IEA: Giá dầu đang thoái trào do sản lượng hồi phục nhanh
Nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu bị thắt chặt đã đẩy giá tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 7 năm. Tuy nhiên, “sóng tăng giá” này bắt đầu thoái trào do sản lượng hồi phục ở Mỹ và các nước khác.
- 17-11-2021Thị trường ngày 17/11: Giá dầu vẫn diễn biến trái chiều, vàng, đồng, sắt thép, cao su và cà phê đồng loạt giảm
- 16-11-2021Thị trường ngày 16/11: Giá dầu diễn biến trái chiều, vàng cao nhất 5 tháng, đồng, quặng sắt và thép cùng giảm
- 13-11-2021Giá giảm 3 tuần liên tiếp, "bong bóng dầu mỏ" có xì hơi?
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo vừa công bố cho biết, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng nguồn cung dần bắt kịp nhu cầu, và sự thay đổi về mức dự trữ dầu của Mỹ trong tháng 10 cho thấy "thủy triều có thể đang đổi hướng".
Nếu dự báo này của IEA chính xác và giá dầu sắp giảm thì sẽ giúp giảm đáng kể áp lực cho người tiêu dùng – vốn đang phải chịu đựng lạm phát giá cao kỷ lục nhiều năm.
"Thị trường dầu mỏ thế giới vẫn trong tình trạng nguồn cung bị thắt chặt bởi nhiều yếu tố, song sự phục hồi nguồn cung sau đợt tăng giá gần đây có thể sắp xảy ra", "Sản lượng ở Mỹ đang tăng lên song song với đà đi lên của giá dầu", báo cáo của IEA viết.
Sản lượng dầu của Mỹ hồi phục sau những đợt bão lớn.
Sản lượng dầu toàn cầu đã tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2021 và dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm nữa trong các tháng 11 và tháng 12 khi Vịnh Mexico khôi phục nguồn cung – đã từng bị tạm dừng bởi cơn bão Ida.
Các nhà khoan đá phiến của Mỹ cũng đang tận dụng cơ hội giá dầu tăng để tăng cường khả năng khoan tìm dầu. IEA cho biết những thùng dầu tăng thêm này đang được đưa vào dòng chảy nguồn cung, khi liên minh OPEC + tiếp tục phục hồi hoạt động xuất khẩu mà họ đã kiềm chế trong thời gian đại dịch.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn tương lai trên sàn London (một chỉ báo giá dầu tham chiếu cho dầu mỏ toàn cầu) tháng 10 đã tăng vượt 86 USD/thùng do sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ sau đại dịch Covid-19 và thiếu hụt khí đốt thiên nhiên khiến nhiều nhà máy điện chuyển hướng sang sử dụng dầu làm nhiên liệu. Kể từ đó, giá đã giảm xuống dưới 83 USD trong bối cảnh Mỹ dự định sẽ hành động để hạ nhiệt giá nhiên liệu.
Tổng thống Joe Biden đã xem xét kế hoạch sử dụng dầu từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) từ chối lời kêu gọi của ông về việc khôi phục sản xuất nhanh chóng. Liên minh dầu mỏ do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu này đã bác lời kêu gọi của ông Biden với lập luận rằng họ nên áp dụng cách tiếp cận dần dần (nâng sản lượng từ từ) bởi nhu cầu vẫn còn mong manh.
Tổng thư ký OPEC, Mohammad Barkindo, hôm thứ Ba (16/11) một lần nữa nhắc lại quan điểm của nhóm rằng thị trường dầu toàn cầu sắp quay trở lại dư thừa, có thể từ tháng tới.
Kể cả khi không triển khai kế hoạch rút dầu từ kho Dự trữ quốc gia, Mỹ vẫn đang dẫn đầu thế giới về tốc độ hồi phục nguồn cung dầu mỏ.
Các dự báo của IEA về thị trường dầu năm 2021 gần như không thay đổi so với dự báo trước.
Về năm 2022, IEA dự báo giá dầu thô Brent trung bình sẽ ở mức 79,40 USD/thùng (tăng so với mức 76,8 USD dự báo trong báo cáo trước đây), và cho biết những đợt tăng giá sắp tới sẽ không mạnh bởi giá cao kỷ lục 3 năm vào tháng trước đã thúc đẩy sản xuất dầu trên toàn cầu.
Giá dầu Brent trung bình năm 2021 được IEA dự báo là 71,50 USD/thùng, cũng tăng so với mức 70,4 USD dự báo trước đây. Giá dầu trung bình từ đầu năm đến nay đã vượt qua mức 80 USD đạt được vào năm 2014.
Giá dầu Brent trung bình hàng năm từ 2076 đến 2021.
IEA cho rằng rằng phần lớn nguồn cung dầu tăng trong thời gian tới sẽ do Mỹ. Theo đó, tổ chức này đã nâng dự báo về mức tăng sản lượng dầu của nước này trong quý IV thêm 300.000 thùng/ngày và năm 2021 thêm 200.000 thùng/ngày, nâng mức tăng sản lượng dầu Mỹ năm 2022 lên 1,1 triệu thùng/ngày, chiếm 60% tổng mức tăng sản lượng của các nước ngoài OPEC+.
Cuối tháng 8, một cơn siêu bão đã tàn phá trung tâm sản xuất dầu chính của Mỹ ở Bờ Vịnh nước này, nhưng sản lượng đã hồi phục nhanh trong thời gian gần đây.
Mặc dù vậy, IEA cho biết sản lượng của Mỹ, mặc dù tăng cao, sẽ không trở lại mức trước đại dịch cho đến cuối năm sau. Mỹ sẽ chiếm tới 60% nguồn cung ngoài OPEC + vào năm 2022.
Tổng cung dầu của Mỹ.
IEA không thường xuyên công khai chi tiết mức dự đoán về giá như lần này. "Chúng tôi công bố các giả định của mình về giá bởi cho rằng điều đó có thể hữu ích cho việc thị trường hiểu rõ dự báo của chúng tôi", IEA cho biết trong một tuyên bố. "Khi giá dầu ngày càng tăng như hiện nay thì bắt đầu có tác động đáng kể đến nhu cầu."
Cán cân cung – cầu dầu mỏ thế giới.
Dự trữ đầu của các nước OECD trong tháng 9 đã giảm 51 triệu thùng, ít hơn nhiều so với mức giảm trung bình trên 250 triệu thùng của 5 năm gần đây nhưng đã chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015. Những dữ liệu sơ bộ cho thấy dự trữ dầu của OECD trong tháng 10 tăng nhẹ.
Tổng dự trữ dầu của OECD.
IEA cho biết: "Nhu cầu dầu toàn cầu đang tăng lên do tiêu thụ xăng dầu mạnh mẽ và hoạt động giao thông quốc tế ngày càng tăng khi ngày càng nhiều quốc gia mở cửa trở lại biên giới của mình".
Tuy nhiên, tổ chức này cũng cho biết sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 mới ở Châu Âu, hoạt động sản xuất công nghiệp yếu đi và giá dầu tăng quá cao có thể sẽ làm giảm nhu cầu dầu trong thời gian tới.
Đó là lý do khiến IEA vẫn giữ triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2021 ổn định ở 5,5 triệu thùng/ngày và năm 2022 ở 3,4 triệu thùng/ngày.
Tham khảo: Bloomberg, Reuters