MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khắc phục sự tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch

21-07-2019 - 07:48 AM | Bất động sản

Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng lợi ích nhà đầu tư, giảm các tiện ích công cộng. Ai phải chịu trách nhiệm trong việc này?

Hàng loạt chung cư cao tầng đang mọc lên với mật độ dày đặc tại các đô thị, nhất là 2 thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong khi cơ sở hạ tầng chưa theo kịp. Ùn tắc giao thông, ngập nước và ô nhiễm môi trường là hậu quả của việc phát triển đô thị phá vỡ quy hoạch, quy hoạch lại không kịp điều chỉnh theo tình hình mới.

Thực trạng này cho thấy những hạn chế, yếu kém của các bộ, ngành, địa phương trong việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch tại các đô thị. Trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 vừa qua, nhiều đại biểu đã nêu lên thực trạng này và đề xuất ý kiến để khắc phục tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện như trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù khi phê duyệt các dự án chung cư, cơ quan chức năng đều xem xét cẩn trọng dựa trên nhiều tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, xã hội, dân số, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất... nhằm đáp ứng hài hòa về mặt kiến trúc và các vấn đề xã hội liên quan. Tuy nhiên, giữa quy hoạch và thực tế lại có độ vênh khá lớn.

Khắc phục sự tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch - Ảnh 1.

Người dân Khu đô thị Gamuda Gardens treo băng rôn phản đối việc chủ đầu tư thay đổi quy hoạch.


“Một tòa cao ốc mọc lên thì sức chịu đựng lên hạ tầng khu vực đó cần được tính toán kỹ. Hạ tầng của chúng ta chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Vậy thì chúng ta nên cân nhắc những biện pháp quản lý để giảm tải cho đô thị hiện hữu. Có thể chúng ta cân nhắc trong một khoảng thời gian nào đó để sự phát triển hạ tầng theo kịp sự phát triển đô thị để có thể chịu tải được” - Đại biểu Trần Anh Tuấn nói.

Theo Đại biểu Đỗ Văn Sinh, đoàn Quảng Trị, hiện nay, vấn đề quy hoạch các đô thị phải chịu nhiều áp lực, không chỉ về giao thông, mà còn về trường học, chỗ vui chơi giải trí, nơi khám chữa bệnh… Nếu quy hoạch một cách khoa học, cần tính cụ thể trong khu đô thị đó sẽ có bao nhiêu người sinh sống, từ đó sẽ cho xây bao nhiêu nhà cao tầng.

“Công tác quản lý quy hoạch của chúng ta không chặt chẽ, dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch và những hệ lụy như ngày hôm nay. Đó là con đường vành đai 1, con đường đắt nhất hành tinh, rồi khu triển lãm Giãng Võ. Tại thành phố Hồ Chí Minh đang nổi cộm khu đô thị Thủ Thiêm. Liên quan đến quy hoạch và quản lý quy hoạch đấy, tôi cho đó là hậu quả của việc không công khai và phá vỡ quy hoạch” - Đại biểu Đỗ Văn Sinh đánh giá.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc rà soát lại toàn bộ các dự án ở các địa phương là rất quan trọng. Qua đó, phát hiện và kịp thời xử lý, khắc phục những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai.

“Những thành phố mà thị trường bất động sản đang sôi động, sẽ rà soát nhiều dự án hơn. Qua rà soát, sẽ đáp ứng được yêu cầu của dư luận xã hội đang đặt ra là tất cả các dự án phải làm đúng luật. Phát hiện ra doanh nghiệp cố ý làm không đúng luật là phải xử lý. Chúng ta không chỉ nêu vấn đề cho tồn tại vì lợi ích của doanh nghiệp. Ở đây là phải vì lợi ích của đất nước” - Đại biểu Nguyễn Đức Kiên kiến nghị.

Các Đại biểu cũng đánh giá, chất lượng các quy hoạch không những thấp, mà còn có dấu hiệu chạy theo nhiệm kỳ làm nát quy hoạch ban đầu. Không những thế, nhiều nơi còn tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch chi tiết gây ra nhiều hệ lụy, hiệu ứng tiêu cực. Cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần.

Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng, lợi ích của người sử dụng như: tăng số tầng, chia nhỏ căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm mật độ cây xanh. Điều này gây bức xúc cho xã hội, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ngập nước và ô nhiễm môi trường.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận, trước đây, để đáp ứng nhu cầu phát triển của thực tiễn, khi chưa có quy hoạch chi tiết được lập, thường có một giấy phép quy hoạch để cấp cho một số dự án đầu tư. Trong thực tiễn, có sự vận dụng tùy tiện khi cấp giấy phép quy hoạch. Sau này, đó là sự bất cập, phá vỡ tính thống nhất của hệ thống quy hoạch.

“Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung một số quy định để đảm bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ quá trình lập, phê duyệt và thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Nhất là các khâu chất lượng tư vấn, lấy, tổng hợp và xử lý ý kiến của nhân dân cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Câu hỏi được đặt ra là: Ai phải chịu trách nhiệm trong việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch trong suốt một thời gian dài, thì Bộ trưởng Bộ Xây dựng chưa có câu trả lời thỏa đáng./.

Theo Thành Trung

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên