MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khai tử mảng mobile, LG vẫn là thế lực ngành sản xuất điện tử tại Việt Nam với hơn 8 tỷ USD doanh thu, lợi nhuận tăng mạnh

09-04-2021 - 11:57 AM | Doanh nghiệp

Khai tử mảng mobile, LG vẫn là thế lực ngành sản xuất điện tử tại Việt Nam với hơn 8 tỷ USD doanh thu, lợi nhuận tăng mạnh

Doanh thu của các nhà máy tập đoàn LG tại Việt Nam đều tăng trưởng mạnh trong năm 2020, sau 9 tháng đã vượt cả năm 2019.

Các nhà máy của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) tại Việt Nam đã công bố kết quả kinh doanh trong năm 2020. Tất cả đều được đặt tại thành phố cảng Hải Phòng.

Nhà máy LG Electronics Vietnam Hai Phong (LGEVH) đạt 5.556 tỷ won doanh thu. Tạm sử dụng tỷ giá đồng won/VND (21,288) tại ngày 31/12/2020 để tính toán, doanh LGEVH đạt 118.276 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng nhà máy đạt 197 tỷ won, tương đương gần 4.200 tỷ đồng. LGEVH chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử của LG như TV, điều hòa, máy hút bụi, máy giặt, tủ lạnh… Ngoài ra một cấu phần nhỏ dùng cho sản xuất điện thoại di động.

Nhà máy LG Innotek Vietnam Hai Phong (LGITVH) đạt doanh thu 1.743 tỷ won, khoảng 37.100 tỷ đồng; lợi nhuận ròng 99 tỷ won, hơn 2.100 tỷ đồng. Innotek chuyên sản xuất camera module cho smartphone.

Nhà máy LG Display Vietnam Hai Phong (LGDVH) chuyên sản xuất tấm màn hình, doanh thu 1.830 tỷ won, hơn 38.957 tỷ đồng; đáng chú ý là việc công ty lãi sau thuế 165 tỷ won, khoảng 3.512 tỷ đồng. Năm 2019, LG Display Hải Phòng là nhà máy duy nhất lỗ trong số các đơn vị sản xuất tại Việt Nam, lỗ hơn 5.000 tỷ đồng.

Như vậy, tổng doanh thu của 3 nhà máy của tập đoàn LG tại Việt Nam đem về 194.333 tỷ đồng trong năm 2020, tương đương 8,39 tỷ USD (theo tỷ giá tại 31/12/2020). Tổng số lợi nhuận khoảng 9.812 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh của tập đoàn Hàn Quốc tăng mạnh so với năm 2019.

Khai tử mảng mobile, LG vẫn là thế lực ngành sản xuất điện tử tại Việt Nam với hơn 8 tỷ USD doanh thu, lợi nhuận tăng mạnh - Ảnh 1.
Khai tử mảng mobile, LG vẫn là thế lực ngành sản xuất điện tử tại Việt Nam với hơn 8 tỷ USD doanh thu, lợi nhuận tăng mạnh - Ảnh 2.

Kết thúc năm 2020, LG Display Hải Phòng sở hữu quy mô tài sản lớn nhất trong các nhà máy, 3.319 tỷ won, 70.654 tỷ đồng. Các vị trí xếp sau là LG Electronics Hải Phòng 1.576 tỷ won, 33.550 tỷ đồng; LG Innotek Hải Phòng 792 tỷ won, 16.860 tỷ đồng.

Tăng trưởng của các công ty LG minh chứng công thức thành công của việc chuyển dịch các nhà máy sang Việt Nam, nơi tập đoàn Hàn Quốc có thể tận dụng nhân công giá rẻ, ưu đãi của Chính phủ thu hút đầu tư, và khai thác thị trường địa phương 100 triệu dân…Tập đoàn Samsung chính là ví dụ kinh điển nhất cho điều này.

LG Display đang có ý định đầu tư thêm 750 triệu USD vào nhà máy Hải Phòng. Đầu tháng 2 năm nay, công ty này đã nhận được chứng nhận đăng ký đầu tư của thành phố, nâng tổng vốn đầu tư dự án lên 3,25 tỷ USD. Dự án sẽ đi vào sản xuất chính thức từ tháng 5/2021, tuyển thêm 5.000 lao động.

Cho dù hoạt động sản xuất nhìn chung tương đối thành công, tuy nhiên cách đây ít ngày LG đã phải thông báo đóng cửa mảng kinh doanh smartphone không hiệu quả. Mảng di động của tập đoàn có 6 năm liên tục thua lỗ do không thể cạnh tranh với các nhà sản xuất hàng đầu như Samsung, Apple; mặt khác cũng hụt hơi khi các đối thủ Trung Quốc (Huawei, Xiaomi, Oppo…) vươn lên mạnh mẽ ở phân khúc thấp.

Một trong những động thái cứu vãn của LG là chuyển dây chuyền sản xuất smartphone sang Việt Nam, nhưng điều này chỉ có thể làm chậm, không thể giải quyết vấn đề. Công suất sản xuất điện thoại của LG Electronics Việt Nam trên 10 triệu chiếc mỗi năm.

Trước khi tuyên bố đóng cửa, LG đã tìm cách bán lại mảng di động. Báo chí Hàn Quốc đưa tin bên đàm phán là Tập đoàn Vingroup, công ty có chiến lược mới hướng vào sản xuất công nghiệp – công nghệ và cũng đang sở hữu công ty sản xuất điện thoại VinSmart. Nhưng thỏa thuận bất thành, không có đơn vị nào sẵn sàng trả mức giá 100 tỷ won, gần 2.100 tỷ đồng. LG đang cân nhắc việc chỉ bán khu đất nhà máy.

Đông A

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên