MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Huyền thoại bán khống" trong "The big short" cảnh báo lạm phát hạ nhiệt, Fed sẽ sớm ngừng tăng lãi suất

29-06-2022 - 11:54 AM | Tài chính quốc tế

"Huyền thoại bán khống" trong "The big short" cảnh báo lạm phát hạ nhiệt, Fed sẽ sớm ngừng tăng lãi suất

Burry dự đoán hiệu ứng "cái roi da" sẽ buộc các nhà bán lẻ phải giảm giá hàng hóa để giải phóng hàng tồn kho, tạo ra áp lực giảm phát và khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hạ nhiệt vào cuối năm nay.

Mới đây, Michael Burry, nhà sáng lập của quỹ quản lý tài sản Scion Asset Management và cũng là hình mẫu cho bộ phim nổi tiếng "The Big Short", vừa đưa ra lời cảnh báo đáng chú ý trên Twitter.

Theo ông, hiệu ứng "cái roi da" (Bullwhip Effect) đang diễn ra trong ngành bán lẻ có thể khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải đảo ngược tiến trình tăng lãi suất cũng như chính sách thắt chặt định lượng mà NHTW này đang áp dụng để đối phó với lạm phát.

"Hãy cứ giữ chúng"

Dòng tweet của Burry dẫn bài báo đăng trên CNN viết về 1 hiện tượng lạ đang xảy ra ở Mỹ. Đối mặt với giá xăng cao kỷ lục và cuộc khủng hoảng vẫn chưa có hồi kết của chuỗi cung ứng, các nhà bán lẻ Mỹ đang xem xét áp dụng chính sách kỳ lạ: thay vì trả lại những món đồ không mong muốn, khách hàng hãy cứ giữ chúng mà vẫn được hoàn lại tiền.

Vài tuần gần đây, một vài chuỗi siêu thị lớn như Target, Walmart, Gap, American Eagle Outfitters cho biết họ đang có quá nhiều hàng tồn kho và tốn rất nhiều tiền để lưu trữ chúng. Vì thế thay vì nhận lại hàng và khiến núi hàng tồn ngày càng cao thêm, các cửa hàng đang cân nhắc lựa chọn kể trên.

Huyền thoại bán khống trong The big short cảnh báo lạm phát hạ nhiệt, Fed sẽ sớm ngừng tăng lãi suất  - Ảnh 1.

Thông thường có một vài cách để xử lý những món hàng bị trả lại. Sau khi đánh giá lại những món hàng đó, nếu hàng vẫn ở trong tình trạng tốt, các nhà bán lẻ lại đặt chúng trở lại kệ và bán ở mức giá thấp hơn, thậm chí có lúc giữ nguyên giá.

Còn nếu hàng bị hỏng, họ sẽ sửa lại và bán với giá rẻ hơn hoặc giao cho các bên chuyên bán hàng thanh lý. Trong nhiều trường hợp, hàng có thể được thanh lý ở những thị trường nước ngoài như châu Âu, Canada hay Mexico.

Với tình trạng thiếu container và các cảng tắc nghẽn như hiện nay, gửi hàng ra nước ngoài thực sự không phải là 1 lựa chọn. Cuối cùng các nhà bán lẻ có thể thuê bên thứ ba xử lý tất cả lượng hàng bị trả lại.

Tuy nhiên tất cả các lựa chọn này đều khiến các nhà bán lẻ phải chịu thêm chi phí. Với mỗi USD doanh thu, nhà bán lẻ thu về lợi nhuận ròng từ 1 đến 5 cent. Tuy nhiên với hàng bị trả lại thì mỗi USD khiến nhà bán lẻ phải tiêu tốn từ 15 đến 30 cent để xử lý.

Thực chất chính sách vẫn hoàn tiền cho khách mà không thu hàng về không phải là mới. Amazon đã áp dụng từ cách đây vài năm. Đây sẽ là lựa chọn khôn ngoan đối với một số loại sản phẩm có giá không cao nhưng lại cồng kềnh và tốn chi phí vận chuyển, ví dụ như đồ nội thất, đồ gia dụng trong bếp, các sản phẩm trang trí nhà cửa, ghế ăn em bé, xe đẩy.

Còn đối với những sản phẩm như đồ chơi trẻ em, giày dép, khăn tắm, ga giường, nhà bán lẻ thường phải tốn chi phí vệ sinh.

Hiệu ứng Bullwhip liệu có gây ra áp lực giảm phát?

Theo Burry, tình trạng thừa mứa nguồn cung của ngành bán lẻ hiện nay chính là "hiệu ứng cái roi da" (Bullwhip Effect). Đây là hiện tượng dự báo về nhu cầu của thị trường cho một sản phẩm bị sai lệch đáng kể hay khuếch đại lên qua từng khâu trong chuỗi cung ứng, dẫn đến nguồn cung biến động mạnh và dư thừa tồn kho, từ đó ảnh hưởng đến giá cả của sản phẩm đồng thời làm bóp méo thị hiếu thực tế của thị trường.

Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành bán lẻ Mỹ phải đối mặt với hiện tượng này. Những diễn biến không thể đoán trước của dịch bệnh khiến tất cả các bên, từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến người bán buôn và bán lẻ khó có thể dự đoán chính xác nhu cầu của thị trường.

Ví dụ, khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng đổ xô tích trữ hàng hóa khiến các siêu thị trống trơn và không có đủ hang để bán. Tuy nhiên khi dịch bệnh đã được kiểm soát thì nhu cầu lại trở lại bình thường nhưng vì tất cả các khâu trên chuỗi cung ứng đều tăng lượng cung nên dẫn đến số lượng tồn kho cực lớn và trở thành 1 gánh nặng khổng lồ.

Burry dự đoán hiệu ứng cái roi da sẽ buộc các nhà bán lẻ phải giảm giá hàng hóa để giải phóng hàng tồn kho, tạo ra áp lực giảm phát và khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hạ nhiệt vào cuối năm nay. Cuối cùng điều này dẫn đến Fed đảo ngược tiến trình tăng lãi suất cũng như chính sách thắt chặt định lượng.

This supply glut at retail is the Bullwhip Effect. Google it. Worth understanding for your investing endeavors. Deflationary pulses from this- -> disinflation in CPI later this year --> Fed reverses itself on rates and QT --> Cycles. https://t.co/PHCgoOOvlD

— Cassandra B.C. (@michaeljburry) June 27, 2022 " data-style="align-center">

Vấn đề hàng tồn kho đã nổi lên từ nhiều tháng nay, nhưng trong vòng 1,2 tuần trở lại đây áp lực giảm phát mới bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Kể từ 9/6 đến nay, chỉ số Bloomberg Commodity Index theo dõi các loại hàng hóa đã giảm hơn 10%. Kim loại, năng lượng và nông sản đều giảm giá đáng kể so với đỉnh. Khi các nhà đầu cơ nhận ra lạm phát là không thể tránh khỏi, phản ứng ban đầu sẽ là tích trữ điên cuồng và chỉ số Bloomberg Commodity đã tăng 43% so với thời điểm đầu tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên giờ thì đà tăng đang dần được đảo ngược.

Theo dữ liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 27/6, trong tháng 5 lượng đơn đặt hàng lâu bền đã tăng 0,7%, mạnh hơn dự báo. Tuy nhiên các dữ liệu kinh tế khác đều cho thấy bức tranh khá ảm đạm. Chỉ số GDPNow Index mà Fed Atlanta thống kê cho thấy quý II kinh tế Mỹ không tăng trưởng. Khảo sát mà Fed Dallas thực hiện cho thấy kỳ vọng của các nhà sản xuất ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, khi đại dịch bắt đầu bùng phát.

Do đó giới phân tích dự báo nhiều khả năng chỉ số CPI tháng 6 (sẽ được công bố vào ngày 13/7) sẽ ở mức dễ chịu hơn so với con số kỷ lục 8,6% của tháng 5.

Trong các đợt lạm phát trước đây, Fed phải tăng lãi suất nhanh hơn so với tốc độ tăng giá cả để hạ nhiệt lạm phát. Nhưng lần này câu chuyện sẽ khác. Theo Jared Dillian, chiến lược gia đang làm việc tại Mauldin Economics, tình trạng lạm phát hiện nay xuất phát từ những nguyên nhân mang tính tạm thời như nới lỏng định lượng, chi tiêu của chính phủ và tích trữ vì đại dịch. Giờ đây tất cả những nguyên nhân này đang đảo chiều và do đó lạm phát sẽ hạ nhiệt.

Vậy thì khi nào Fed sẽ ngừng tăng lãi suất? Mới đây Fed cho biết sẽ "quay xe" nếu như chỉ số CPI giảm trong vài tháng liên tiếp. Do đó theo Dillian, sớm nhất Fed sẽ ngừng tăng lãi suất sau cuộc họp chính sách được tổ chức vào nửa cuối tháng 9. Và "ngừng" có nghĩa là lãi suất sẽ tăng 0,25 điểm cơ bản thay vì 50 – 75 điểm cơ bản.

Tham khảo Bloomberg, CNN

https://cafef.vn/huyen-thoai-ban-khong-trong-the-big-short-canh-bao-lam-phat-ha-nhiet-fed-se-som-ngung-tang-lai-suat-20220629110903977.chn

Thu Hương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên