Khách sạn tại Hà Nội lao đao vì Covid-19: Giảm 50-60% giá phòng giữa mùa cao điểm, có nơi phải đóng cửa vì gần 3 tháng nay tổn thất lên tới 20 tỷ đồng
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang khiến ngành du lịch Việt Nam lao đao.
Mới đây nhất, một khách sạn nằm ngay tại phố cổ Hà Nội, điểm đến yêu thích của nhiều khách du lịch thế giới, đã phải tuyên bố tạm thời đóng cửa từ ngày 23/2 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Một video được chia sẻ trên mạng cho thấy tình hình kinh doanh của khách sạn khó khăn đến mức họ buộc phải cho nhân viên nghỉ trong vòng 4 tháng, trợ cấp 1,5 triệu đồng/người/tháng. Những nhân viên mong muốn tiếp tục ở lại làm việc sẽ chỉ nhận mức lương đồng đều 4 triệu đồng/tháng dù vị trị của người đó là quản lý hay nhân viên.
"Gần 3 tháng nay, tổn thất 20 tỷ đồng. Đây là một con số cả đời mình tích cóp", lãnh đạo khách sạn nghẹn ngào chia sẻ.
Khách sạn thông báo tạm thời đóng cửa từ 23/2 vì dịch bệnh Covid-19.
Thông thường tại Việt Nam, giai đoạn cao điểm đón khách quốc tế bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 3, 4 năm sau. Theo nhiều chuyên gia trong ngành, công suất các khách sạn trung bình sẽ khoảng 80%, nhiều nơi trên 90%. Tuy nhiên ảnh hưởng của dịch bệnh đã phủ bóng đen lên ngành khách sạn.
Cũng tại Hà Nội, nhiều nơi đã treo biển giảm 50-60% giá phòng vì vắng khách.
Khách sạn "big sales" 50% ngay giữa mùa du lịch.
Một khách sạn khác cũng giảm sâu giá phòng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Tổng Giám đốc VnTrip.vn cho rằng kích cầu thông qua giảm giá chỉ là một cách cắt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp chứ không phải suy nghĩ căn cơ. Ông Phong cho rằng về bản chất, tỷ trọng đặt phòng mới là quan trọng chứ không phải việc kích cầu qua giảm giá. Ngoài ra đây có thể coi đại dịch là cơ hội để xem lại cơ cấu du lịch khi nhiều nơi đang chú trọng vào khách quốc tế mà bỏ qua khách nội địa.
"Với thị trường du lịch, theo tôi, không nên kích cầu bất cứ cái gì vào giai đoạn này. Một khi khách hàng có tâm ly sợ dịch thì có giảm giá bao nhiêu họ cũng không đi, còn người nào thật sự cần phải đi họ sẽ vẫn đi. Kích cầu qua giảm giá sẽ làm tốn chi phí xã hội nhiều hơn".
"Quan điểm của Vntrip thì đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp thanh lọc quy trình, thanh lọc nội bộ, nhìn lại những chỗ còn dư thừa để tiết giảm, trong đó có yếu tố nhân sự. Hãy thanh lọc, xem xét lại chiến lược chứ không nên gồng gánh chạy đua giảm giá", ông Phong khẳng định.
Trí thức trẻ