MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IMF cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tài chính mới

16-04-2016 - 20:03 PM | Tài chính quốc tế

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi những hành động khẩn thiết để ngăn chặn nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính mới có thể xảy ra trong vòng 5 năm tới.

1/3 các ngân hàng trong khu vực đồng euro có nguy cơ phải đóng cửa do làm ăn không có lãi, những quan ngại xung quanh việc chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc, và khả năng Anh rời khỏi EU được đánh giá là những nguy cơ lớn cho ngành tài chính toàn cầu.

Theo tờ Guardian (Anh), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nêu bật những rủi ro có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới trong vòng 5 năm tới như những năm 2008-2009 khi cảnh báo sản lượng toàn cầu có thể giảm 4% trong giai đoạn này.

"Quả bom" ngân hàng châu Âu

Để ngăn chặn nguy cơ này, IMF đã kêu gọi cần phải có hành động khấp thiết để tháo gỡ những vấn đề của các ngân hàng trong khu vực đồng euro bởi 1/3 các ngân hàng tại đây đang gặp nhiều thách thức đáng kể để có thể duy trì hoạt động có lợi nhuận.

IMF cho biết, thị trường khu vực đồng tiền chung châu Âu chịu sức ép bởi những vấn đề pháp lý tồn tại bấy lâu. Do vậy, không thể trì hoãn việc tìm ra một phải giải pháp toàn diện hơn để giải quyết những vấn đề của các ngân hàng châu Âu.

Theo tổ chức này, khu vực euro cần phải có một chiến lược tổng thể để giải quyết 900 tỉ euro nợ xấu đang nằm trong sổ sách của các ngân hàng này và các ngân hàng này cũng cần giải quyết vấn đề năng lực dư thừa. Các hệ thống ngân hàng trong khu vực euro chịu nhiều thiệt hại nhất trong tháng 2/2016 phải kể đến Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha cùng với một số ngân hàng lớn của Đức do những vấn đề như các vấn đề cơ cấu hay năng lực ngân hàng quá tải, tỉ lệ nợ xấu cao và các mô hình kinh doanh ít được điều chỉnh.”

Những đe doạ đối với sự ổn định tài chính toàn cầu ngày càng gia tăng kể từ cuối năm ngoái, vì vậy theo IMF cần phải có những biện pháp bổ sung để đưa ra một tập hợp chính sách hiệu quả và cân bằng hơn nhằm góp phần cải thiện tăng trưởng, lạm phát và bảo đảm ổn định tài chính.

IMF cho biết thêm rằng các nhà đầu tư có thể đòi hỏi tỉ lệ lãi suất cao hơn và các điều kiện tài chính khắc nghiệt hơn có thể dẫn tới niềm tin bị lung lay, tăng trưởng thấp, lạm phát leo thang và nợ tăng.”

Sự vững chắc tài chính có thể bị xói mòn đến mức có thể gây ảnh hưởng đến cả tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính. Nếu điều đó xảy ra, sản lượng toàn thế giới có thể giảm 3,9% vào năm 2020 so với mức dự báo hiện nay của IMF. Theo ông José Viñals, chuyên gia tư vấn tài chính của IMF, tỉ lệ giảm sút này tương đương với tỉ lệ tăng trưởng của một năm.

Báo cáo sự ổn định tài chính toàn cầu của IMF cho thấy các ngân hàng ở các quốc gia phát triển trong những năm gần đây đã trở nên an toàn hơn và hiện nay có khả năng chống đỡ tốt hơn với những căng thẳng về tài chính. Tuy nhiên, các ngân hàng này đã chịu sức ép của thị trường vào đầu năm nay và điều đó phản ánh những quan ngại về các mô hình kinh doanh trong một giai đoạn tăng trưởng kinh tế đình trệ.

IMF cho biết, khoảng 15% các ngân hàng ở các nền kinh tế tiên tiến đã gặp nhiều thách thức trong việc duy trì hoạt động có lợi nhuận mà không tiến hành cải cách. Theo IMF, khả năng đạt lợi nhuận kém đi và những vấn đề về pháp lý chưa được giải quyết làm tăng nguy cơ rằng vốn từ bên ngoài và hoạt động cấp vốn có thể trở nên đắt đỏ hơn, đặc biệt đối với các ngân hàng yếu có giá cổ phiếu rất thấp. Ví dụ, các ngân hàng Italia đối mặt với thách thức này, bởi giá cả thị trường phản ánh niềm tin của nhà đầu tư rằng một số ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc thoát khỏi những khoản nợ xấu lớn đang treo lơ lửng mặc dù các nhà chức trách Italia đã có những biện pháp tích cực để hỗ trợ việc sửa chữa cán cân thanh toán.

Nguy cơ từ công cuộc cải cách của Trung Quốc

IMF cũng bày tỏ mối quan ngại về Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đang trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ xuất khẩu sang chú trọng vào tiêu dùng nội địa. IMF cho biết quá trình cân đối này của Trung Quốc thực sự rất phức tạp và tăng trưởng kinh tế chậm hơn đã làm giảm thể trạng của khu vực công ty. Theo IMF, Trung Quốc cần có một kế hoạch tổng thể để giải quyết nợ công ty đang dồn ứ và qua đó có thể hỗ trợ cho một quá trình hồi phục đều đặn.

IMF tiến hành theo dõi sát sao sự tác động của giá dầu giảm tới thể chất của các công ty kinh doanh hàng hoá vì nợ nần chồng chất cao hơn sẽ gia tăng sức ép đối với các ngân hàng.

Brexit sẽ gây xáo trộn lớn

Theo IMF, nếu Anh chọn lựa việc rút lui khỏi Liên minh châu Âu, thì đây sẽ là một rủi ro chính gây ảnh hưởng không chỉ đến kinh tế, chính trị mà còn hệ thống tài chính của châu Âu và thế giới. Bởi London là một trong những trung tâm tài chính lớn trên thế giới.

Theo IMF, các nhà hoạch định chính sách cần dựa vào sự hồi phục kinh tế hiện nay và đưa ra một con đường ổn định tài chính và tăng trưởng mạnh mẽ hơn bằng cách tháo gỡ ba thách thức toàn cầu: vấn đề luật pháp ở các nền kinh tế phát triển, khả năng dễ sụp đổ cao của các thị trường mới nổi và những rủi ro mang tính hệ thống ngày càng lớn hơn về tính thanh khoản trên thị trường. Nếu đạt được tiến bộ trên con đường này, các nền kinh tế trên thế giới có thể có những bứt phá mang tính chất quyết định, tiến tới hồi phục vững chắc và một hệ thống tài chính lành mạnh. Trong kịch bản này, sản lượng toàn cầu có thể tăng 1,7% vào năm 2018.

Xuân Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên