MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khẳng định sức đề kháng của ngân hàng Việt

13-02-2021 - 13:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Khẳng định sức đề kháng của ngân hàng Việt

Những ngày cuối cùng của “năm Covid thứ nhất”, thêm một số ngân hàng thương mại Việt Nam công bố đã hoàn tất cả ba trụ cột của chuẩn mực Basel II. Nội lực và sức đề kháng của hệ thống tiếp tục khẳng định, củng cố bằng những bước tiến cụ thể như vậy ngay cả trong bối cảnh khó khăn.

2020 đánh dấu một năm đáng nhớ với cả thế giới. Cơn bão Covid-19 tràn đến, xô đổ các dự báo trước đó về triển vọng kinh tế toàn cầu. Một cuộc khủng hoảng mới, khác thường và bất thường diễn ra, kiểm định sức đề kháng và năng lực vượt qua của các nền kinh tế cũng như mỗi tổ chức, doanh nghiệp.

Việt Nam và hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) nằm trong cuộc thử lửa chung đó.

Khẳng định sức đề kháng của ngân hàng Việt - Ảnh 1.

 Trong các dòng chảy thông tin, đã có những hồi tưởng về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 để lường tính mức độ khốc liệt của đại dịch Covid-19 và khả năng chống đỡ của hệ thống. Và có những ám ảnh trong quá khứ.

Hơn 10 năm trước, hệ thống ngân hàng Việt Nam nổi lên tình trạng sở hữu chéo vô cùng phức tạp, các công ty sân sau, với tình trạng tăng vốn ảo, các ngân hàng "bật tường vốn" lẫn nhau để rồi khi ảnh hưởng cơn bão khủng hoảng dồn tới, hàng loạt bất ổn bộc lộ. Các giá trị nền tảng, năng lực tài chính và chất lượng tài chính bị lung lay dẫn đến bối cảnh rủi ro, căng thẳng và nóng bỏng những năm sau đó.

Điển hình như con số nợ xấu . Đỉnh điểm vào cuối tháng 9/2012, quy mô nợ xấu nhận diện tổng thể toàn hệ thống được xác định lên tới 17,21%, vượt xa mức độ "an thần" quanh 3% những năm công bố trước đó. Hay ở một thước đo khác, lãi suất huy động leo thang căng thẳng tới 17-18%/năm, lãi suất cho vay thậm chí tới 25%/năm dồn đẩy rủi ro lan rộng trong nền kinh tế. Bản thân hệ thống NHTM cũng cụ thể hóa bằng một loạt thành viên yếu kém, mà có những hệ quả đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Nhưng nay, đón tác động lớn và bất thường từ đại dịch, hệ thống NHTM Việt Nam đã và đang cho thấy khác biệt.

Cho đến hết năm 2020, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã cho thấy một vị thế khác: được trang bị tốt hơn, mạnh mẽ hơn, sẵn sàng đối mặt và vượt qua khó khăn, thể hiện được vai trò là rường cột của nền kinh tế.

Trong đó, nhóm 4 NHTM Nhà nước (bao gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Với tổng tài sản và dư nợ tín dụng chỉ của 4 ngân hàng đã chiếm trên dưới 50% toàn hệ thống, đây chính là lực lượng tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước; đồng thời là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường và góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô trước những "đợt sóng lớn" vừa qua.

Khẳng định sức đề kháng của ngân hàng Việt - Ảnh 2.

Dù muộn, nhưng cơ chế tăng vốn cho "Big 4" đã được tháo gỡ trong năm qua. Trước đó, mỗi thành viên đã phải tự củng cố mình bằng tái cơ cấu lại tài sản, điển hình như VietinBank; hoặc đã kịp bù đắp nền vốn như BIDV qua thương vụ bán vốn cho đối tác nước ngoài; hay Vietcombank vẫn tiếp tục thể hiện hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả…

Ngay trước thềm "cơn bão Covid", toàn hệ thống đã kịp hạ nhiệt áp lực nợ xấu, với lượng lớn đã được tập trung xử lý về chất; gần 20 thành viên đã tất toán xong toàn bộ nợ tại VAMC. Nếu như không làm được điều này, ảnh hưởng của đại dịch hẳn đã khắc nghiệt hơn.

Trong khi đó, nhóm các ngân hàng TMCP tư nhân những năm trước đại dịch đã tranh thủ được mô hình linh hoạt để tăng cường vốn, tăng trưởng mạnh mẽ các chỉ tiêu hoạt động, để đến 2020 vững vàng thực hiện mục tiêu kép: vừa thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt từ tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tìm ra những hướng đi mới nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng, hiệu quả kinh doanh, thích nghi với điều kiện kinh doanh mới.

Một điểm quan trọng, ngay trước thềm "cơn bão Covid", toàn hệ thống NHTM Việt Nam nói chung đã kịp hạ nhiệt áp lực nợ xấu, với lượng lớn đã được tập trung xử lý về chất; gần 20 thành viên đã tất toán xong toàn bộ nợ tại VAMC. Nếu như không làm được điều này, ảnh hưởng của đại dịch hẳn đã khắc nghiệt hơn.

Về tình hình chung, năng lực tài chính cũng như quy mô của hệ thống các TCTD không ngừng gia tăng năm qua. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2020, tổng tài sản có của toàn hệ thống đã đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, tăng 4,75% so với cuối 2019; tương ứng, vốn điều lệ được nâng lên đạt hơn 643 nghìn tỷ đồng, tăng 5,05% so với cuối 2019.

Khẳng định sức đề kháng của ngân hàng Việt - Ảnh 4.
Khẳng định sức đề kháng của ngân hàng Việt - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, "sức đề kháng" của hệ thống cũng tiếp tục được tăng cường khi nhiều nhà băng chấp nhận hy sinh một phần tăng trưởng lợi nhuận để gia tăng bộ đệm dự phòng trước những biến động khôn lường của dịch bệnh. Ở một nguồn tập hợp dữ liệu tin cậy mà BizLIVE tham khảo, đến cuối tháng 10/2020, chi phí dự phòng toàn hệ thống ước tính đã tăng khoảng 17,1%, trong khi cùng kỳ năm trước giảm nhẹ 0,9%.

Về chuẩn mực hoạt động, ngay trong năm khó khăn nổi bật bởi Covid-19, thị trường ghi nhận thêm một loạt NHTM đã đạt chuẩn Basel II, với gần 20 thành viên; trong đó, đã có gần 10 trường hợp hoàn tất cả 3 trụ cột của bộ chuẩn mực đầy áp lực này.

Khẳng định sức đề kháng của ngân hàng Việt - Ảnh 6.

Cũng chính nhờ sức đề kháng tốt, nền tảng được củng cố, cùng với kinh nghiệm quả trị điều hành đã được tôi luyện qua những cuộc khủng hoảng trước, ngành ngân hàng năm qua dù không còn ghi nhận lợi nhuận "khủng" như vài năm trước nhưng nhìn chung hiệu quả kinh doanh vẫn được giữ vững.

Theo tính toán sơ bộ của một số tổ chức nghiên cứu đầu tư đối với các NHTM đã niêm yết, lợi nhuận của nhóm năm 2020 vẫn tăng trưởng nhẹ so với 2019. Còn theo dữ liệu BizLIVE tìm hiểu về tổng thể toàn hệ thống, tính đến 31/10/2020, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh toàn hệ thống NHTM trước chi phí dự phòng rủi ro vẫn đạt tăng trưởng, với 11,5% so với cùng kỳ năm trước; còn mức lợi nhuận sau dự phòng giảm nhẹ khoảng 5,6% cũng phản ánh hiệu quả kinh doanh khá ổn định trong đại dịch.

Được tôi rèn qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, rồi đến cuộc khủng hoảng hệ thống 2011-2013, hệ thống các TCTD giờ đây đã có nhiều kinh nghiệm hơn, năng lực tài chính và chất lượng hoạt động đã vững vàng hơn để vượt qua cú sốc Covid-19.

Đáng chú ý, sự tăng trưởng và hiệu quả trên đặt trong bối cảnh toàn ngành đã thực hiện các đợt giảm lãi suất cho vay năm nay, cùng nhiều chương trình miễn giảm chi phí dịch vụ nhằm hỗ trợ khách hàng vượt khó. Có được điều này là nhờ vào quá trình đầu tư mạnh vào công nghệ cùng chiến lược đa dạng hóa nguồn thu, giảm bớt phụ thuộc vào tín dụng vốn đã được các nhà băng chú trọng từ rất lâu, trước khi xảy ra đại dịch.

Theo đó, ngay khi kết thúc quý 3/2020, một số NHTM đã tự tin hướng tới hoàn thành, thậm chí vượt các chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Dự kiến sẽ có nhiều NHTM tiếp tục đạt tăng trưởng lợi nhuận, và thậm chí có những trường hợp giảm được mạnh nợ xấu, tiếp tục tăng được vốn điều lệ để tự tin và chủ động thêm trong năm 2021.

Có thể nói, sau khi được tôi rèn qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn một thập kỷ, rồi đến cuộc khủng hoảng hệ thống 2011-2013, hệ thống các tổ chức tín dụng giờ đây đã có nhiều kinh nghiệm hơn, năng lực tài chính và chất lượng hoạt động đã vững vàng hơn để vượt qua cú sốc của Covid-19.

Khẳng định sức đề kháng của ngân hàng Việt - Ảnh 8.

Dù vậy, bước sang năm 2021, với xu hướng nợ xấu đang và dự báo sẽ tăng lên, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, thử thách lớn vẫn tiếp tục đặt ra đối với các NHTM.

Nhưng ngược lại, với diễn tiến khả quan của vắc-xin Covid-19, với bình thường mới đi cùng kết quả phòng chống dịch của Việt Nam, vị thế của một quốc gia vừa gia nhập một loạt hiệp định thương mại lớn…, sự hồi phục của nền kinh tế và hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng đang mở ra những triển vọng khả quan hơn trong năm 2021.


Theo Trần Thuý

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên