hồ sơ đề nghị bổ sung, chỉnh sửa và 4 hồ sơ đang thẩm định. Theo đại diện sở này, các hồ sơ chưa đạt yêu cầu, đa phần vướng mắc bởi hợp đồng lao động. Theo đó, hướng dẫn viên ký hợp đồng lao động dưới 1 tháng và không phải hội viên hội du lịch dù có thẻ hành nghề đều không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Cty Flamingo Redtours, do dịch bệnh kéo dài nên hầu hết các Cty cho hướng dẫn viên thôi việc để làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp. Tới nay, hướng dẫn viên muốn xin hỗ trợ phải tự làm thủ tục và xác nhận thông qua Hội Hướng dẫn viên du lịch, Cty không xin hỗ trợ thay được.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết, đơn vị đã lập danh sách gửi hồ sơ hướng dẫn viên du lịch lên Sở Du lịch Hà Nội và đang chờ thẩm tra.

Theo Ngọc Mai

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên