Khảo sát việc làm mùa Covid: Hầu hết tân cử nhân mong muốn lương tháng 10-15 triệu đồng, nhưng hơn 50% nhà tuyển dụng chấp nhận trả 6-10 triệu
Khảo sát mới nhất của Adecco Việt Nam nhằm đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với các hoạt động tìm việc làm và tuyển dụng dành cho sinh viên vừa tốt nghiệp đại học. Kết quả khảo sát có thể giúp sinh viên mới tốt nghiệp, nhà tuyển dụng và nhà trường hiểu rõ hơn về tình hình hiện tại và tìm ra hướng đi đúng đắn trong tương lai.
- 10-11-2021Cuộc nói chuyện của một sinh viên đại học 22 tuổi nói chuyện với CEO Apple đặc sắc tới mức nào mà được 200 triệu người theo dõi? Ẩn ý đằng sau đó còn kinh ngạc hơn nữa!
- 08-11-2021Thời sinh viên mẹ cho 3 triệu vẫn sống dư giả, đi làm lương gần 10 triệu lại thiếu thốn đủ đường: Sự khắc nghiệt của trưởng thành là đây!
- 07-11-2021Tại sao những sinh viên từng được xếp loại “C” lại là những người thành công nhất trên thế giới?
Mới đây, Công ty nhân sự Adecco Việt Nam đã thực hiện khảo sát trên toàn quốc vào tháng 10 năm 2021 với chủ đề "Việc làm và tuyển dụng sau đại học trong đại dịch COVID-19". Cuộc khảo sát nhận được tổng số 480 câu trả lời từ cả sinh viên mới tốt nghiệp và nhà tuyển dụng.
Đối với các nhà tuyển dụng, 56,3% là công ty đa quốc gia (MNC) và 43,8% là các doanh nghiệp Việt Nam. Họ đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng chủ yếu là Dịch vụ chuyên nghiệp (22,5%), CNTT & Công nghệ (18,8%), và Sản xuất (13,8%).
Đối với những người mới đi làm, phần lớn họ tốt nghiệp từ các trường đại học/cao đẳng công lập (55,7%) và đại học/cao đẳng quốc tế (22,1%). Gần 43% trong số họ hiện đang làm việc toàn thời gian. Khoảng một phần ba thất nghiệp và đang tìm việc làm.
Khảo sát cho thấy 88,5% người mới đi làm coi mức lương và chính sách đãi ngộ là ưu tiên hàng đầu của họ khi quyết định nhận một công việc, theo sau đó là cơ hội đào tạo và phát triển (87,7%), và khả năng thăng tiến (73,8%). Họ ít quan tâm đến vấn đề cam kết với công việc, trong khi đây là một trong những mối lo ngại chính của nhà tuyển dụng.
Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Adecco Hà Nội, chia sẻ: "Rất vui khi thấy sinh viên mới tốt nghiệp chú trọng cơ hội đào tạo và thăng tiến nghề nghiệp". Về nguyên nhân của việc sinh viên mới ra trường có tỷ lệ nghỉ việc cao, bà lý giải: "Thông thường, các nhân sự trẻ thích trải nghiệm nhiều vị trí, môi trường làm việc, lĩnh vực, loại hình công ty khác nhau. Điều này khá dễ hiểu khi họ vẫn đang trong giai đoạn đầu của sự nghiệp và chưa xác định được đâu là điều phù hợp nhất".
Về phía nhà tuyển dụng, bà đưa ra một số gợi ý để chiêu mộ và giữ chân nhân tài trẻ. "Trong quá trình tuyển dụng, bạn nên tìm hiểu về các mục tiêu dài hạn của ứng viên để xem liệu chúng có phù hợp với kế hoạch kinh doanh và khả năng đáp ứng của bạn hay không. Ví dụ, nếu ứng viên muốn tham gia vào toàn bộ quá trình làm việc, nhưng vị trí còn trống chỉ là một mắt xích nhỏ, bạn nên xem xét liệu ứng viên có sớm chán nản và rời đi hay không. Bên cạnh đó, để chắc chắn cả hai đồng lòng trong công việc, bạn cũng cần thảo luận về các yếu tố vô hình như văn hóa đội ngũ và tiềm năng phát triển sự nghiệp trong tương lai".
Những phát hiện chính:
• Gần 39% doanh nghiệp giảm nhu cầu tuyển dụng sinh viên mới ra trường, 27,6% tăng nhu cầu, và 28,7% doanh nghiệp cho biết không có thay đổi.
• Hơn 59% các tân cử nhân tin rằng hiện nay có ít cơ hội việc làm hơn trước, 41,8% lo ngại về việc thiếu kiến thức thực tế, và 40% nói rằng họ có ít có cơ hội tiếp cận nhà tuyển dụng hơn.
• 43% tân cử nhân xem tình huống này là cơ hội để nâng cao kỹ năng và kiến thức, 33,6% xem xét lại mục tiêu nghề nghiệp, và một tỷ lệ tương tự sử dụng thời gian này để cân nhắc sự nghiệp trong lĩnh vực khác.
• Khi được hỏi về loại hình công việc ưa thích, công việc từ xa (remote work) được xếp thứ hai, chỉ sau công việc toàn thời gian quen thuộc.
• Các sinh viên mới tốt nghiệp rất chủ động trong quá trình tìm việc với những cách tiếp cận đa dạng. Tìm kiếm trên các trang đăng tuyển là cách điển hình nhất (68,9%). 65,6% người mới đi làm tích cực quảng bá bản thân trên các trang mạng xã hội như LinkedIn và Facebook. Gần 55% tham gia khóa học, khóa đào tạo hoặc chương trình học ngắn hạn, và khoảng 42% tham gia chương trình thực tập hoặc tập sự (trainee).
• Cả nhà tuyển dụng lẫn người mới đi làm đều coi trọng kỹ năng mềm. Hơn 71% nhà tuyển dụng và gần 75% sinh viên mới ra trường coi đây là yếu tố quyết định trong quy trình tuyển dụng.
• Chỉ 39,3% sinh viên mới tốt nghiệp cân nhắc đến yếu tố đảm bảo việc làm (job security), và tỷ lệ khiêm tốn 15,6% cân nhắc các chính sách hỗ trợ liên quan đến COVID-19 của doanh nghiệp.
• Hầu hết các nhà tuyển dụng (trên 51%) trả mức lương gộp hàng tháng từ 6 đến dưới 10 triệu đồng, và 27,5% sẵn sàng trả từ 10 đến dưới 15 triệu đồng. Trong khi đó, hầu hết sinh viên mới tốt nghiệp (hơn 43%) mong đợi từ 10 triệu đến dưới 15 triệu đồng, và khoảng 31% muốn từ 6 triệu đến dưới 10 triệu đồng.
• Những lo ngại chính của doanh nghiệp khi tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp bao gồm thiếu kỹ năng mềm (47,5%), kỳ vọng không thực tế (45%) và sự thiếu ổn định có thể dẫn đến tỷ lệ giữ chân nhân tài thấp (41,3%).
• Bất chấp những lo ngại nhất định, các nhà tuyển dụng vẫn đồng ý rằng nhóm nhân sự trẻ đóng góp rất nhiều cho doanh nghiệp. Hơn 56% nhà tuyển dụng đánh giá cao tầm nhìn và sáng kiến mới, gần 54% đánh giá cao sự nhiệt tình, và 40% nhà tuyển dụng nói rằng sinh viên mới tốt nghiệp giúp xây dựng một nơi làm việc đa dạng.
• Trong 6 tháng tới, 62% sinh viên mới ra trường sẽ tìm kiếm việc làm mới. Nhu cầu tuyển dụng trong thời gian này cũng rất đáng kể. Các vị trí đầu vào vẫn được tìm kiếm nhiều nhất (36,3%). Nhu cầu nhân sự cho các chương trình thực tập và tập sự cũng tăng lên đáng kể (đều 31,3%).
Doanh nghiệp và tiếp thị