MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Iran thừa nhận bắn rơi máy bay chở 176 người của Ukraine, Tổng thống xin lỗi

11-01-2020 - 11:15 AM | Tài chính quốc tế

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết: “Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran vô cùng hối tiếc về sai lầm tai hại này. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình tất cả các nạn nhân”.

"Lỗi con người và căng thẳng với Mỹ" khiến máy bay Ukraine bị bắn nhầm

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã chính thức thừa nhận việc bắn nhầm máy bay Ukraine và bày tỏ lời xin lỗi. Trước đó, truyền hình Iran đưa tin quân đội nước này đã vô tình bắn tên lửa vào chiếc máy bay chở 176 người của Ukraine.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết: "Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran vô cùng hối tiếc về sai lầm tai hại này. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình tất cả các nạn nhân".

Trong tuyên bố chính thức, Iran cho biết quân đội của họ đã vô tình bắn rơi chiếc máy bay chở khách của Ukraine, giết chết toàn bộ 176 hành khách và thành viên phi hành đoàn. Trong bản tin được phát sáng 8/1 trên truyền hình quốc gia Iran, "lỗi của con người" chính là nguyên nhân khiến chiếc Boeing 737-800 gặp nạn.

Phía Iran nhấn mạnh tất cả các bên liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Tuyên bố trên truyền hình quốc gia Iran cũng cho biết Chính phủ Iran gửi lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân, bao gồm cả những người mang quốc tịch nước ngoài.

Cụ thể, truyền thông nhà nước Iran cho biết quân đội đã nhầm chiếc máy bay với một mục tiêu quân sự khi nó hướng về một khu vực nhạy cảm của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Thời điểm đó, quân đội Iran đang duy trì mức sẵn sàng chiến đấu cao nhất vì vài giờ trước đó, Tehran đã tiến hành cuộc không kích trả đũa nhằm vào các căn cứ quân sự ở Iraq có sự hiện diện của lính Mỹ.

"Trong tình trạng đó, vì lỗi vô ý của con người, chiếc máy bay đã bị tấn công", Iran cho biết. Lời xin lỗi cũng đã được đưa ra cùng với cam kết nâng cấp hệ thống để ngăn chặn những sai lầm tương tự xảy ra trong tương lai. Các bên sẽ phải chịu trách nhiệm, bao gồm cả quân đội.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif chia sẻ: "Một ngày buồn. Kết luận sơ bộ về cuộc điều tra nội bộ được tiến hành bởi lực lượng vũ trang Iran cho biết lỗi con người trong đỉnh điểm căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã dẫn đến một thảm họa. Xin gửi những lời chia buồn sâu sắc là lời xin lỗi của chúng tôi đến với nhân dân và gia đình của tất cả các nạn nhân, bao gồm cả những người nước ngoài, bị ảnh hưởng bởi thảm họa".

Sự thừa nhận của Iran đã chấm dứt những tranh cãi về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay thảm khốc hôm 8/1. Trước đó, Iran phủ nhận tên lửa bắn rơi máy bay Ukraine và cho rằng lỗi kỹ thuật là nguyên nhân gây ra sự cố. Sau đó, Mỹ và Canada dẫn thông tin tình báo khẳng định Tehran đã bắn rơi chiếc máy bay.

Chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không quốc tế Ukraine gặp nạn chỉ 2 phút sau khi cất cánh từ một sân bay ở thủ đô Tehran, Iran khi thực hiện hành trình tới Kiev, Ukraine. Vụ tai nạn khiến 176 người, trong đó chủ yếu là công dân Iran và Canada tử nạn. Khi lao xuống đất, máy bay bị phá hủy hoàn toàn thành các mảnh vụn nhỏ.

Phi cơ gặp nạn giết chết toàn bộ 167 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn. Trong số các nạn nhân có 82 người Iran, ít nhất 63 công dân Canada và 11 người Ukraine. Hiện tại, việc xác định danh tính các nạn nhân vẫn đang được tiến hành.

Những lời cuối cùng của phi công

Hiện tại, Iran vẫn đang lưu giữ hai hộp đen của chiếc máy bay xấu số, bao gồm hộp đen ghi âm buồng lái và hộp đen lưu giữ dữ liệu chuyến bay. Iran đang rất hợp tác với các bên, trong đó có phía Ukraine, nhằm sớm trích xuất và phân tích các dữ liệu được lưu trữ trong hai chiếc hộp đen. HIện tại, lời cuối cùng của phi công là "bình yên và mọi thứ đều ổn".

Ông Vadym Prystaiko, ngoại trưởng Ukraine, cho biết hiện tại, các điều tra viên Ukraine có quyền truy cập vào dữ liệu ghi âm các cuộc đàm thoại giữa phi công và đài kiểm soát không lưu. Câu nói cuối cùng của phi công được lưu giữ trên hệ thống này. Cuộc trò chuyện giữa phi hành đoàn trong buồng lái vẫn chưa được truy cập.

Căng thẳng leo thang trong thời gian gần đây khiến Mỹ và Iran gặp khó trong cơ chế trao đổi thông tin nhằm phối hợp điều tra vụ tai nạn. Ví dụ, các nhà điều tra của chính phủ Mỹ không thể bay tới Iran và gặp các quan chức chính phủ nước này mà không có giấy phép. Đó là những quy định trong các lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, mọi việc có thể phức tạp hơn khi Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết họ được Tổng thống Donald Trump ủy quyền để soạn thảo thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.

Theo quy định của luật pháp quốc tế, Iran giữ toàn quyền điều tra nguyên nhân vụ tai nạn xảy ra trên lãnh thổ của họ. Trước đây, Tehran tuyên bố sẽ không làm việc với Mỹ hoặc Boeing. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất cho thấy vị thế của Tehran đã bị đảo ngược. Nếu không thể tự giải mã các hộp đen, Iran có thể sẽ phải tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga, Pháp, Canada hay Ukraine.

Hiện tại, các nhà điều tra Ukraine đã được quyền tiếp cận các hộp đen máy bay nhưng họ chưa tiến hành giải mã thông tin.

Trước khi Iran thừa nhận, giới chức tình báo Mỹ cho rằng một quả tên lửa SA-15 do Nga sản xuất đã được dùng để bắn rơi chiếc máy bay. Tuy nhiên, bản thân phía Mỹ cũng xác định rằng vụ việc chỉ là sự vô tình của người Iran. Tehran không có lý do gì để bắn rơi một chiếc máy bay chở khách, với phần lớn là công dân của mình, trên chính bầu trở thủ đô Tehran trong thời điểm họ muốn cả thế giới chú ý đến các cuộc không kích trả đũa Mỹ ở Iraq.

Tham khảo: Guardian & CNN

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên