MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khánh Hòa phục hồi kinh tế ấn tượng, cao nhất cả nước

Khánh Hòa phục hồi kinh tế ấn tượng, cao nhất cả nước

Sau 2 năm liên tục tăng trưởng âm, tổng mức sản phẩm (GRDP) của tỉnh Khánh Hòa bất ngờ tăng trưởng mạnh gần 20,7%, đứng đầu cả nước.

Để có mức tăng trưởng ấn tượng này, năm 2022, Khánh Hòa đã có kịch bản ở nhiều lĩnh vực quan trọng. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa quanh việc này.

* Phóng viên: Thưa ông, trong 2 năm 2020 và 2021, lần đầu tiên kinh tế tỉnh Khánh Hòa tăng trưởng âm. Vậy điều gì đã khiến năm 2022, Khánh Hòa tăng trưởng mạnh mẽ đến như vậy?

Khánh Hòa phục hồi kinh tế ấn tượng, cao nhất cả nước - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

- Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Đây là nỗ lực chung của toàn tỉnh trong việc phục hồi kinh tế khi đã có sự chuẩn bị cụ thể, lên một kịch bản tăng trưởng khi đã kiểm soát được dịch bệnh. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành để ưu tiên các ngành nghề lợi thế của Khánh Hòa.

Ngay từ đầu năm 2022, tỉnh Khánh Hòa đã cử các đoàn công tác để kêu gọi xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực du lịch. Đây là điểm thành công của Khánh Hòa, các thị trường như Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Kazakhstan đã chọn địa phương này là điểm đến.

Tiếp đó là trong lĩnh vực công nghiệp, chúng tôi tập trung cho công nghiệp đóng tàu, xuất khẩu thủy sản. Các đơn hàng đều thực hiện tốt, các doanh nghiệp được chính quyền các cấp hỗ trợ. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 đã tăng 21,7% so năm 2021, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 22,7%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 20,65%; khu vực dịch vụ tăng 25,5%...

Bên cạnh đó, năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 85.231 tỉ đồng, tăng 54,6% so với năm 2021. Doanh thu du lịch thực hiện đạt hơn 13.843 tỉ đồng, tăng gấp 5,8 lần so với năm 2021. Thu ngân sách nhà nước thực hiện đạt hơn 16.500 tỉ đồng, bằng 137,3% dự toán và tăng 17,2% so với năm 2021.

* Tỉnh Khánh Hòa trong năm tới sẽ tiếp tục làm gì để giữ được mạch tăng trưởng này?

- Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là Khánh Hòa đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, cơ bản đã phủ được vắc xin cho tất cả các lứa tuổi. Việc du lịch phục hồi tốt đã kéo theo một loạt các dịch vụ đi kèm như ăn uống, mua sắm, tiêu dùng, bán lẻ… Chính vì vậy, chúng tôi đã chuẩn bị quy trình nghiêm ngặt trong việc mở cửa đón khách quốc tế mà sắp tới là lượng lớn khách từ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ phân luồng, kiểm soát khách khi xuống sân bay, bến cảng; bố trí các máy đo thân nhiệt tại sân bay để khi có trường hợp nghi ngờ thì xử lý ngay. Chúng tôi cũng trao đổi với Sở Du lịch phải phân luồng khách ở các nước đã kiểm soát dịch bệnh, nước nào mới mở cửa sau này và bố trí tour, lưu trú phù hợp để làm sao khách nước này không ngại khách nước khác.

Năm 2022, Khánh Hòa đã tăng trưởng khá mạnh nhưng tỉnh không chủ quan mà đang cố gắng tìm những nguồn tăng trưởng kinh tế khác. Nhiệm kỳ này, tỉnh xác định phải tăng trưởng 7,1%. Như vậy những năm tới đây phải tiếp tục cố gắng, đẩy mạnh. Về lâu dài, để tiếp tục giữ mạch tăng trưởng thì Khánh Hòa cần triển khai đúng theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 55 của Quốc hội... để hình thành các khu đô thị công nghiệp, đô thị dịch vụ logistics và đô thị dịch vụ cao cấp đẳng cấp kinh tế nhằm tăng trưởng ổn định hơn.

Khánh Hòa phục hồi kinh tế ấn tượng, cao nhất cả nước - Ảnh 2.

TP Nha Trang – Khánh Hòa đang trở thành điểm đến an toàn, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ

Khánh Hòa đã có Nghị quyết 55 của Quốc hội về các cơ chế đặc thù để phát triển. Vậy tỉnh đã chuẩn bị như thế nào để tận dụng cơ hội, tạo đòn bẩy cho Khánh Hòa trở thành TP trực thuộc Trung ương?

- Ngay sau Nghi quyết 55 của Quốc hội được ban hành vào tháng 6-2022, đến thời điểm này, cơ bản các chính sách thụ hưởng từ nghị quyết chúng tôi đã chuẩn bị xong. Chúng tôi đã ban hành các nghị quyết của HĐND thuộc thẩm quyền, các quyết định của UBND được phân quyền và Chính phủ cũng đã hoàn thành tất cả quyết định, nghị định để phân quyền cho Khánh Hòa.

Hiệu lực của Nghị quyết 55 trong vòng 5 năm, do đó chúng tôi đã có kịch bản chuẩn bị sẵn, vào tháng 4 năm nay sẽ tổ chức công bố các quy hoạch; từ đó kêu gọi xúc tiến đầu tư. Có như vậy các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn vào đầu tư ở Khánh Hòa. Từ 3 - 4 năm sau có thể đưa các dự án vào hoạt động. Như vậy sẽ có chu kỳ khép kín, các doanh nghiệp có thể thụ hưởng Nghị quyết 55 một cách chính đáng.

- HĐND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Liệu đây có là cú huých về vốn, tạo bệ phóng cho việc phát triển kinh tế?

- Sau khi làm việc, thống nhất chúng tôi sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, dự kiến là 3.000 tỉ đồng. Số tiền này chúng tôi sẽ ưu tiên cho các công trình trọng điểm để phát triển cơ sở hạ tầng, làm sao để từ nguồn vốn này mọi người dân đều được thụ hưởng. Chúng tôi cũng có kế hoạch kiểm soát nghiêm ngặt để việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu có hiệu quả nhất.

Theo Kỳ Nam

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên