MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Khả năng tiếp cận vốn vay thấp, nhiều nơi nông dân phải sử dụng tín dụng đen”

27-11-2018 - 10:58 AM | Tài chính - ngân hàng

Tín dụng cho nông nghiệp nông thôn luôn tăng với tốc độ cao hơn mức bình quân của nền kinh tế. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn vay từ các nguồn chính thức còn thấp so với yêu cầu, nhiều nơi nông dân phải sử dụng tín dụng “đen”.

Báo cáo được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn diễn ra sáng 27/11 cho biết, những mặt được là nền nông nghiệp có nhiều tiến bộ cả về quy mô và trình độ sản xuất, tái cơ cấu ngành đúng hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu ngày càng tăng.

Giai đoạn năm 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm.

Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn có xu hướng tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, bình quân giai đoạn 2008-2017 đạt 12,2%. Cơ cấu ngành nghề và cơ cấu lao động nông thôn có sự thay đổi tích cực. Số hộ nông thôn tham gia các hoạt động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ năm 2016 chiếm 40,03% (tăng 14,93% so với năm 2006).

Báo cáo cũng cho biết, tổng ngân sách nhà nước đã đầu tư cho phát triển nông nghiệp và nông thôn là 1,17 triệu tỷ đồng, trong đó riêng cho phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp là 415 nghìn tỷ đồng, đầu tư phát triển nông thôn 755 nghìn tỷ đồng.

“ Tín dụng cho nông nghiệp nông thôn luôn tăng với tốc độ cao hơn mức bình quân của nền kinh tế. Tổng dư nợ cho vay ngành nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ của nền kinh tế”, báo cáo nêu.

Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, huy động vốn FDI, đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai thực hiện các hiệp định tự do hóa thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.

Báo cáo cũng chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém như nông nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào nông hộ nhỏ thiếu liên kết, dễ tổn thương trước biến động của thị trường và thiên tai, dịch bệnh. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản chưa cao. Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm chậm được khắc phục.

Bên cạnh đó nông thôn phát triển không đồng đều, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Khoảng cách chênh lệch về xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn. Có tình trạng một số địa phương chạy theo phong trào nên thiếu thực chất. Cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông, thủy lợi, điện còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp và dịch vụ, văn hoá, xã hội nông thôn nhất là ở các vùng miền núi.

Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp, có nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, thu nhập bình quân của nông dân năm 2017 chỉ bằng 78% bình quân chung cả nước. Đến năm 2017 lao động nông nghiệp vẫn chiếm 40,2% trong tổng số lao động xã hội…

Tại hội nghị, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương đã chỉ ra những nguyên nhân tồn tại, hạn chế là do nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” theo Nghị quyết ở nhiều nơi chưa đầy đủ. Nhiều nơi chưa quán triệt và thực hiện và thực hiện tốt phương châm “nông dân là chủ thể”, chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân nên sự tham gia của quần chúng chưa tích cực, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nhà nước, có nơi lại có biểu hiện lạm dụng sự đóng góp của người dân để thực hiện các nhiệm vụ công cộng.

Thứ hai, cơ chế chính sách ban hành nhiều nhưng chủ yếu ngắn hạn và chưa đồng bộ. Một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với yêu cầu xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mang nặng tính bao cấp, xin cho nên hầu như không đi vào cuộc sống.

Thứ ba, do nguồn vốn cho thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP dựa nhiều vào ngân sách nhà nước, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, mức huy động từ các nguồn khác còn thấp. Đầu tư xã hội cho nông lâm thủy sản chỉ chiếm 6% tổng đầu tư của xã hội và có xu hướng giảm. Khả năng tiếp cận vốn vay từ các nguồn chính thức còn thấp so với yêu cầu, nhiều nơi nông dân phải sử dụng tín dụng “đen”…

Theo Nguyễn Thảo

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên