MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kết quả kinh doanh cao nhất 3 quý, GTNfoods vẫn mới chỉ hoàn thành 20% kế hoạch lợi nhuận 2019

So với cùng kỳ năm 2018, lợi nhuận sau thuế của GTNfoods chưa bằng phân nửa. Tuy vậy, nếu so với con số lỗ 11,4 tỷ quý 4/2018 hay 17 tỷ quý 1/2019 thì quý 2/2019 cho thấy lợi nhuận của công ty đã hồi phục khá mạnh mẽ.

Công ty cổ phần GTNfoods (mã chứng khoán GTN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019. Đây là quý đầu tiên kể từ khi Vinamilk chính thức làm cổ đông lớn nhất của GTNfoods.

Doanh thu và lợi nhuận hồi phục sau 3 quý ảm đạm

Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, doanh thu thuần quý 2/2019 đạt 812 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2018 nâng luỹ kế 6 tháng lên 1.437 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Tuy vậy, nếu so sánh quý 2/2019 với 3 quý liền trước thì có thể thấy, doanh thu của GTNfoods đã tăng trở lại sau 3 quý liên tiếp về dưới 800 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế riêng quý 2 đạt 23,21 tỷ đồng trong đó phần lợi nhuận thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 3,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2018, lợi nhuận sau thuế của GTNfoods chưa bằng phân nửa. Tuy vậy, nếu so với con số lỗ 11,4 tỷ quý 4/2018 hay 17 tỷ quý 1/2019 thì quý 2/2019 cho thấy lợi nhuận của công ty đã hồi phục khá mạnh mẽ.

Kết quả kinh doanh cao nhất 3 quý, GTNfoods vẫn mới chỉ hoàn thành 20% kế hoạch lợi nhuận 2019 - Ảnh 1.

Năm 2019, GTNfoods đặt kế hoạch 3.350 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 11% và 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng 92% so với kết quả đạt được năm 2018. Như vậy là, nửa năm đã trôi qua nhưng GTNfoods mới hoàn thành được 43% kế hoạch doanh thu và hơn 20% kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất của cả năm.

Kết quả kinh doanh cao nhất 3 quý, GTNfoods vẫn mới chỉ hoàn thành 20% kế hoạch lợi nhuận 2019 - Ảnh 2.

Tuy cả doanh thu và lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ nhưng KQKD quý 2/2019 cho thấy GTNfoods đã hồi phục mạnh mẽ, đạt cao nhất 3 tháng

Tăng chiết khấu tặng kèm để giữ thị phần sữa, lãi gộp của trà đang tăng nhanh

Mảng sữa là mảng kinh doanh trọng yếu của GTNfoods. 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần từ bán sữa đạt 1.270 tỷ đồng, tương đương bằng cùng kỳ. Kết quả này có được nhờ quý 2/2019, Mộc Châu Milk đã đạt tăng trưởng doanh thu 5% so với cùng kỳ năm 2018 giúp kéo kết quả kinh doanh chung 6 tháng lên bằng cùng kỳ năm ngoái. Hồi quý 1/2019, cạnh tranh gay gắt trong ngành sữa khiến Mộc Châu Milk phải tăng mạnh chiết khấu tặng kèm và giữ được thị phần, Sang quý 2/2019, tình hình khí hậu phù hợp, thị trường tiêu thụ tốt nên kết quả doanh thu, lợi nhuận của Mộc Châu Milk tốt hơn.

Tuy kết quả kinh doanh quý 2/2019 của Mộc Châu Milk đã cải thiện đáng kể so với quý 1 nhưng biên lãi gộp giảm nhẹ. Lý giải việc lãi gộp thấp, ngoài vấn đề tăng chiết khấu bán hàng để giữ thị phần trong giai đoạn ngành sữa cạnh tranh khốc liệt thì theo trao đổi của các lãnh đạo GTNfoods tại ĐHĐCĐ, Mộc Châu Milk tập trung vào sản phẩm sữa tươi chất lượng cao nên lãi gộp thấp hơn. Để duy trì chất lượng sữa, Mộc Châu Milk đã đầu tư nhiều chi phí để hỗ trợ nông dân trong khâu sản xuất sữa như kiểm soát chất lượng thức ăn, thú y, dịch bệnh, đảm bảo giá mua sữa ổn định cho nông dân…dẫn đến giá thành sản xuất cao. Trong thời gian tới, Mộc Châu Milk hướng tới mục tiêu nâng biên lãi gộp sản phẩm sữa thông qua đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm có biên lợi nhuận gộp cao hơn, quản trị giá thành sản xuất để giảm giá vốn. Tại ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo cũng chia sẻ trong thời gian tới sẽ làm việc với đơn vị tư vấn quản trị doanh nghiệp và chiến lược phát triển doanh nghiệp với trọng điểm là GTNfoods, Mộc Châu Milk và Vinatea, đồng thời nghiên cứu phương án kết hợp với Vinamilk và các đối tác phù hợp khác để phát triển mảng Sữa.

Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận gộp 6 tháng của mảng trà tại Vinatea vẫn duy trì ở mức 15%, cao hơn mức 9% cùng kỳ năm ngoái, là kết quả của việc chuyển dịch thị trường xuất khẩu và sản phẩm chất lượng có biên lợi nhuận cao hơn của Vinatea.

Đã thoái hết vốn tại Forimex, dự kiến 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi nhiều khoản đầu tư

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu, thoái vốn những khoản đầu tư ngoài ngành đã được Đại hội cổ đông thường niên thông qua từ nhiều năm trước, 6 tháng đầu năm 2019, GTNfoods đã thoái vốn đầu tư khỏi CTCP Lâm nghiệp Sài Gòn. Đối với khoản đầu tư vào Forimex, GTNfoods thanh lý khoản đầu tư này tương đương với giá gốc, không phát sinh lãi thoái vốn như cùng kỳ năm 2018 (đem lại lợi nhuận khoảng 14 tỷ đồng). Việc thoái vốn này đem lại dòng tiền khoảng 44 tỷ VNĐ để phục vụ cho mục đích đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh của Công ty.

"Cục tiền" nghìn tỷ vẫn chưa tiêu

Theo bảng cân đối kế toán, tại thời điểm 30/6/2019, GTNfoods vẫn có 220 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Ngoài ra, công ty còn hơn 860 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng tới 24 tháng.

So với con số 1.140 tỷ đồng số dư đầu năm thì dư tiền và tương đương tiền cuối tháng 6/2019 có giảm nhẹ xuống còn 1.080 tỷ đồng. Trước đây, GTNfoods từng công bố khoản tiền này công ty sẽ dùng để đầu tư thêm vào Mộc Châu Milk, Vinatea và tiến hành các hoạt động M&A các doanh nghiệp khác nếu phù hợp. Con số dư tiền nghìn tỷ cuối quý 2/2019 cho thấy, trước và hậu M&A vào Vinamilk, GTNfoods vẫn chưa tiến hành đầu tư lớn.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên