MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

IPO ế ẩm, cổ phiếu Tập đoàn Cao su, Becamex, Sonadezi lại 'dậy sóng' khi lên UPCoM

Không quá thành công trong IPO nhưng cổ phiếu GVR của Tập đoàn Cao su đang được đón nhận tích cực trên sàn chứng khoán. Sau IPO ế ẩm, cổ phiếu của Becamex tăng gấp đôi sau 1 năm. Cổ phiếu Sonadezi tiếp tục phá đỉnh với thanh khoản tăng cao, thị giá đã gấp 3 lần trong 1 năm gần đây.

Thời gian qua, các cổ phiếu nhóm ngành khu công nghiệp (KCN) được giới đầu tư quan tâm lớn nhờ được hưởng lợi từ dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam. Nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng giá ấn tượng cùng với thanh khoản cải thiện.

Đáng chú ý trong đó là các cổ phiếu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (UPCoM: GVR ), Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (Becamex - BCM ) và Tổng CTCP Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi -UPCoM: SNZ ) bất ngờ dậy sóng dù từng khá ế ẩm trong các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trước đây.

IPO ế ẩm, cổ phiếu Tập đoàn Cao su, Becamex, Sonadezi lại dậy sóng khi lên UPCoM - Ảnh 1.

Các phiên IPO của GVR, BCM, SNZ.

Mặc dù không được đón nhận tốt vào thời điểm IPO, tuy nhiên các cổ phiếu trên đang quay trở lại ấn tượng với mức tăng giá gấp đôi, gấp ba trong một năm gần đây. Cùng với đó là thanh khoản cải thiện, trở thành những cổ phiếu được săn đón hàng đầu tại UPCoM.

IPO ế ẩm, cổ phiếu Tập đoàn Cao su, Becamex, Sonadezi lại dậy sóng khi lên UPCoM - Ảnh 2.

Giá các cổ phiếu đã gấp đôi, gấp ba chỉ sau 1 năm. Nguồn: VnDirect.

Cổ phiếu Tập đoàn Cao su leo đỉnh

Là một trong những phiên IPO được kỳ vọng trở thành “bom tấn” thời điểm đầu năm 2018, cuộc đấu giá cổ phiếu Tập đoàn Công nghiệp Cao su lại gây thất vọng với lượng đăng ký mua chỉ bằng 1/5 lượng chào bán. Xét trong bối cảnh những công ty vốn hóa IPO cùng thời điểm đó như Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Power, PV Oil đều thu hút lượng nhà đầu tư đông đảo thì phiên đấu giá của GVR báo hiệu cho sự suy yếu của dòng tiền vào các phiên IPO.

Đã có nhiều lý giải cho sự thờ ơ của nhà đầu tư đối với Tập đoàn Cao su như việc hạn chế đối với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong khi các công ty trong nước lại có quy mô quá nhỏ để làm đối tác chiến lược, hạn chế về room ngoại, quy mô IPO quá lớn khoảng 6.000 tỷ đồng, thời điểm ngay sau những phiên đấu giá lớn dẫn đến dòng tiền suy yếu, dấu hỏi về chất lượng quản trị doanh nghiệp…

Sau đấu giá, Tập đoàn Cao su bắt đầu đưa cổ phiếu GVR chào sàn UPCoM từ ngày 21/3/2018 với giá chốt phiên chỉ có 10.900 đồng/cp. Kể từ khi những thông tin về cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 được đưa ra, cổ phiếu GVR bước vào giai đoạn tăng giá mạnh.

Từ thanh khoản chỉ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên, đến nay GVR là một trong những cổ phiếu có mức thanh khoản hàng đầu trên sàn UPCoM với hàng triệu cổ phiếu được sang tay. Cùng với đó là giá cổ phiếu tăng mạnh từ vùng 10.000 đồng/cp lên mức đỉnh quanh 16.500 đồng/cp.

Hiện GVR là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất sàn UPCoM với 40.000 tỷ đồng và vốn hóa thị trường lớn thứ 3, đạt 66.000 đồng (chỉ xếp sau Cảng hàng không Việt Nam ( ACV ) và Viettel Global ( VGI )).

IPO ế ẩm, cổ phiếu Tập đoàn Cao su, Becamex, Sonadezi lại dậy sóng khi lên UPCoM - Ảnh 3.

Thị giá và thanh khoản của GVR. Nguồn: VnDirect.

Sự kỳ vọng lớn vào Tập đoàn Cao su trong ngắn hạn là việc sẽ bàn giao 2.100ha đất để xây dựng sân bay Long Thành cùng việc chuyển sang niêm yết trên HoSE.

Về yếu tố cơ bản, GVR sở hữu quy mô tài sản lên đến 76.000 tỷ đồng, cấu trúc nợ vay khoảng 16% tổng tài sản, quản lý quỹ đất lớn nhất Việt Nam với 474.000ha đất nông nghiệp và 18.000ha đất phi nông nghiệp trải dài khắp Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ngoài ra, GVR cũng là một trong những doanh nghiệp có lượng tiền khổng lồ trên 10.000 tỷ đồng đảm bảo cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh. Tập đoàn còn sở hữu hệ thống 105 công ty con, tiêu biểu như Cao su Đồng Nai, Dầu Tiếng, Phước Hòa, Đồng Phú, Nam Tân Uyên, Bình Long, Gỗ Thuận An… và 21 công ty liên kết.

Một điểm nhấn khác giúp GVR được đánh giá cao chính là bắt đầu vạch ra được định hướng kinh doanh rõ ràng vào 5 lĩnh vực cốt lõi. Trong đó, đáng kể nhất là việc đẩy mạnh mảng kinh doanh khu công nghiệp nhiều tiềm năng, lợi nhuận cao với những đầu tàu như Nam Tân Uyên, Phước Hòa…

Đến nay, GVR tham gia đầu tư 17 khu công nghiệp trong đó trực tiếp quản lý, điều hành 12 khu với diện tích đất tự nhiên gần 6.000 hecta, đất thương phẩm cho thuê gần 4.400 ha. Định hướng giai đoạn 2021-2025, tập đoàn sẽ phát triển thêm 5.000-7.000 ha ở khu vực Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Nguyên.

Becamex gấp đôi thị giá sau 1 năm

Được biết đến là "ông trùm" khu công nghiệp tại Bình Dương, chủ đầu tư Thành phố Mới Bình Dương nhưng Becamex cũng "kém duyên" với IPO. Chào bán 311 triệu cổ phiếu trong tháng 12/2017 nhưng Tổng công ty chỉ bán được gần 19 triệu cổ phiếu với giá bình quân 31.008 đồng/cp, đạt tỷ lệ 6%.

Becamex đưa cổ phiếu lên UPCoM vào 21/2/2018 với giá đóng cửa phiên đầu tiên là 25.000 đồng/cp, sau đó giảm dần xuống khoảng 15.000 đồng/cp vào đầu năm 2019. Tuy nhiên, làn sóng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam đang giúp các doanh nghiệp khu công nghiệp hưởng lợi nhanh chóng, từ đó thúc đẩy giá cổ phiếu tăng cao. Và Becamex cũng không phải ngoại lệ.

Trong một năm gần đây, cổ phiếu BCM tăng giá gấp đôi lên mức 33.500 đồng/cp, tương ứng với mức định giá khoảng 34.700 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trong một tháng gần đây dao động từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng mỗi phiên.

IPO ế ẩm, cổ phiếu Tập đoàn Cao su, Becamex, Sonadezi lại dậy sóng khi lên UPCoM - Ảnh 4.

Diễn biến giá BCM trong 1 năm gần đây. Nguồn: VnDirect.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2018, công ty lãi kỷ lục 2.377 tỷ đồng, tăng 134% so với năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2019, công ty đạt 1.324 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ và thực hiện đến 78% kế hoạch năm.

IPO ế ẩm, cổ phiếu Tập đoàn Cao su, Becamex, Sonadezi lại dậy sóng khi lên UPCoM - Ảnh 5.

Becamex hiện đang quản lý trực tiếp 6 khu công nghiệp bao gồm Mỹ Phước 1,2,3, Thới Hòa, Bàu Bàng và Bình Phước. Ngoài ra, công ty còn góp vốn với đối tác Singapore để thành lập Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), phát triển các KCN tại nhiều tỉnh thành khác.

IPO ế ẩm, cổ phiếu Tập đoàn Cao su, Becamex, Sonadezi lại dậy sóng khi lên UPCoM - Ảnh 6.

"Ông trùm" KCN Bình Dương cũng là doanh nghiệp có quy mô lớn với vốn điều lệ 10.350 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 44.356 tỷ đồng; sở hữu hệ thống 17 công ty con, công ty liên kết đều đang mang về lợi nhuận cho công ty mẹ.

Một số điểm nhấn khác về Becamex là doanh nghiệp có kế hoạch tăng vốn gần gấp đôi lên 20.000 tỷ giai đoạn 2019-2020 đồng nhưng chưa công bố phương án cụ thể, xác định room ngoại ở mức 49% để tạo thanh khoản tốt hơn, kế hoạch chuyển niêm yết từ UPCoM sang HoSE.

Sonadezi – "ông trùm" khu công nghiệp tại Đồng Nai

Cuối tháng 12/2015, "ông trùm" KCN tại Đồng Nai Sonadezi thực hiện đấu giá công khai hơn 131 triệu cổ phiếu, khoảng 34,9% vốn điều lệ để Nhà nước dự kiến giảm sở hữu xuống 65%. Kết quả đặt mua lại gây thất vọng với chỉ 1,33 triệu đơn vị, đạt tỷ lệ 1% trên lượng chào bán.

Gần 2 năm sau, Sonadezi mới đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên (20/11/2017) là 15.200 đồng/cp. Cũng từ làn sóng tăng giá của nhóm khu công nghiệp, cổ phiếu SNZ bứt phá mạnh. Chốt phiên 20/8, SNZ đạt mức đỉnh 35.000 đồng/cp, cao gấp 3 lần chỉ sau 1 năm và đạt vốn hóa thị trường gần 13.200 tỷ đồng.

IPO ế ẩm, cổ phiếu Tập đoàn Cao su, Becamex, Sonadezi lại dậy sóng khi lên UPCoM - Ảnh 7.

Thị giá và thanh khoản Sonadezi tăng cao. Nguồn: VnDirect.

Những lợi thế từ KCN đang thể hiện trong kết quả kinh doanh của Sonadezi. Theo đó, doanh thu năm 2018 tăng 14% lên 4.314 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về 794 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2017.

IPO ế ẩm, cổ phiếu Tập đoàn Cao su, Becamex, Sonadezi lại dậy sóng khi lên UPCoM - Ảnh 8.

Thế mạnh của Sonadezi đến từ diện tích đất KCN tập trung tại vùng có mật độ dân số cao. Doanh nghiệp đã phát triển hơn 11 KCN tại Đồng Nai và một KCN lớn tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là những địa phương có dân số đông, vị trí chiến lược nên thu hút lượng vốn FDI thuộc top đầu tại miền Nam.

Ngoài mảng khu công nghiệp, Sonadezi còn đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư; xây dựng các công trình giao thông, cung cấp – kinh doanh nước sạch và các dịch vụ môi trường, kinh doanh bến bãi, cầu cảng, khai thác mỏ đá…

Tính đến 30/6, Sonadezi có vốn điều lệ 3.765 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản gần 18.000 tỷ đồng, trong đó lượng tiền vào khoảng 4.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng ghi nhận doanh thu chưa thực hiện và người mua trả tiền trước hơn 5.000 tỷ đồng.

Sonadezi còn sở hữu nhiều đơn vị hoạt động hiệu quả với 11 công ty con và 13 công ty liên kết, tiêu biểu như Sonadezi Châu Đức, Cấp nước Đồng Nai, Sonadezi Long Thành, Cảng Đồng Nai, Sonadezi Long Bình… Do IPO ế ẩm, đến nay Nhà nước vẫn đang nắm giữ 99,54% vốn Sonadezi và đang có kế hoạch thoái vốn về 36% trong năm 2019-2020.


Theo Huy Lê

NDH

Trở lên trên