Kẻ chạy nước rút, người nấn ná lên sàn
So với kế hoạch đặt ra, date line cho các ngân hàng chỉ còn 3 tháng nữa phải gấp rút thực hiện lên sàn. Trước đòi hỏi từ thực tế, một số ngân hàng gấp rút lên sàn.
- 17-12-2019Lên sàn năm 2019: Chỉ 1 ngân hàng thành công, nhiều nhà băng lỡ hẹn hết năm này qua năm khác
Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2019 yêu cầu toàn bộ các NHTM phải thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE, HNX và đăng ký giao dịch trên UPCoM theo hướng đến hết năm 2020. Việc bắt buộc các NHTM lên sàn là một trong các biện pháp nhằm đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường. Yêu cầu "lên sàn" đối với các cổ phiếu ngân hàng cũng được đưa ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030. So với kế hoạch đặt ra, date line cho các ngân hàng chỉ còn 3 tháng nữa phải gấp rút thực hiện lên sàn. Trước đòi hỏi từ thực tế, một số ngân hàng gấp rút lên sàn. Sau VietBank, Bac A Bank, Kienlongbank, VietCapital Bank, SaigonBank thì Nam A Bank là cái tên mới nhất thông báo lên sàn UPCoM.
Trường hợp Nam A Bank gây bất ngờ khi tại Đại hội cổ đông ngân hàng này thông qua kế hoạch lên sàn HoSE luôn thay vì đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM. Sở dĩ các ngân hàng gấp rút đẩy nhanh tiến độ niêm yết cổ phiếu lên sàn UPCoM ngoài đáp ứng yêu cầu tại Đề án, theo giới chuyên môn các ngân hàng đang muốn tận dụng đà tăng tích cực của thị trường chứng khoán trong giai đoạn này. Thực tế cho thấy, việc chỉ số VN-Index vượt mốc 900 điểm và các cổ phiếu ngân hàng đang có bước đà tăng khá tốt. Trong bối cảnh thị trường chung đang thiết lập mặt bằng giá mới, cổ phiếu ngân hàng niêm yết sẽ có nhiều cơ hội tăng giá.
Theo ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích CTCK Dầu Khí (PSI), động thái gấp rút lên sàn UPCoM của một số ngân hàng vừa qua là nhằm thực hiện quy định của Chính phủ trước rồi mới tính chuyện đường dài. Mặt khác, việc lên sàn UPCoM dễ hơn so với lên sàn chính thức khi các ngân hàng không phải công bố quá nhiều thông tin, các số liệu kinh doanh, báo cáo tài chính cũng không phải thực hiện quá khắt khe như sàn HoSE. Do vậy, có thể việc lên sàn UPCoM chỉ là tạm thời. Muốn tham vọng nhiều hơn để chọn cổ đông chiến lược tốt chắc chắn phải lên sàn HoSE.
Loại trừ những ngân hàng trong diện yếu kém, vẫn còn một số ngân hàng kinh doanh ổn định, nhưng chưa có kế hoạch niêm yết trong năm nay. Đáng chú ý có trường hợp MSB vào gần cuối tháng 5/2020 đã rút hồ sơ niêm yết trên sàn HoSE dù thủ tục lên sàn đã hoàn tất do thị trường chưa thuận lợi trước bối cảnh đại dịch Covid-19. OCB cũng là cái tên được nhiều người nhắc tới khi ngân hàng đánh tiếng lên sàn từ gần 2 năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa triển khai được. Theo kế hoạch, OCB sẽ lên sàn HoSE luôn thay vì đưa cổ phiếu giao dịch ở UPCoM. Mới đây, trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, một lãnh đạo ngân hàng cho biết, ngân hàng vẫn đang tiến hành các thủ tục để lên sàn nhưng thời điểm cụ thể còn phải bàn tính thêm vì điều kiện thị trường vẫn chưa thuận lợi. "Vì cam kết với cổ đông và yêu cầu của NHNN, OCB vẫn sẽ thực hiện lên sàn trong năm 2020", vị này cho biết.
Việc các ngân hàng nấn ná lên sàn, theo ông Lê Đức Khánh cũng không có gì quá bất ngờ. Do ảnh hưởng của Covid-19, tình hình kinh doanh nhiều ngân hàng đi xuống, kèm theo đó nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn tăng. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới báo cáo tài chính của các ngân hàng. Mà thường khi lên sàn, các ngân hàng đều muốn hạn chế tối đa những điểm "gợn" trên báo cáo tài chính để có thể lên sàn với mức giá tốt hơn. Chính vì thế, các ngân hàng muốn đợi thời điểm kinh doanh khả quan hơn tăng trưởng tín dụng cải thiện, câu chuyện nợ xấu được giải quyết êm đẹp... để báo cáo tài chính đẹp hơn rồi mới lên sàn chứ chưa vội vàng niêm yết. "Việc niêm yết phải chọn thời điểm thích hợp để khi lên sàn giá cổ phiếu tăng, qua đó đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cổ đông, NĐT", lãnh đạo một ngân hàng nói.
Đó là câu chuyện riêng của từng ngân hàng. Còn xét về vĩ mô, kinh tế vĩ mô ổn định, hoạt động tín dụng khởi sắc, thị trường chứng khoán thuận lợi... là những điều kiện thuận lợi để các ngân hàng có thể toan tính cho việc lên sàn hay không và tận dụng cơ hội thu hút vốn từ NĐT, đặc biệt là NĐT ngoại. Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua, các NĐTNN đã quay trở lại mua ròng cổ phiếu, trong đó lượng vốn không nhỏ đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Lên sàn đúng thời điểm thị trường thuận lợi có thể giúp cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng giá, nhưng một chuyên gia chứng khoán cũng khuyến nghị các NĐT khi đầu tư vào các cổ phiếu ngân hàng cũng phải thận trọng và xem xét kỹ các chỉ số cơ bản của ngân hàng. "Rủi ro đối với các NĐT cũng sẽ không nhỏ khi nhóm cổ phiếu này đã có thời gian dài tăng điểm với mức tăng lớn, vì thế mà lợi nhuận cho các NĐT đến sau sẽ giảm đi đáng kể. Thậm chí, nếu không chọn được thời điểm và giá tốt thì NĐT có thể chịu thua lỗ", vị này nhận định.
Thời báo ngân hàng