MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khẩn cấp cứu các hãng hàng không

Dự kiến ngày 28-9, đại diện Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, các hãng hàng không sẽ cùng họp bàn để tháo gỡ khó khăn về vốn

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành dự thảo mới nhất, quy định về tổ chức hoạt động vận tải hành khách trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, duy trì hoạt động vận chuyển hàng không nội địa, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19.

Mong bay càng sớm càng tốt

Đáng chú ý, tại dự thảo lần này, Bộ GTVT đã bỏ 2 phương án quy định đối với hành khách là phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc phải tiêm đủ liều vắc-xin. Thay vào đó, Bộ GTVT chỉ yêu cầu: Hành khách phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế... Doanh nghiệp (DN) hàng không được khai thác không hạn chế các đường bay, tăng dần tần suất khai thác đến lúc trở lại hoạt động bình thường khi xã hội đạt trạng thái bình thường mới.

Đây là thông tin tích cực cho các hãng hàng không với kỳ vọng sớm được bay trở lại để có doanh thu, dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh sau thời gian bị "đóng băng" vì dịch Covid-19. Không chỉ các hãng hàng không, nhu cầu đi lại của hành khách trong việc về quê, công tác, du lịch… cũng rất lớn, sau thời gian hạn chế đi lại để phòng chống dịch.

Dù vậy, để có thể duy trì được hoạt động DN trong giai đoạn khó khăn này, các hãng hàng không tiếp tục kiến nghị nhiều chính sách gỡ khó. TS Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội DN hàng không Việt Nam (VABA), cho biết từ đầu tháng 5 đến nay, gần 100% chuyến bay chở khách trong nước và quốc tế đã tạm ngừng. Doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt Nam đã giảm trên 60% và dự ước năm nay tiếp tục giảm so với năm ngoái, đặc biệt khoản lỗ năm nay có thể lớn hơn khoản lỗ của năm ngoái tới 16.000 tỉ đồng.

Hiện mỗi tháng, các hãng hàng không vẫn phải chi trả những khoản tiền lớn như thuê máy bay, trả lãi vay ngân hàng (NH), trả cho đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu - bảo dưỡng, trả lương nhân viên… Nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng hàng không lớn hiện đã lên tới hơn 40.000 tỉ đồng. Dòng tiền hoạt động của các DN này thiếu hụt nghiêm trọng. Các DN dịch vụ kỹ thuật, thương mại, công nghiệp phụ trợ, sản xuất suất ăn hàng không, đào tạo và logistics liên quan lĩnh vực hàng không cũng bị ảnh hưởng nặng nề…

"Thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, thị trường nội địa đang từng bước nối lại. Nhưng những quy định về vận chuyển, "hộ chiếu vắc-xin", kiểm dịch chưa được thống nhất, chưa sớm được thừa nhận sẽ là rào cản làm chậm tiến trình hoạt động trở lại của DN hàng không" - TS Bùi Doãn Nề lo ngại.

Khẩn cấp cứu các hãng hàng không - Ảnh 1.

Máy bay của Vietnam Airlines đậu tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều

Kiến nghị được vay gói lãi suất thấp

Trong văn bản mới nhất, VABA tiếp tục kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét, cho phép các hãng hàng không khác vay lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỉ đồng vay tối đa 3 năm). Mục đích là nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng và giúp các hãng hàng không giải quyết thanh khoản. Số tiền vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu của từng hãng hàng không, quy mô, thị phần, đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua và khả năng đáp ứng của ngân sách.

VABA cũng kiến nghị Chính phủ phê duyệt gói vay 25.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không như đề xuất từ tháng 11-2020 của hiệp hội, giúp các hãng hàng không chi thường xuyên, mua sắm vật tư, thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì và duy trì hoạt động trong thời gian chưa đạt miễn dịch cộng đồng…

Trong một báo cáo gửi Bộ GTVT mới đây, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng trong giai đoạn khủng hoảng do tác động của dịch Covid-19, để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hãng hàng không phục hồi hoạt động kinh doanh và tiếp tục tăng trưởng bền vững, nhà nước và DN cần đồng thời triển khai hệ thống giải pháp tổng thể, toàn diện. "Đặc biệt, giải pháp cấp thiết của quản lý nhà nước hiện nay là tập trung vào yếu tố tạo dòng tiền cho các hãng hàng không như đẩy nhanh tiến độ triển khai phương án tái cấp vốn cho Vietnam Airlines hoặc xem xét hỗ trợ hãng khác bằng các khoản vay ưu đãi… nhằm bù đắp các chi phí tối thiểu, giúp các hãng duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh cho đến thời điểm thị trường phục hồi" - ông Thắng nêu.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines - hãng hàng không mới nhất tham gia thị trường vào đầu năm 2021, kiến nghị cần sớm có gói hỗ trợ riêng cho hàng không vì đây là ngành chịu tác động nặng nề bởi dịch trong khi có đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế. Khoảng 70% nhu cầu đi lại đến từ hàng không, nếu "cứu" ngành này sẽ góp phần khôi phục kinh tế nhanh hơn.

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực nhận định giải pháp cho vay tái cấp vốn để hỗ trợ DN hàng không sẽ khó vì liên quan ngân sách nhà nước và mục đích cho vay. Do đó, để hỗ trợ ngành hàng không thời điểm này, có thể tháo gỡ về cơ chế như cho phép các NH thương mại cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với cả DN hàng không đang bị thua lỗ nhưng triển vọng có phục hồi; đồng thời được triển khai các gói hỗ trợ khác về giãn/hoãn thuế, nợ như các DN khác…

Liên quan giải pháp gỡ khó về vốn cho DN hàng không, tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Gói hỗ trợ lãi suất vốn phải đến đúng đích" tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NH Nhà nước, cho biết dự kiến ngày 28-9 sẽ có buổi đối thoại trực tiếp giữa NH Nhà nước với toàn bộ DN hàng không và NH thương mại có dư nợ để tháo gỡ khó khăn về vốn.

"NH Nhà nước sẽ chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan cùng các tổ chức tín dụng và các hãng hàng không để cùng trao đổi, tháo gỡ khó khăn liên quan tín dụng cho DN hàng không. Để triển khai một gói tín dụng hỗ trợ riêng cho ngành hàng không, các NH thương mại cần được chấp thuận bởi một cơ chế đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt và chỉ triển khai trong giai đoạn đặc biệt này" - ông Nguyễn Tuấn Anh nhìn nhận.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc công nhận "hộ chiếu vắc-xin".

Trên thế giới, nhiều quốc gia đang áp dụng "hộ chiếu vắc-xin" để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Việc công nhận "hộ chiếu vắc-xin" lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới là rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... để công nhận lẫn nhau về "hộ chiếu vắc-xin".

Theo Thái Phương - Dương Ngọc

Người lao động

Trở lên trên