Kế toán trưởng công ty đường sắt Hà Ninh giả chữ ký vay tiền đánh lô đề, giám đốc cũng bị bắt tạm giam để điều tra
Ngày 31/1/2018, ông Vũ Đình Tuân là Thành viên HĐQT và là nguyên Tổng giám đốc CTCP đường sắt Hà Ninh bị bắt tạm giam (thời hạn 4 tháng) để phục vụ công tác điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định.
Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh (UPCOM-mã chứng khoán RHN) vừa có công văn gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố thông tin về việc tạm giam đối với người nội bộ của công ty.
Theo đó, ngày 31/1/2018, ông Vũ Đình Tuân là Thành viên HĐQT và là nguyên Tổng giám đốc CTCP đường sắt Hà Ninh bị bắt tạm giam (thời hạn 4 tháng) để phục vụ công tác điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định.
Trước đó, hồi cuối tháng 9, Công ty đã nhận được đơn xin rút khỏi giám đốc điều hành của ông Vũ Đình Tuân và đến 11/10/2017 thì HĐQT đã thông qua đơn đề nghị của ông Tuân thôi giữ chức Giám đốc điều hành. Tuy rút khỏi vị trí giám đốc điều hành nhưng ông Tuân vẫn giữ chức vụ tại HĐQT và việc rút khỏi giám đốc điều hành là để tập trung vào công tác quản trị.
Cùng với việc chấp nhận cho ông Tuân thôi nhiệm giám đốc, công ty đã bổ nhiệm ông Đậu Văn Long thay thế vị trí của ông Tuân.
Liên quan đến sự việc này, giữa tháng 9/2017, Công an tỉnh Nam Định đã bắt ông Ngô Trường Giang (39 tuổi, kế toán trưởng Công ty cổ phần đường sắt Hà Ninh) để điều tra hành vi làm giả một số giấy tờ vay tiền, chiếm đoạt 38 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu ông Ngô Trường Giang khai nhận trong 2 năm 2016 - 2017, ông Giang đã lợi dụng tín nhiệm của ông Vũ Đình Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Hà Ninh ký một số lệnh chi trả tiền vay của công ty này với Ngân hàng Công thương, Chi nhánh tỉnh Nam Định với số tiền 16 tỉ đồng.
Tuy nhiên, số tiền này ông Giang đã không trả vào tài khoản của ngân hàng mà chuyển vào tài khoản cá nhân.
Ngoài ra, ông Giang còn giả chữ ký của ông Tuân, bằng cách thức lấy tờ giấy có chữ ký thật của ông Tuân để lên hợp đồng vay tiền, rồi dùng bút tô lại chữ ký, thấy chữ ký nào giống thì sử dụng ký vào nhiều hồ sơ vay tiền mang tên Công ty cổ phần đường sắt Hà Ninh với lý do để trả lương công nhân, đáo hạn, trả nợ..., rồi lấy dấu công ty đóng vào.
Những hồ sơ giả này sau đó được ông Giang lần lượt mang đến Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng Công thương-chi nhánh tỉnh Nam Định, Công ty cổ phần Minh Phụng, cá nhân ông Nguyễn Đức Tín để vay tiền, với tổng số tiền vay được là 22 tỉ đồng.
Ông Giang cũng khai nhận rằng, toàn bộ số tiền chiếm đoạt được là 38 tỉ đồng được sử dụng để trả nợ, chơi lô đề.
RHN là doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 15 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sở hữu 51% vốn. RHN chịu trách nhiệm vận hành, duy tu tuyến đường sắt qua địa phận các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam.
Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của RHN ở mức 104 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn hơn 95,3 tỷ đồng và tài sản dài hạn hơn 8,8 tỷ đồng. Công ty có gần 12 tỷ đồng vay nợ tài chính toàn bộ là nợ ngắn hạn.
Nhịp sống kinh tế