MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khắc phục sản xuất manh mún nhờ bài toán chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam

Khắc phục sản xuất manh mún nhờ bài toán chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam

Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp khẳng định, xây dựng nông thôn mới hiện nay đã đạt được những thành tựu nhất định, không chỉ là xây dựng vùng nông thôn "đáng sống", mà người dân còn "muốn sống" tại đó.

Chiều ngày 15/12, tại Hà Nội đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề "Chuyển đổi số trong nông nghiệp" trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam 2020. Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: "Trong những năm qua, khu vực nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc bình ổn xã hội cũng như phát triển kinh tế".

Kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp ước đạt trên 41 tỷ USD

"Mặc dù trong vài năm qua, đặc biệt là trong năm 2020, Việt Nam phải đối diện với những thách thức về thiên tai, hạn hán cũng như dịch bệnh, ngành nông nghiệp đất nước vẫn đạt được những kết quả rất khích lệ", bà Thủy nhấn mạnh.

Cụ thể, trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt khoảng 2,71%/năm. Kim ngạch xuất khẩu không ngừng phát triển. Năm 2019, tỷ trọng xuất khẩu đạt 43 tỷ USD. Năm 2020, ước tính kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp vẫn đạt trên 41 tỷ USD.

Cũng trong 5 năm gần đây, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp không ngừng được triển khai rộng khắp đất nước, đặc biệt đi sâu vào nâng cao năng suất chất lượng giá trị gia tăng của từng ngành hàng, từng lĩnh vực.

Số lượng hợp tác xã cũng được tăng nhanh, đến nay cả nước đã có gần 17.000 hợp tác xã nông nghiệp (tăng 1,5 lần năm 2015) trong đó có trên 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả (chiếm 88%) vượt xa nhiều so với 18,6% của năm 2015. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ngày càng nhiều, với quy mô ngày càng mở rộng với việc ứng dụng công nghệ hiện đại.

Đến nay, cả nước có gần 13 nghìn doanh nghiệp nông nghiệp tăng gấp 3 lần năm so với 2015. Trong số đó, rất nhiều doanh nghiệp đã đi đầu trong việc ứng dụng các bộ khoa học công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất kinh doanh.

"Cùng với quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cũng đạt được những thành quả vô cùng quan trọng góp phần nâng cao thu nhập của người dân, xây dựng vùng nông thôn ngày càng xanh sạch, không những đáng sống mà chúng ta còn muốn sống ở những vùng nông thôn", bà Thủy cho hay.

Hết tháng 11 năm 2020, số xã nông thôn mới là 5.415 xã (60,97%). Có 170/664 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập người dân nông thôn không ngừng được nâng cao. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người người khu vực nông thôn đạt 40,79 triệu đồng/người, tăng khoảng 1,67 lần năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 3,75% năm 2019.

"Đây là những số liệu cơ bản mà chúng ta nhìn thấy ngành nông nghiệp đã đạt được rất nhiều thành quả trong 5 năm qua, đặc biệt trong quá trình tổ chức triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững", bà Nguyễn Thị Thu Thủy nhận định.

Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến nhiều các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản.

Mặc dù cũng có một số thành tựu nổi bật, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng hiện nay sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hiện đại. Nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi, áp dụng những quy trình sản xuất còn tương đối chưa hiện đại. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong nông nghiệp về tổng thể vẫn còn hạn chế.

Trong thời gian tới, bà Thủy đề xuất cần thúc đẩy việc chuyển đổi số trong nông nghiệp một cách toàn diện hơn, nhằm góp phần nâng cao hơn năng suất, hiệu quả của ngành, đồng thời góp phần đảm bảo sự bền vững.

Tập trung chuyển đổi số trong nông nghiệp với 6 nội dung

Theo bà Thuỷ, hiện nay cần tập trung chuyển đổi số trong nông nghiệp với 6 nội dung. Thứ nhất, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp số. Thứ hai, chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, tập trung xây dựng các dữ liệu lớn.

Thứ ba, thúc đẩy, cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và hỗ trợ chia sẻ thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.

Thứ tư, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát, truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, đảm bảo nhanh chóng, minh bạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó có thể xuất khẩu các sản phẩm nhanh và rộng ra toàn thế giới, đi sâu vào chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản trên toàn cầu.

Thứ năm, xem xét thử nghiệm các sáng kiến để mỗi nông dân trở thành thương nhân, mỗi hợp tác xã trở thành một doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ số với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối cũng như dự báo giá thị trường, thời vụ... nhằm ứng dụng nhanh vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.

Thứ sáu, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để điều hành kịp thời, phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường.

Hà Trần

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên