MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IFC “chia tay” Điện Gia Lai (GEG), một tổ chức nước ngoài nâng sở hữu lên trên 35%

IFC “chia tay” Điện Gia Lai (GEG), một tổ chức nước ngoài nâng sở hữu lên trên 35%

Cổ phiếu GEG đã tăng gần 36% từ đáy nhưng vẫn thấp hơn 50% so với đỉnh đạt được vào đầu tháng 3 năm nay. Ước tính tại mức thị giá hiện tại, lô cổ phiếu IFC “sang tay” cho AVH có giá trị thị trường lên đến hơn 570 tỷ đồng.

International Finance Corporation (IFC) vừa thông báo đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 44,2 triệu cổ phiếu GEG, tương ứng 13,74% vốn của CTCP Điện Gia Lai (mã GEG) trong phiên 7/12. Sau giao dịch, IFC không còn là cổ đông của GEG. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận ngoài sàn (qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam – VSD).

Bên nhận chuyển nhượng là AVH Pte. Ltd (Singapore) – một cổ đông lớn khác của Điện Gia Lai. Cùng ngày 7/12, tổ chức này còn nhận chuyển nhượng thêm hơn 1,9 triệu cổ phiếu từ bà Trần Tiểu Phụng. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của AVH tại Điện Gia Lai đã tăng lên 35,1% tương ứng nắm giữ xấp xỉ 113 triệu cổ phiếu.

IFC “chia tay” Điện Gia Lai (GEG), một tổ chức nước ngoài nâng sở hữu lên trên 35% - Ảnh 1.

Trước đó, vào giữa tháng 8/2022, Nikkei đã đưa tin Tập đoàn JERA Nhật Bản và JERA Asia sẽ đầu tư 15 tỷ Yen (khoảng 112 triệu USD) vào Điện Gia Lai với mục đích khai thác nhu cầu điện đang gia tăng ở Việt Nam và thúc đẩy các nỗ lực cắt giảm khí thải carbon. Theo đó, JERA Asia sẽ nhận chuyển nhượng phần vốn góp từ IFC và Quỹ Đầu tư Năng lượng Tái tạo Armstrong Asset Management để sở hữu 35,1% cổ phần tại GEG.

Theo Nikkei Asia, thương vụ này diễn ra trong bối cảnh JERA đặt mục tiêu tăng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái sinh lên 5.000 MW vào năm 2025. Việc mua cổ phần của GEC sẽ giúp bổ sung thêm 190 MW điện tái sinh cho JERA, giúp nâng tổng công suất phát điện tái sinh của công ty này lên 1.900 MW.

Như vậy, thương vụ đầu tư của “gã khổng lồ” ngành điện Nhật Bản vào Điện Gia Lai có vẻ vẫn chưa được thực hiện. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng, AVH chỉ là bên trung gian gom cổ phần GEG trước khi “sang tay” lại cho JERA.

Thương vụ chuyển nhượng diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu GEG vừa có nhịp hồi mạnh từ giữa tháng 11. GEG kết phiên 8/12 tại 12.950 đồng/cổ phiếu, tăng gần 36% từ đáy nhưng vẫn thấp hơn 50% so với đỉnh đạt được vào đầu tháng 3 năm nay. Ước tính tại mức thị giá hiện tại, lô cổ phiếu IFC sang tay cho AVH có giá trị thị trường lên đến hơn 570 tỷ đồng.

IFC “chia tay” Điện Gia Lai (GEG), một tổ chức nước ngoài nâng sở hữu lên trên 35% - Ảnh 2.

Trước đó, vào tháng 9, HĐQT GEG hoàn thành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và công bố nghị quyết thực hiện các thủ tục về việc phát hành hơn 64 triệu cổ phiếu ưu đãi (tương ứng vốn điều lệ tăng lên 642 tỷ đồng) cho Ngân hàng DEUTSCHE INVESTITIONS - UND (DEG) sau hơn 1 năm thực hiện thẩm định và đàm phán. Khoản tiền thu được dùng bổ sung vốn lưu động, đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo theo chiến lược đã đề ra.

Cổ phần ưu đãi cổ tức có thời hạn tối đa 6 năm, mức cổ tức được tính với công thức bằng 6% nhân với tỷ lệ điều chỉnh (tỷ lệ được quyết định bởi ĐHĐCĐ trước khi cổ tức ưu đãi được chi trả). Nhà đầu tư nắm giữ cổ phần ưu đãi được phép chuyển đổi thành cổ phần phổ thông tại bất kỳ thời điểm nào sau khi tròn 24 tháng cho đến trước thời điểm tròn 72 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Giá chuyển đổi sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu GEG tại thời điểm chào bán cổ phần ưu đãi.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên