Khách sạn biển 2 - 3 sao: Ồ ạt sang nhượng, giá có thể giảm đến 20%
Bất động sản du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Hàng loạt khách sạn tại các điểm du lịch lớn được rao bán, chuyển nhượng. Xu hướng sang nhượng khách sạn tại các vùng biển diễn ra phổ biến do du lịch biển phụ thuộc nhiều vào nguồn khách quốc tế. Trong khi khách sạn biển có thể giảm giá 15-20%, khách sạn tại các thành phố giảm khoảng 7-10%.
Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy hoạt động mua bán khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch diễn ra sôi động trong 3 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bất động sản nghỉ dưỡng nói chung được cho là loại hình chịu tác động đầu tiên và nghiêm trọng hàng đầu bởi dịch Covid-19. Theo số liệu thống kê mới đây của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, từ khi có dịch, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này sụt giảm khoảng 90%. Đa số cơ sở du lịch nghỉ dưỡng đều phải đóng cửa hoặc giảm phần lớn công suất. Dự báo nếu tình hình dịch bệnh thuyên giảm, khả năng phục hồi tốt nhất chỉ đạt khoảng 50% trong năm nay và 60-70% trong năm 2021.
Công suất thuê phòng khách sạn trong quý đầu năm giảm mạnh. Theo thống kê của Sở Du lịch TP HCM, 90% doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ đã tạm thời đóng cửa và lượng khách quốc tế giảm 43% theo năm xuống còn 1,3 triệu lượt trong 3 tháng đầu năm. Riêng trong tháng 3, khách quốc tế giảm 84% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường chủ yếu như Trung Quốc giảm 32% và Hàn Quốc giảm 26% theo năm.
Khách sạn biển chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 do phụ thuộc nhiều vào nguồn khách quốc tế. Ảnh: Lao Động |
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam, cho rằng ngành khách sạn là phân khúc bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất.
Trước thực tế này, hàng loạt khách sạn tại các điểm du lịch lớn được rao bán, chuyển nhượng.
Mới đây, ca sĩ Ngọc Khuê rao bán khách sạn Delta Sa Pa Hotel diện tích 350 m2 với 58 phòng, giá 110 tỷ đồng vì việc kinh doanh gặp khó khăn do dịch bệnh.
Tại Đà Nẵng, hàng loạt khách sạn cũng đang được chủ sở hữu sang nhượng với lý do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một khách sạn 4 tầng mặt tiền Hoàng Văn Thụ, Phước Ninh, Hải Châu đang được rao bán với giá 23 tỷ đồng. Hay một khách sạn 7 tầng tại Hà Bổng, Sơn Trà, Đà Nẵng cũng đang được rao bán 27,5 tỷ đồng.
Tại TP Nha Trang, một số khách sạn trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Biểu… cũng phải treo biển rao bán vì không đủ quỹ chi trả phí vận hành.
Giá bán khách sạn biển biến động mạnh
Trả lời trên truyền thông mới đây, ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc CBRE Hotels Việt Nam, nhận định dịch Covid-19 làm hoạt động mua, bán khách sạn diễn ra mạnh mẽ hơn so với bình thường. Đặc điểm chung của các khách sạn sang nhượng trong mùa dịch là khách sạn 2-3 sao, thuộc quản lý của các chủ đầu tư không quá lớn. Ông Thức phân tích xu hướng sang nhượng khách sạn tại các vùng biển diễn ra phổ biến hơn tại các thành phố lớn do du lịch biển phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn khách quốc tế đến từ Hàn Quốc hay Trung Quốc…
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch SohoVietnam - đơn vị chuyên môi giới các dự án bất động sản đang xây dựng hoặc đang hoạt động, trong đó có khách sạn, biệt thự biển, cho biết từ khi xuất hiện dịch Covid-19, số lượng người tìm đến doanh nghiệp của ông để bán khách sạn tăng khoảng 3-4 lần so với bình thường.
Đồng quan điểm với ông Thức, ông Cần cho rằng các khách sạn được sang nhượng, rao bán trong mùa dịch phần lớn là khách sạn biển từ 3 sao trở xuống, phân bổ tại các điểm du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Phú Quốc… “Du lịch 4-5 năm vừa rồi đều tăng trưởng 2 con số, làm tăng nhu cầu lưu trú du lịch. Bởi vậy, lượng tiền đổ vào lĩnh vực này lớn dần theo từng năm. Nhiều người sử dụng đòn bẩy tài chính để tham gia vào thị trường này, đến nay gặp khủng hoảng, chịu áp lực tài chính quá lớn nên phải bán tài sản”, ông Cần nói.
Về giá, ông Phan Xuân Cần cho rằng giá bán khách sạn đang biến động mạnh, với khách sạn biển, giá có thể giảm 15-20%, khách sạn cao cấp tại các thành phố lớn ghi nhận mức giảm giá 7-10%.
Chủ tịch Sohovietnam cũng tiết lộ trên thị trường, nhiều người xem đợt dịch này là cơ hội để tìm mua cơ sở lưu trú du lịch với mức giá phù hợp. Khách mua có cả khách trong nước và ngoài nước, có đơn vị không chịu thiệt hại thậm chí tăng doanh thu, lợi nhuận từ dịch, muốn mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang bất động sản nghỉ dưỡng. Ngoài ra, cũng có các quỹ đầu tư chuyên đầu tư vào khách sạn, resort đang đi "săn" khách sạn, nhóm nhà đầu tư này thường có tầm nhìn chiến lược hàng chục năm nên họ nhìn nhận dịch Covid-19 có thể là cơ hội để họ mua được bất động sản giá rẻ.
Trong một chia sẻ mới đây, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương, cho rằng đầu tư vào các dự án thương mại và du lịch, đặc biệt là khách sạn và khu nghỉ dưỡng thường mang tầm nhìn dài hạn. Do vậy, có thể nói những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn như hiện nay chính là những thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.
Người đồng hành