MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông: Mô hình phát triển kinh tế kiểu mới

Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông: Mô hình phát triển kinh tế kiểu mới

Sáng kiến kết nối trục cao tốc này sẽ tạo sự đột phá cho tiểu vùng kinh tế phía Đông của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Đây được xem như “ngòi nổ” thúc đẩy phát triển kinh tế của cả vùng với vai trò đầu tàu dẫn dắt.

Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông: Mô hình phát triển kinh tế kiểu mới - Ảnh 1.

Đó là chia sẻ của TS. Hoàng Văn Kể – nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật thành phố Hải Phòng với DĐDN.

- Sáng kiến kết nối trục cao tốc phía Đông giữa: Hải Phòng – Quảng Ninh – Hải Dương – Hưng Yên được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phát phát triển kinh tế, ông có bình luận gì về vấn đề này?

Theo tôi xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng sẽ tạo nên yếu tố phát triển đột phá. Bởi, về nguyên lý khơi thông, kết nối các nguồn lực, bổ sung lợi thế cho nhau, tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của mỗi địa phương cho phát triển vùng.

Theo như nội dung các địa phương đã ký kết, rõ ràng cho thấy các thế mạnh của mỗi địa phương được chia sẻ, hợp tác sử dụng, bổ trợ với các địa phương khác để cùng nhau phát triển. Và, câu chuyện “đèn nhà nào nhà ấy rạng” không còn trong phát triển kinh tế nữa mà thay vào đó là mô hình “đôi bạn cùng tiến”, “muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng đi xa phải có đồng đội”.

Cụ thể, Quảng Ninh với thế mạnh về tài nguyên du lịch, dịch vụ, chuỗi sản xuất – thương mại gắn với thị trường Trung Quốc rộng lớn hơn 1,4 tỷ dân. Hải Phòng có lợi thế đặc biệt về hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế vùng và logistics. Hải Dương có tiềm năng nổi trội về nguồn nhân lực, quỹ đất và vị trí trung tâm vùng, thế mạnh về công nghiệp cơ khí, chế tạo. Còn Hưng Yên có lợi thế đặc biệt do tiếp giáp thủ đô Hà Nội, tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp cũng như nông nghiệp công nghệ cao, đang có tốc độ đô thị hoá rất nhanh.

- Trước đây, đã có những mô hình liên kết tiểu vùng, tuy nhiên lại thiếu mất vai trò người điều phối. Vậy ông đánh giá thế nào khi VCCI là đơn vị điều phối hoạt động kinh tế kết nối 4 tỉnh này?

Có lẽ đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa mô hình liên kết tiểu vùng trục cao tốc phía Đông và các mô hình liên kết tiểu vùng các khu vực khác. Tôi cho rằng, đây cũng được xem là một trong những sáng kiến khi mà các bên tham gia liên kết cùng thống nhất thành lập Hội đồng kết nối vùng và giao VCCI giữ vai trò thường trực công tác điều phối hoạt động kết nối kinh tế 4 tỉnh, thành, Ban thư ký của vùng sẽ đặt tại VCCI.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, kinh nghiệm cũng như uy tín có được sau nhiều thập kỷ hoạt động, VCCI sẽ phát huy đội ngũ trí tuệ chuyên gia và các thế mạnh của mình trong kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà quản lý, kinh nghiệm các ngành và các đối tác trong nước và quốc tế để cùng 4 tỉnh, thành tạo ra một mô hình kết nối kinh tế vùng thành công, với các hoạt động thực chất, cụ thể, đem lại hiệu quả tốt nhất cho quá trình phát triển kinh tế bền vững của cả 4 địa phương và cả vùng. Một chủ thể rất quan trọng mang đến sự thành công của mô hình kết nối kinh tế vùng là vai trò của các doanh nghiệp, nên trong khuôn khổ sáng kiến, VCCI sẽ hỗ trợ thành lập và triển khai hoạt động Hội đồng doanh nghiệp vùng.

Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông: Mô hình phát triển kinh tế kiểu mới - Ảnh 2.

- Vậy, ông nhận định thế nào sau cái “bắt tay” của 4 địa phương trên?

Có thể đánh giá rằng việc kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông gồm 4 tỉnh, thành trên sẽ tạo ra một tiểu vùng kinh tế mạnh nếu không muốn nói là rất mạnh. Đây sẽ là vệt sáng của Vùng kinh tế phía Bắc và là đầu tàu của cả miền Bắc. Bởi, 4 địa phương này sẽ tạo ra một không gian địa lý, kinh tế rất rộng, có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần thủ đô Hà Nội, 5 lần TP.HCM và 8 lần so với Đà Nẵng với tiềm năng đa dạng, phong phú vượt trội. Quy mô dân số gấp gần 6 lần Đà Nẵng, bằng khoảng gần 80% dân số Hà Nội và bằng gần 70% dân số TP.HCM.

Thêm nữa, 4 địa phương có lợi thế rất lớn về kết nối về hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước, với 2 sân bay quốc tế, hệ thống cảng biển trong đó có cảng nước sâu công suất lớn nhất khu vực phía Bắc, cùng trục đường cao tốc chất lượng bậc nhất cả nước nối thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, tương lai vươn tới các tỉnh phía nam Trung Quốc xuống cảng Hải Phòng, đầu kia kết nối với cửa khẩu Móng Cái thông với thị trường Trung Quốc rộng lớn. Các doanh nghiệp trong vùng có thể sử dụng 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế để nhập vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho nhu cầu sản xuất, đồng thời xuất đi các sản phẩm với chi phí sản xuất và logistics thấp nhất. Và tôi tin rằng đây sẽ là một trong những tiểu vùng kinh tế có đầy đủ các điều kiện, tiềm năng phát triển mạnh nhất cả nước.

- Xin cảm ơn ông!


Theo Trung Thành – Lê Linh

Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên